Ngoại giao thiếu nhất quán Mỹ - Trung: Biển Đông vẫn nóng

Google News

(Kiến Thức) - Với chính sách ngoại giao đầy mâu thuẫn, Mỹ và Trung Quốc khiến các nước phải dò đoán và các cuộc khủng hoảng kéo dài hơn.

Mỹ và Trung Quốc là 2 cường quốc lớn do đó, chính sách ngoại giao của hai nước có ảnh hưởng lớn tới toàn thế giới.
Vấn đề ở đây là cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama là giảm vị thế lãnh đạo toàn cầu của hai nước này để tập trung vào các vấn đề đối nội bức thiết hơn. Tuy nhiên, cả ông Tập Cận Bình và ông Obama đều có những ưu tiên nhất định ở bên ngoài mà họ sẵn sàng đơn phương theo đuổi một cách quyết liệt.
Mỹ với chính sách ngoại giao của “chiếc búa và cái đinh”
Gần đây nhất, ông Obama có bài diễn thuyết thiếu nhất quán về chính sách ngoại giao. Trong bài phát biểu tại Học viện quân sự West Point, ông cho rằng Mỹ không có lợi ích cốt lõi trong việc tham gia vào các cuộc xung đột. Ông nhấn mạnh chiến lược đầu tư cho các mối quan hệ đối tác đồng minh và quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng.
“Chúng ta có chiếc búa tốt nhất không có nghĩa mọi vấn đề đều là một chiếc đinh”, ông nói.
Tuy nhiên, xét về cách thức can thiệp quân sự kiểu mới, ông Obama không ngần ngại “dùng búa”. Thực ra, ông tỏ ra quyết liệt hơn người tiền nhiệm. Ước tính, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái dưới sự lãnh đạo của ông và các cuộc tấn công này liên tiếp vi phạm chủ quyền của các nước khác.
Mối đe dọa với nước Mỹ phải lớn đến mức nào để Obama quyết định can thiệp?
Chính sách ngoại giao kiểu này có vẻ giống 2 mặt của một đồng xu. Do e ngại rủi ro của can thiệp quân sự kiểu truyền thống, ông Obama sẵn sàng áp dụng các phương án can thiệp kiểu mới. Biện hộ cho những hành động can thiệp đơn phương này, ông Obama cho rằng Mỹ có thể “hành động trực tiếp khi cần thiết để tự vệ”. Tuy nhiên, mối đe dọa với nước Mỹ phải lớn đến mức nào để Obama quyết định can thiệp?
Phản ứng trước việc lực lượng Hồi giáo cực đoạn chiếm thành phố Mosul của Iraq, ông Obama tuyên bố "không loại trừ bất kỳ khả năng nào” khi nói về cách đáp trả của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng nói “sẽ không đưa quân Mỹ quay trở lại Iraq”.
Iraq phơi bày rõ nhất sự mâu thuẫn của ông Obama. Cuộc xung đột này là mối đe dọa thực sự đối với các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama cho rằng việc ông rút khỏi các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq là thắng lợi về ngoại giao. 
Ngoài ra, ông Obama cũng không đề cập đến việc sẽ bảo vệ Philippines trong tranh chấp của nước này với Trung Quốc tại Biển Đông mặc dù tuyên bố quyết tâm bảo vệ Philippines của Mỹ là "sắt thép". 
Về lâu dài, chính sách ngoại giao tránh rủi ro và đầy mâu thuẫn của ông Obama làm tổn hại tới lợi ích của nước Mỹ.
Trung Quốc và chính sách “gần cứng rắn, xa mềm mỏng”
Chủ tịch Tập Cận Bình có nhiều các kế hoạch cải cách đầy tham vọng nhằm thay đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc. Đây là một thí nghiệm mà Trung Quốc chưa từng trải qua và có thể điều đó lý giải tại sao Bắc Kinh vẫn không sẵn lòng và chưa đủ khả năng để trở thành một “người chơi có trách nhiệm” trên bàn cờ thế giới. Ông Tập Cận Bình muốn hạ thấp vị thế toàn cầu của Trung Quốc cho tới khi nước này thực sự mạnh mẽ hơn nhiều.
Trung Quốc chưa sẵn sàng dấn thân vào các mối quan hệ quốc tế nên đến nay nước này vẫn theo đuổi chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác như các thập kỷ qua. Sau khi phiến quân dòng Sunni chiếm thành phố lớn thứ hai Iraq, Trung Quốc thậm chí còn không đưa ra tuyên bố lên án các cuộc tấn công này. Nước này bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc về việc Nga sát nhập bán đảo Crimea và đứng bên lề cuộc khủng hoảng Ukraine, không ngả về Nga hay phương Tây.
Trung Quốc "im hơi lặng tiếng" trước các vấn đề toàn cầu nhưng hung hăng ngang ngược trong khu vực. 
Nhưng về những lợi ích cốt lõi ở sát biên giới Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tỏ ra rất hiếu chiến. Năm 2013, Trung Quốc thiết lập “Vùng phòng không xác định” trên biển Hoa Đông, yêu cầu các máy bay nước ngoài bay qua vùng này phải gửi báo cáo cho giới chức Trung Quốc. Kết quả không khiến dư luận ngạc nhiên, mối quan hệ Nhật – Trung leo thang căng thẳng sau hành động này của Bắc Kinh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Trong năm 2014, Trung Quốc đã có hàng hoạt hành động đẩy căng thẳng Biển Đông lên cao cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng hành động để hiện thực hóa các yêu sách lãnh thổ. Điển hình là hành động ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mới đây nhất, Trung Quốc cũng tuyên bố triển khai thêm 4 giàn khoan khác vào Biển Đông nhằm khai thác dầu mỏ mặc dù biết những hành động này sẽ "chạm dây thần kinh nhạy cảm" của Việt Nam và Philippines.
Tất cả các hành động của Trung Quốc một phần vì Ông Tập muốn đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong nội bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, những hành động ngoại giao bộc phát vừa qua của nước này sẽ có những tác động nguy hiểm, làm tổn hại tới lợi ích kinh tế của Trung Quốc về dài hạn.
Ai gánh chịu sự thiếu nhất quán của Trung Quốc và Mỹ?
Cả ông Obama và ông Tập Cận Bình đều thiếu sự nhất quán trong các chính sách ngoại giao. Về lâu dài, điều đó sẽ gây hại cho cả hai nước. 

Tình trạng “bất nhất” như trên khiến cả hai nhà lãnh đạo này rơi vào thế khó xử. Chính sách ngoại giao không thống nhất khiến các quốc gia khác phải dò đoán, làm giảm sự hợp tác toàn cầu và để các cuộc khủng hoảng như Ukraine, Iraq  hay Biển Đông bùng phát mạnh hơn, kéo dài hơn và lan rộng hơn.  

Các nước đồng minh và láng giềng phải gánh chịu hậu quả của các chính sách ngoại giao này. Họ không thể trông chờ hai quốc gia quyền lực nhất thế giới đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu nhưng họ vẫn phải chuẩn bị cho những hành động khó lường và đơn phương của hai nước này. Các quốc gia bị kẹt “giữa hai làn đạn” sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất.
Việc ông Tập và ông Obama tập trung vào các vấn đề nội bộ là điều có thể hiểu được tuy nhiên nếu hai ông giải quyết được các mâu thuẫn về chính sách ngoại giao thì điều đó sẽ giúp ích cho các vấn đề nội bộ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Tùng Lâm

Bình luận(0)