Sau chiến thắng Ramadi sẽ là giải phóng Mosul?

Google News

(Kiến Thức) - Sau chiến thắng Ramadi, quân đội Iraq hướng tới mục tiêu giải phóng Mosul. Thế nhưng, thành phố lớn thứ hai của Iraq này lại là một miếng mồi khó nuốt.

Để chứng minh khả năng đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), chính phủ Iraq sẽ phải tiếp tục giành lại các khu vực bị IS đánh chiếm như Mosul, thành phố lớn thứ hai của đất nước.
Sau chien thang Ramadi se la giai phong Mosul?
Sau chiến thắng ở Ramadi, Thủ tướng Abadi một lần nữa tuyên bố sẽ giải phóng Mosul. 
Vài trăm phiến quân IS đã giằng co quyết liệt với hàng chục nghìn binh sĩ Iraq ở Ramadi nhiều tháng trời, trong khi có tới hàng nghìn quân khủng bố đang đồn trú tại Mosul, trung tâm chính của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Không những thế, với việc chỉ có vài bộ tộc Sunni đồng minh và sự hiện diện quân sự rất hạn chế, việc quân đội Iraq một mình tái chiếm thành phố chiến lược Mosul trong năm 2016 xem ra rất khó khăn, nếu không muốn nói là sứ mạng bất khả thi.
Cựu đại sứ Mỹ tại Iraq (2010-2012) James Jeffrey  nhận định: "Chiến thắng quyết định đánh bại phiến quân IS  trong khu vực chính là tái chiếm Raqqa hoặc Mosul. Cuộc chiến giành lại Ramadi đã diễn ra trong một thời gian khá dài và hiện vẫn chưa kết thúc.  ISIS đã không tập trung toàn bộ lực lượng ở Ramadi ... (Tái chiếm) Ramadi là một thành công, nhưng thời gian không đứng về phía chúng ta”.
Việc tái chiếm Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, được ca ngợi là sự kiện quan trọng nhất trong một chuỗi những chiến thắng gần đây chống lại các nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, theo New York Times, đến sáng 29/12, tàn quân IS vẫn còn kháng cự ở 30% diện tích thành phố Ramadi.
Việc IS đánh chiếm Mosul năm ngoái đánh dấu một sự đổ quân ồ ạt của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo vào Iraq. Binh sĩ và các lực lượng an ninh Iraq đồn trú ở thành phố này đã hoảng loạn tháo chạy, bỏ lại một số lượng khổng lồ vũ khí khí tài sản xuất tại Mỹ vào tay phiến quân IS.  Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq và có cư dân chủ yếu là người Sunni,  đã trở thành đại bản doanh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và việc tái chiếm thành phố này là một mục tiêu quan trọng của quân đội Iraq.
Trong những tháng gần đây, “gió đã xoay chiều” đối với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Phiến quân IS đã bị mất nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn vào tay các lực lượng Iraq, người Kurd lực lượng, lực lượng dân quân Shiite và các bộ tộc Sunni. Chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu đã giúp đỡ rất nhiều cho chính quyền Baghdad, lực lượng  Kurd ở Iraq và tập trung vào việc cắt giảm nguồn thu của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq lẫn Syria.
Sau chiến thắng ở Ramadi, Thủ tướng Abadi một lần nữa tuyên bố sẽ giải phóng Mosul. Trong quá khứ, ông Abadi từng tuyên bố sẽ tái chiếm Mosul vào cuối năm 2015, nhưng mục tiêu đó đã không thể nào đạt được. Thủ tướng Abadi tuyên bố: “Giải phóng Mosul sẽ đạt được với sự hợp tác và đoàn kết của tất cả nhân dân Iraq, sau chiến thắng ở Ramadi".
Đó chỉ là tuyên bố của ông Thủ tướng Iraq, trong khi việc tái chiếm thành phố Mosul quả là vô cùng khó khăn. Không giống như tỉnh Anbar, nơi các bộ lạc người Sunni đã chiến đấu bên cạnh quân đội Iraq, các phe phái Sunni  ở Mosul lại tỏ ra xa lánh chính phủ do người Shiite chiếm ưu thế ở Baghdad.  Trong khi đó, lực lượng đáng gờm nhất gần Mosul là lực lượng người Kurd thì lại không mấy quan tâm đến việc giải phóng thành phố chiến lược này.
Sau chien thang Ramadi se la giai phong Mosul?-Hinh-2
Bản đồ chiến sự ở Iraq và Syria (khu vực màu đen là khu vực do IS kiểm soát và màu hồng là khu vực IS đang đánh chiếm).
Về vấn đề này, cựu đại sứ Mỹ Jeffrey nói: "ISIS sẽ sử dụng rất nhiều lực lượng ở Mosul. Đó là nơi mà thủ lĩnh IS công bố thành lập Đế chế Hồi giáo (caliphate) và phiến quân IS sẽ chiến đấu đến cùng vì thành phố này”. Theo ông, chính phủ Iraq không có một lực lượng hùng hậu ở Mosul như ở tỉnh Anbar và đang phải đối mặt với tình trạng chia rẽ chính trị sâu rộng.
Trong khi nhiều nhà phân tích cho rằng việc giải phóng Mosul là rất quan trọng để đánh bại - hoặc ít nhất là làm suy yếu – cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở  Iraq, chiến dịch giải phóng Mosul khó có thể xảy ra trong trong tương lai gần. Việc bị dàn trải trên nhiều mặt trận sẽ khiến cho quân đội Iraq khó có thể kiểm soát hữu hiệu các khu vực đã thuộc về chính phủ ở Baghdad.
Nhà phân tích Ben Connable của tổ chức tư vấn RAND Corporation có trụ sở tại Washington nhận định: “Mosul chính là viên ngọc trên vương miện của ISIS ở Iraq. Thành phố này vừa có tính chất biểu tượng vừa có ý nghĩa chiến lược. Chính vì vậy mà (tái chiếm) Mosul quả là một vấn đề nan giải (đối với chính phủ Iraq)”.  Ông Connable đặt câu hỏi: “ Nếu có kế hoạch tấn công Mosul, lực lượng chống khủng bố sẽ phải di chuyển khỏi Ramadi ... và ai sẽ bình ổn thành phố này? Ai sẽ ngăn chặn các chiến binh thánh chiến Hồi giáo sẽ quay trở lại? "
Hiện thời, trận chiến tiếp theo có thể sẽ diễn ra ở  Fallujah, một thành phố lớn ở phía đông Ramadi và cách thủ đô Baghdad khoảng 40 dặm. Các lực lượng Iraq trong những tháng gần đây đã tập trung vào việc giành lại quyền kiểm soát tỉnh Anbar trước khi di chuyển về phía bắc để tấn công Mosul. Chính vì vậy mà nhà phân tích Ben Connable khẳng định: "Mosul sẽ là thử thách cuối cùng (đối với các lực lượng thân chính phủ ở Baghdad)".
Minh Châu (Theo IBT)

Bình luận(0)