Quan hệ Trung-Triều đang “xuống cấp”

Google News

(Kiến Thức) - Quan hệ Trung-Triều đang có chiều hướng xấu đi, một phần do vụ Triều Tiên bắt giữ tàu cá Trung Quốc trên biển Hoàng Hải đòi tiền chuộc.

 Quan hệ Trung-Triều đang xuống cấp một phần vì vụ bắt tàu cá, đòi tiền chuộc.

Một trong những biểu hiện cho thấy sự xuống cấp của quan hệ Trung-Triều là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đòi siết chặt các biện trừng phạt Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 20/5 tuyên bố, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên phải được thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ. Ông Hồng Lỗi còn nhấn mạnh rằng là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc quyết tâm hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm và bổn phận của mình một cách trung thực liên quan đến vấn đề nói trên.

Triều Tiên buộc phải thả ngư dân Trung Quốc

Tuyên bố cứng rắn nói trên có liên quan đến việc Bình Nhưỡng phóng 6 quả tên lửa tầm ngắn trong 3 ngày liên tiếp và rất có thể liên quan đến vụ Cảnh sát biển Triều Tiên bắt cóc tàu cá Trung Quốc để đòi tiền chuộc.

Đại sứ quán Trung Quốc đã làm việc với Vụ Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng thả tàu tàu cá mang số hiệu 25222, đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi của các ngư dân Trung Quốc.

Tham tán Trung Quốc ở Triều Tiên Jiang Yaxian tuyên bố thẳng thừng rằng phía Triều Tiên đã “bắt cóc” chiếc tàu cá nói trên ở vùng biển nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Trước sự can thiệp quyết liệt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuối cùng phía Triều Tiên buộc phải “thả” chiếc tàu cá nói trên cùng với 16 thuyền viên.

Trò chuyện với Reuters qua điện thoại, ông Yu Xuejun (chủ tàu cá mang số hiệu 25222 đăng ký ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh) xác nhận tàu của ông đã được thả vào sáng sớm 21/5 (vào lúc 3 giờ sáng) và không phải trả cho phía Triều Tiên bất cứ một khoản tiền nào.

Trước đó, phía Triều Tiên đã đòi 600.000 nhân dân tệ (98.000 USD) tiền chuộc con tàu cùng 16 thuyền viên. Con tàu mang số hiệu 25222 này bị bắt giữ tối 5/5/2013.

Chủ tàu Yu Xuejun nhấn mạnh rằng tàu cá của ông hoàn toàn ở vùng biển Trung Quốc khi vụ “bắt cóc” xảy ra.;

Chủ tàu Yu Xuejun nhấn mạnh rằng tàu cá của ông hoàn toàn ở vùng biển Trung Quốc khi vụ “bắt cóc” xảy ra. Ông cho biết: “Con tàu được trang bị GPS và hệ thống định vị Beidou để ngư dân biết chính xác vị trí đánh bắt cá”. Ông Yu nói thêm rằng Cơ quan ngư nghiệp Liêu Ninh có thể giám sát tất cả các hoạt động đánh bắt cá và ngay lập tức cảnh báo, khi tàu thuyền Trung Quốc tới gần vùng biển của Triều Tiên. Ông cho biết những kẻ bắt cóc đã gỡ bỏ các hệ thống định vị “một cách rất chuyên nghiệp” và tịch thu tất cả các thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá.

Chủ tàu Yu Xuejun tiết lộ rằng những kẻ bắt cóc đã yêu cầu ông trả tiền chuộc vào một tài khoản ngân hàng của một công ty ở Đan Đông, Trung Quốc và yêu cầu chính quyền điều tra công ty này.

Công luận Trung Quốc “ném đá” Triều Tiên

Một tin nhắn của chủ tàu Yu Xuejun đăng trên  Weibo yêu cầu giúp đỡ đã nhận được phản hồi hơn 12.000 lần, với một số bình luận lên án Bình Nhưỡng là “vô ơn” và yêu cầu chính phủ Trung Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng.

 Tướng diều hâu La Viện đòi Triều Tiên "chấm dứt hành động tống tiền".

Trên mạng Weibo, viên tướng diều hâu La Viện lớn tiếng đòi “Bắc Triều Tiên phải chấm dứt hành động tống tiền” hoặc sẽ phải “trả giá cho những hành động đó”.

Lu Chao, một nhà nghiên cứu về bán đảo Triều Tiên tại Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, than phiền với Hoàn cầu Thời báo hôm 20/5 rằng hiện không có đường ranh giới biển rõ ràng giữa Trung Quốc và Triều Tiên, mà chỉ tạm thời phân định, ngư dân của hai nước hoạt động ở hai phía của 124 độ kinh Đông. Ông nói: “Tuy nhiên, bất cứ khi nào lực lượng tuần duyên Triều Tiên thiếu tiền, họ đều băng qua đường ranh giới và bắt giữ tàu Trung Quốc để tống tiền. Và hầu hết các chủ tàu đều chọn cách trả tiền chuộc, nếu số tiền mà phía Triều Tiên đòi không quá cao”.

Jin Qiangyi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Đại học Yanbian, cho rằng xu hướng giải quyết tranh chấp “mềm dẻo” của Bắc Kinh đã bị Bình Nhưỡng lợi dụng để xâm phạm lợi ích của ngư dân Trung Quốc. Ông này nhận định: “Rất có thể phía Triều Tiên đã trả đũa Trung Quốc, sau khi Liên Hợp Quốc áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt sau vụ thử hạt nhân thứ ba”.

Cui Zhiying, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán đảo Triều Tiên tại Đại học Tongji Thượng Hải nói với Hoàn cầu Thời báo rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang dần dần thay đổi: từ đồng minh truyền thống sang quan hệ song phương bình thường.

Hoàn cầu Thời báo đòi dạy cho Triều Tiên một bài học

Trong một bài luận ngày 21/5, Hoàn cầu Thời báo cho rằng đã đến lúc phải dạy cho Triều Tiên một bài học “bằng hành động thực tiễn”.

Theo báo này, nhiều tàu đánh cá Trung Quốc đã bị phía Triều Tiên bắt giữ ngay cả khi không vượt qua ranh giới biển và Cảnh sát biển Triều Tiên đã lợi dụng sự mơ hồ về ranh giới trên biển để “làm tiền”.

Hoàn cầu Thời báo viết không giống như tình hình Trung Quốc-Nhật Bản hoặc Trung Quốc-Philippines, tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Triều Tiên xem ra trái ngược với trào lưu chính thống của quan hệ song phương.

Đặt vấn đề nghi ngờ việc Triều Tiên bắt cóc tàu cá Trung Quốc một phần là do Bắc Kinh đã ủng hộ nghị quyết Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng, Hoàn cầu Thời báo chê “Triều Tiên là một quốc gia nghèo, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài” và thiếu hiểu biết dẫn đến “không chịu tuân thủ luật lệ quốc tế”. Báo này viết tiếp: “Sự hiểu biết của Triều Tiên về luật biển quốc tế chỉ xuất phát từ kinh nghiệm hành xử với Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều tỏ ra mềm yếu,  điều này có thể khiến cho Triều Tiên ngộ nhận”.

Hoàn cầu Thời báo cho rằng nếu phía Triều Tiên tiếp tục “lừa đảo, tống tiền”, Trung Quốc nên có những hành động cứng rắn để buộc Bình Nhưỡng vào khuôn phép. Báo này viết tiếp: “Cần phải làm rõ rằng tình hữu nghị Trung Quốc-Triều Tiên có lợi cho Bình Nhưỡng hơn cho Bắc Kinh. Nếu không khuyên bảo được Triều Tiên bằng lời nói, Bắc Kinh cần làm cho Bình Nhưỡng hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, thông qua hành động thực tiễn”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)