Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng vừa đăng tải bài viết của ông Deng Yuwen - nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh và ông Jonathan Sullivan - phó giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc. Theo đó, phản ứng của Trung Quốc đối với chiến thuật "kiềm chế" của Mỹ sẽ quyết định cách xung đột được giải quyết.
Dưới đây là nội dung bài viết được Kiến Thức lược dịch:
Những điều đáng lo ngại cho Trung Quốc
Trong bài phát biểu tại học viện quân sự Westpoint, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa chỉ ra chính sách ngoại giao cho thời gian còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và những nguyên tắc cơ bản để Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo thế giới.
Ông Obama không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc – mặc dù ông có khẳng định mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng, ông không khẳng định Trung Quốc là thủ phạm. Ông có đề cập đến Biển Đông nhưng chỉ nói rằng Mỹ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á giải quyết các cuộc tranh chấp bằng con đường luật pháp quốc tế.
Mặc dù trong bài phát biểu, ông Obama không đề cập nhiều tới Trung Quốc, các nhà phân tích ở Bắc Kinh vẫn thấy có một số điểm đáng lo ngại đối với Trung Quốc trong bài phát biểu này.
Thứ nhất, mục tiêu cơ bản của Mỹ là duy trì vị thế siêu cường của nước này, vị thế của “một quốc gia không thể thiếu” trong thế kỷ 21.
Thứ hai, Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo chủ yếu dựa vào sức mạnh quân sự, Washington cũng sẽ hợp tác với các đồng minh để đạt được các mục tiêu chiến lược của nước này.
Thứ ba, Mỹ sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp hợp pháp nào để buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông và bóng gió rằng nếu Trung Quốc không làm như vậy và đe dọa các đồng minh của Mỹ, Washington sẽ dùng vũ lực để dạy cho Bắc Kinh một bài học. Đó chính là tính toán của Mỹ.
|
Mỹ bóng gió rằng nếu Trung Quốc không chấp nhận vị trí lãnh đạo của Mỹ, Mỹ có thể sử dụng vũ lực để dạy TQ bài học. |
Các nhà phân tích ở Bắc Kinh nhận thấy “mây đen” đang bao phủ mối quan hệ Mỹ - Trung. Mùa hè năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất với Tổng thống Barack Obama về việc xây dựng một mô hình mới cho mối quan hệ giữa các cường quốc.
Về lâu dài, Bắc Kinh muốn Washington chấp nhận rằng Đông Á là khu vực chịu sự ảnh hưởng đặc biệt của Trung Quốc và Mỹ nên kiềm chế không can thiệp vào các lợi ích của Trung Quốc ở khu vực “sân sau” nước này. Bắc Kinh cho rằng đó là “miếng bánh” dành cho nước này trong vấn đề quan hệ quốc tế: Sự thống lĩnh của Mỹ sẽ được duy trì nếu Mỹ tôn trọng vị thế của Trung Quốc ở châu Á.
Trung Quốc muốn có mối quan hệ song phương ổn định với Mỹ như mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, để có được điều đó, Mỹ sẽ phải nhượng bộ rất nhiều đối với Trung Quốc để Bắc Kinh theo đuổi các lợi ích cốt lõi của mình. Washington phải từ bỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia đồng minh nào làm ảnh hưởng tới các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Đó là những cản trở khá lớn.
Trên thực tế, ở nơi nào Trung Quốc muốn Mỹ từ bỏ tầm ảnh hưởng với các đồng minh và ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của nước này thì ở nơi đó, Washington lại đang làm điều ngược lại. Ví dụ, Mỹ đã củng cố mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á và với Philippines ở khu vực Đông Nam Á.
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc diễn giải chuyến thăm châu Á vừa qua của ông Obama có nghĩa chính sách “vừa gắn bó vừa kiềm chế” của Washington đối với Trung Quốc giờ đã chuyển thành một mục tiêu đơn lẻ “kiềm chế”. Các nhà phân tích này cũng cho rằng Mỹ vẫn tính tới khả năng xung đột ở mức độ nhất định với Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Khi ông Obama nói về chiến lược “tái cân bằng”, Bắc Kinh coi đây là chiến lược nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi chính quyền Mỹ cho thấy họ chỉ nói nhiều về “tái cân bằng” mà ít hành động, các nhà phân tích Trung Quốc bắt đầu nghĩ rằng ông Obama sẽ không theo đuổi chiến lược này.
Khi các lực lượng Nga tiến vào Crimea, giới phân tích Bắc Kinh “thở phào nhẹ nhõm” vì cho rằng châu Âu sẽ lại trở thành tâm điểm chiến lược của Washington. Nhưng lúc này có vẻ đó là nhận định sai lầm.
Mỹ có nhiều vũ khí để "trị" Trung Quốc
Trước khi ông Obama thực hiện chuyến công du châu Á, Mỹ “nhắm tới” một số vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc, ông Obama công khai ủng hộ Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khi tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Joe Biden gặp gỡ các nhà hoạt động phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Mỹ cũng đưa ra các tuyên bố gây sức ép với Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc – Philippines.
|
Mỹ có thể chèn ép Trung Quốc ở nhiều mặt trận, một trong số đó là biển Hoa Đông. |
Tất cả những điều trên cho thấy Mỹ hiểu rất rõ quốc gia nào là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với vị thế thống trị của nước này. Về cơ bản, lập trường của Mỹ là nếu Bắc Kinh không chấp nhận vô điều kiện vị thế hàng đầu của Mỹ, Washington sẽ không để cho Trung Quốc trỗi dậy dễ dàng.
Trên thực tế, nếu muốn, Mỹ có thể “đánh” Trung Quốc ở một số “mặt trận”. Theo giới phân tích ở Bắc Kinh, các “quân bài” Mỹ có thể dùng là vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên và các cuộc tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Trước tiên, Mỹ có thể khai thác các xung đột và mâu thuẫn trong nội bộ xã hội Trung Quốc, kết hợp với “vũ khí” dân chủ khiến Trung Quốc sụp đổ về chính trị. Sau đó, Mỹ sẽ sử dụng vị thế thống trị thương mại toàn cầu để cản trở nền kinh tế Trung Quốc lớn mạnh.
Những gì diễn ra vừa qua trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy môi trường chiến lược của Trung Quốc đang ngày càng trở nên “o bế”.
Xét cho cùng, tình hình căng thẳng trong khu vực có dẫn tới xung đột hay không sẽ tùy thuộc vào cách phản ứng của Bắc Kinh và việc đối phó với các chiến thuật “kiềm chế” của Washington sẽ là phép thử đầy khó khăn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.