Trong bài viết đăng trên Asia Times ngày 24/2, giáo sư Richard Javad Heydarian – một học giả Philippines – đã đề cập đến nguy cơ đối đầu Trung-Mỹ ở Biển Đông và lập trường của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
|
Tàu chiến Mỹ tuần tra "tự do hàng hải" trên Biển Đông. Ảnh Al Jazeera |
Theo giáo sư Heydarian, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện chiến lược trên các tính năng tranh chấp khác nhau, triển khai nhiều hệ thống vũ khí mới và thiết lập các căn cứ quân sự tiên tiến trên các “đảo nhân tạo” mà nước này đã bồi đắp trái phép ở các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump coi hành động nói trên của Trung Quốc là thách thức trực tiếp đối với tự do hàng hải và hàng không ở một trong những tuyến đường biển thương mại quan trọng nhất thế giới và thách thức với vị thế chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Trong khi đó, tranh chấp Biển Đông và chính sách Châu Á của chính quyền Donald Trump đã trở thành trọng tâm thảo luận trong hội nghị gần đây của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại khu du lịch trên đảo Boracay, Philippines. Các vị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự hội nghị bày tỏ mối lo ngại sâu nhất trí về hành động quân sự hóa các tính năng đang tranh chấp ở Biển Đông, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc.
Năm nay, một số nước ASEAN có vẻ quan tâm đến việc tái sử dụng phán quyết Biển Đông hồi tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye để làm cơ sở quản lý các tranh chấp hàng hải.
Phát biểu kết thúc hội nghị vào ngày 21/2, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết: "Một số bộ trưởng bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến gần đây và sự leo thang các hoạt động (trong Biển Đông) có thể làm leo thang căng thẳng và làm xói mòn lòng tin... trong khu vực". Mặc dù không tin rằng tranh chấp sẽ được giải quyết trong thế hệ ông, nhưng Ngoại trưởng Perfecto Yasay lạc quan về việc ASEAN và Trung Quốc sẽ hoàn thành khuôn khổ cho Bộ Qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông vào giữa năm nay.
Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã theo đuổi lập trường hòa hoãn với Trung Quốc, các quan chức quốc phòng Philippines vẫn rất lo ngại trước những tham vọng của Bắc Kinh trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Từ lâu, ASEAN đã tìm cách ngăn chặn việc xảy ra một cuộc xung đột giữa hai siêu cường trong khu vực, một cuộc xung đột sẽ buộc các nước Đông Nam Á phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột Trung-Mỹ, chiến lược cân bằng này sẽ bị thách thức nghiêm trọng, đặc biệt ở những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Bất kỳ sự leo thang quân sự nào ở vùng biển chiến lược này đều sẽ làm suy yếu những liên kết thương mại và đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế ASEAN vốn có định hưỡng thương mại.
ASEAN hiện đang chật vật duy trì vai trò trung tâm trong việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông. Người ta có cảm giác rằng ASEAN có thể đánh mất vai trò trung tâm này và sẽ bị lãng quên, nếu không nhanh chóng đề ra phương pháp tiếp cận thống nhất để xử lý các tranh chấp hàng hải.
Trong những tháng tới, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra bảo đảm “tự do hàng hải” để khẳng định quyền lực của mình trước những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền Donald Trump cũng sẽ đòi hỏi các đồng minh trong khu vực - đặc biệt là Nhật Bản và Australia - đóng góp nhiều hơn vào những nỗ lực đa phương nhằm kiềm chế tham vọng hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc.
Kể từ đầu những năm 2000, Bắc Kinh đã tăng cường ngăn chặn các hoạt động tình báo, giám sát và do thám của Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc và ngày càng xa hơn. Hồi đầu tháng này, một máy bay do thám của Trung Quốc đã tiến sát một cách nguy hiểm để ngăn chặn máy bay do thám P-3C Orion của Hải quân Mỹ đang bay trên Biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc cũng đã tăng cường hiện diện quân sự và triển kha các hệ thống tên lửa ở Quần đảo Trường Sa, nơi nước này đã bồi đắp trái phép 7 “đảo nhân tạo” và ở Quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đã chiếm tất cả 20 đảo lớn nhỏ của Việt Nam.
|
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Wikimedia Commons |
Việc Washington triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tuần tra Biển Đông là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn cán cân chiến lược nghiêng về phía Trung Quốc.
Để đối phó với sức mạng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ cần có một sự hiện diện hải quân mạnh hơn trong khu vực, với khả năng sử dụng các căn cứ gần đó, đặc biệt là tại Vịnh Subic và Vịnh Oyster ở Philippines.
Học giả Richard Javad Heydarian kết luận: Nếu không can dự mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump, chưa chắc Hải quân Mỹ sẽ được sử dụng hai căn cứ chiến lược nói trên và các căn cứ khác trong khu vực Đông Nam Á.