Video Tổng thống Nga trả lời báo chí về vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24:
Những chỉ trích gay gắt cùng với những hành động “điều binh, khiển tướng” trên thực địa đang châm ngòi cho “thùng thuốc súng” chiến tranh giữa Nga - Ukraine có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Mối quan hệ Nga-Ukraine không còn trên cùng một “chiến tuyến” kể từ khi Chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền ở Ukraine sau cuộc “cách mạng đường phố” vào đầu năm 2014, rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng đối đầu khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3 cùng năm.
Mặc dù, Kiev chỉ trích gay gắt quyết định này của Moscow, cũng như cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine đẩy nước này rơi vào tình trạng “nồi da nấu thịt” kéo dài trong suốt hơn hai năm qua cướp đi sinh mạng của gần 9.500 người, nhưng mối quan hệ giữa hai nước chưa rơi vào tình trạng đối đầu nguy hiểm như hiện nay.
|
Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Poroshenko trong một sự kiện.
|
“Giọt nước tràn ly” khiến căng thẳng giữa hai quốc gia, vốn được coi là “một dân tộc anh em”, đứng trước nguy cơ vượt tầm kiểm soát xuất phát từ việc ngày 10/8, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã ngăn chặn thành công các vụ tấn công khủng bố ở Crimea do Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine chuẩn bị.
Cuộc đụng độ khiến hai binh sĩ Nga thiệt mạng. Bất chấp Kiev ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này, song Tổng thống Vladimir Putin đưa ra tuyên bố “đanh thép” rằng: “Ukraine đã chọn khủng bố thay cho hòa bình", đồng thời cảnh báo “sẽ không bỏ qua cho những kẻ phá hoại đến từ Ukraine nhằm thực hiện âm mưu khủng bố”.
Nói là làm, Tổng thống Putin ra lệnh thắt chặt an ninh tại khu vực biên giới giữa Crimea và Ukraine. Nga đã gấp rút triển khai hệ thống tên lửa S400 đầu tiên đến bán đảo Crimea, trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận sẽ tổ chức các cuộc tập trận tại Crimea và khu vực Volgograd từ 16 đến 19/8 tới.
Đáp trả những hành động “cơ bắp” của Moscow, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass "sẵn sàng cho chiến tranh". Không những thế, các đơn vị quân đội Ukraine đóng gần biên giới với Crimea cũng đã được tăng cường số lượng, cùng với những trang thiết bị quân sự hiện đại.
Không chỉ “điều binh, khiển tướng”, Moscow còn xem xét khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, đồng thời khẳng định hoạt động của “Bộ tứ Normady”, được coi là niềm hy vọng duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, “không còn ý nghĩa”.
Trước diễn biến leo thang căng thẳng, chuyên gia phân tích chính trị người Nga ông Zakhar Vinogradov nhận định rằng không loại trừ khẳng năng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine sẽ dẫn đến kịch bản “Kiev cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga, ban bố thiết quân luật, rồi chính phủ Ukraine sẽ tuyên chiến với Nga”.
Tuy nhiên, phần lớn giới quan sát lại không nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra giữa Nga và Ukraine, nhưng căng thẳng sẽ khó có thể hạ nhiệt khi chính phủ thân phương Tây hiện nay ở Ukraine vẫn tại vị. Trên thực tế, Ukraine đang đứng trước nguy cơ phá sản, trong khi quân đội rơi tình trạng “rệu rạo” nên không thể có đủ sức và lực để tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực chống lại “gã khổng lồ Nga”, đặc biệt trong bối cảnh những quốc gia “đỡ đầu” ở phương Tây cũng đang phải oằn mình chống chọi với vô số vấn đề nhức nhối trong nước và đáng đứng trước nguy cơ “mất điểm” trong cuộc bầu cử sắp tới.
Gia tăng căng thẳng với Nga sẽ giúp chính quyền Tổng thống Poroshenko lấy lại được “sự quan tâm” của các đồng minh phương Tây cũng như đánh lạc hướng dư luận trước những vấn đề mà Kiev đang phải đối mặt trong nước như tham nhũng, tình trạng kinh tế yếu kém, tội phạm tăng cao…
Bên cạnh đó, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ cũng có thể là lý khiến Kiev “nổi xung” với Moscow. Theo giới phân tích, nền kinh tế Ukraine sẽ bị thiệt hại nặng nề do Moscow Ankara khôi phục quan hệ, đặc biệt dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” hoàn thành thì nền kinh tế Ukraine sẽ mất khoảng 6 tỷ USD mỗi năm.
Còn, đối với Nga, quốc gia đang chiếm thế thượng phong trên nhiều mặt trận, không chỉ vì âm mưu khủng bố bất thành, lại có thể đem quân đến đánh một đất nước đang trong tình trạng “tan đàn, xẻ nghé, mà Tổng thống Putin luôn khẳng định là “hai dân tộc anh em một nhà”.
Tuy nhiên, qua những hành động lẫn lời nói cho thấy trong thời gian tới Moskva có thể sẽ “tung ra” nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm trả đũa và cô lập chính quyền Kiev. Hơn nữa, việc Tổng thống Putin kiên quyết không nói chuyện với người đồng cấp Ukraine ông Poroshenko và bác bỏ vai trò của “Bộ tứ Normandy” trong việc giải quyết cuộc khủng tại Ukraine là những tín hiệu cho thấy các thỏa thuận hòa bình Minsk đứng trước nguy cơ đổ vỡ và tình trạng bạo lực tại miền Đông Ukraine sẽ tiếp tục leo thang.