Ngày 30/1, một tàu chiến Mỹ đã tiến hành tuần tra Biển Đông gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974. Đây là chuyến tuần tra Biển Đông thứ hai của tàu chiến Mỹ trong mấy tháng gần đây. Đảo Tri Tôn là một trong nhiều địa điểm có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, gây căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
|
Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông.
|
Mỹ cũng có lợi ích trong khu vực, không chỉ vì quan hệ phức tạp với Trung Quốc, mà còn vì Biển Đông là cho một tuyến đường thương mại quan trọng đối với giao lưu thương mại toàn cầu. Vì vậy, chuyến
tuần tra Biển Đông lần này, tập trung vào đảo Tri Tôn, là một phần trong chiến lược của Mỹ thúc ép Bắc Kinh tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.
"Những tuyên bố chủ quyền quá mức (của Trung Quốc ) đối với đảo Triton là không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)", một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Căng thẳng ở Biển Đông đã tăng lên, khi Trung Quốc hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền gây nhiều tranh cãi bằng cách bắt đầu chương trình bồi đắp-xây dựng trái phép trên một số bãi đá ngầm, rạn san hô (ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam) – trong đó có việc xây dựng các đường băng lớn có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự.
Tạp chí The Economist lưu ý: "Điều đáng lo ngại là Bắc Kinh đang dần mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc cho đến khi sự thống trị Biển Đông trở thành một thực tế không thể tranh cãi".
Mỹ và các nước khác đã lên tiếng phản đối hành động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở nam Biển Đông.
Một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS ) nói: “Chính phủ Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa, nhưng có lập trường kiên quyết về một số tuyên bố chủ quyền đối với các vùng nước xung quanh những tính năng (ở Biển Đông)".
Ngoài ra, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần của bức tranh rộng lớn hơn của sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một cường quốc thế giới và thách thức địa vị bá chủ của Mỹ. Mỹ cũng có nhiều đồng minh trong khu vực ( trong đó một số đã ký kết các hiệp ước quốc phòng với Mỹ) và bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào (ở Biển Đông) có thể sẽ đòi hỏi phản ứng của Washington.
Nhưng con đường đi đến một giải pháp hòa bình xem ra ngày càng bị thu hẹp và điều cuối cùng mà Tổng thống Barack Obama muốn trong năm tại vị cuối cùng của ông là kích động một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Trung Quốc.
Theo Reuters, trước cuộc tuần tra Biển Đông đầu tiên cuối tháng 10/2015, Lầu Năm Góc đã sẵn sàng hành động từ nhiều tháng trước, nhưng đã bị Nhà Trắng “nhiều lần trì hoãn”.
Trong một bài viết cho CSIS, các tác giả Michael J. Green, Bonnie S. Glaser, và Gregory B. Poling nhận định rằng chiến lược tuần tra hải quân của Mỹ hiện nay là nhằm mục đích khẳng định "tự do hàng hải" (FON), "để đảm bảo rằng Hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân sự của Mỹ... duy trì quyền tự do đi lại không hạn chế ở những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép”, nhưng tránh xung đột quân sự với Trung Quốc.
Nhà phân tích John Garnaut cũng viết trên tờ The Age: "Các viên tướng diều hâu của Trung Quốc muốn chúng ta tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có nguy cơ sử dụng vũ khí nhân để bảo vệ niềm tự hào dân tộc ở Biển Đông. Họ thề sẽ tấn công phủ đầu bất kỳ tàu nước ngoài nào thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc gần 5 hòn đảo nhân tạo mà ông Tập đã cho bồi đắp (trái phép) ở ngoài khơi bờ biển Philippines”.
Điều này lý giải vì sao mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ra thận trọng với chuyến tuần tra Biển Đông bằng tàu chiến hồi tháng 10/2015. Về vụ việc này, Trung Quốc đã không phản ứng mạnh mẽ mà chỉ đưa ra một tuyên bố lên án thông qua Tân Hoa Xã.
Cuộc tuần tra bằng tàu chiến mới nhất của Mỹ vào vùng biển tranh chấp xung quanh đảo Tri Tôn cũng chỉ vấp phải phản ứng khá nhẹ qua Tân Hoa Xã, với việc một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng "hành động nói trên của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh trật tự và làm xói mòn hòa bình và ổn định của khu vực”. Ông này nói thêm rằng Bộ Quốc phòng Trung Quốc “cực lực phản đối hành động này”.
Nhưng có lẽ, việc tuần tra gần đảo Tri Tôn một lần nữa phản ánh cách tiếp cận thận trọng của Mỹ, gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng Washington sẽ chống lại mọi tuyên bố chủ quyền quá mức, nhưng theo cách giảm thiểu nguy cơ đối đầu trực tiếp.
Nhà phân tích Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney nói với tạp chí The Japan Times rằng sở dĩ Mỹ “lựa chọn đảo Tri Tôn” là do “rủi ro tương đối thấp” so với Đá Vành Khăn (ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà nhiều người từng hy vọng sẽ là mục tiêu của hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tiếp theo.
Về phản ứng của Trung Quốc, nhà phân tích Garnaut viết trên tạp chí The Age: “Trái với những gì mà chúng ta chờ đợi, ông Tập Cận Bình không muốn mạo hiểm tất cả mọi thứ để chống lại sức mạnh quân sự của Mỹ”.