Trung Quốc – “Ngư ông đắc lợi” ở Iraq
Giữa năm 2013, truyền thông phương Tây có nhiều bài viết nhận định rằng chính Trung Quốc là nước giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Iraq. Cụ thể, người Trung Quốc không đóng góp gì vào việc lật đổ chính quyền Saddam Hussein hay giúp bình ổn nước này nhưng Trung Quốc lại là quốc gia giành được nhiều lợi lộc nhất khi đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ Iraq thời kỳ hậu Hussein.
Theo tờ Thời báo New York, riêng Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOC) đã đầu tư 4 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu mỏ Iraq. Gần một nửa sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iraq cũng được đưa sang Trung Quốc. Ngoài ra, gần 10.000 công dân Trung Quốc được đưa tới làm việc tại các dự án dầu và cơ sở hạ tầng ở Iraq.
|
Mỏ dầu do Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc khai thác ở Iraq. |
Tuy vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn gần như hoàn toàn im lặng về cuộc khủng hoảng ở Iraq, ngay cả khi các cường quốc khác đã tỏ ra sốt sắng.
Hôm 18/6, cuối cùng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nói vài lời về Iraq. Theo bà, Bắc Kinh không muốn Iraq rơi vào tình trạng như Lybia vào năm 2011 khi Trung Quốc phải di tản 36.000 công dân ra khỏi nước này chỉ trong vòng hơn 1 tuần.
Bà Hoa cũng tuyên bố chính phủ Trung Quốc “sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn của các công dân Trung Quốc ở Iraq”.
Tuy nhiên, theo tác giả Zachary Keck trên tờ Diplomat, lời phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh quá ngắn gọn và không có gì nổi bật trong bối cảnh phiến quân Hồi giáo dòng Sunni đã kiểm soát nhiều thành phố lớn của Iraq. Vậy lý do là gì?
Một lý do là có vẻ lợi ích chính của Trung Quốc ở Iraq – dầu mỏ - không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng xung đột hiện nay. Phần lớn các mỏ dầu ở Iraq đều nằm ở các vùng miền nam chịu sự kiểm soát của những người Shiite và chỉ có một dự án dầu của Trung Quốc nằm ở phía bắc thủ đô Baghdad. Ngay cả mỏ dầu này cũng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của người Kurd. Mặc dù tình trạng giao tranh đã trở nên nghiêm trọng buộc các công ty phương Tây di tản nhân viên, các công ty dầu mỏ Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Ngoài ra, Trung Quốc hiếm khi phản ứng trước các biến cố quốc tế nhanh như các quốc gia phương Tây. Biến cố Ukraine là một ví dụ. Trung Quốc thường phải mất vài ngày, hoặc thậm chí lâu hơn trước khi đưa ra phản ứng chính thức về biến cố đó. Lý do có lẽ là giới lãnh đạo nước này phải mất thời gian tranh luận nên phản ứng ra sao.
Một nguyên nhân khác khiến Bắc Kinh phản ứng chậm trễ về vấn đề Iraq có thể là do giới lãnh đạo nước này đang bận rộn với những nơi khác. Ví dụ, Thủ tướng Lý Khắc Cường hiện đang ở Anh trong khi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì vừa tới thăm Việt Nam.
Trung Quốc cũng có thể trì hoãn bình luận về vấn đề Iraq vì các lý do chiến thuật. Tình hình Iraq đang thay đổi nhanh chóng và có thể Bắc Kinh muốn chờ cho tới khi mọi việc sáng tỏ và bình ổn.
Vụ việc trên cho thấy ngay cả khi Trung Quốc ngày càng “lớn tiếng” đòi hỏi thế giới coi nước này là một cường quốc, Bắc Kinh vẫn chưa sẵn lòng hành xử như một cường quốc, đặc biệt ở ngoài khu vực Đông Bắc Á. Thay vào đó, nước này tỏ ra bằng lòng với việc để Mỹ và các cường quốc trong khu vực hành động và bình ổn Iraq để Bắc Kinh tiếp tục thu lợi từ sự ổn định đó. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục nhanh chóng khai thác các nguồn dầu mỏ khác của Iraq.
Lối hành xử không xứng tầm “cường quốc”
Trước hết, không quốc gia nào coi Trung Quốc ở vào vị thế mà nước này đòi hỏi cho tới khi Trung Quốc ứng xử như một cường quốc thực sự. Tình trạng trên có thể trở nên nguy hiểm khi Trung Quốc sẽ chỉ trích thế giới thậm tệ vì không coi nước này như một cường quốc. Riêng vụ việc Iraq cũng cho thấy lối ứng xử đáng xấu hổ của Bắc Kinh.
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đối với nền công nghiệp dầu mỏ Iraq và do đó có tầm ảnh hưởng khá lớn tới chính quyền Baghdad. Trung Quốc cũng có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Iran, quốc gia bảo hộ cho chính quyền Shitte ở Iraq. Đồng thời, nước này có mối quan hệ thậm chí còn gắn bó hơn với các quốc gia Ả rập dòng Sunni ở khu vực Vịnh Ba Tư, những nước lệ thuộc lớn vào nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Các quốc gia này ủng hộ người Iraq dòng Sunni, lực lượng đang nổi dậy chống lại chính quyền trung ước. Do đó, Bắc Kinh đang ở vị thế rất tốt làm cầu nối cho các bên.
|
Lực lượng an ninh Trung Quốc ở Iraq. |
Cuối cùng, việc Trung Quốc không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Iraq cũng là điều hổ thẹn cho mối quan hệ Mỹ - Trung. Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí xây dựng một mô hình quan hệ mới giữa các cường quốc mặc dù chưa ai rõ cụ thể mô hình đó ra sao.
Hiện xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc đang tập trung vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Rõ ràng đây là khu vực quan trọng nhất đối với Trung Quốc, Mỹ và mối quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, Trung Đông thì khác. Đây là nơi có tầm quan trọng lớn đối với cả Bắc Kinh và Washington và hai bên cũng có chung quan điểm về tất cả các vấn đề lớn của khu vực này. Thứ nhất, Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc đảm bảo các luồng dầu mỏ được lưu thông trong khu vực. Thứ hai, cả hai quốc gia đều phản đối phong trào khủng bố Hồi giáo cực đoan. Cuối cùng, Mỹ - Trung đều có lợi ích chung trong việc giải quyết mâu thuẫn Israel-Palestine.
Cũng có thể Washington nhận thấy tình hình Trung Đông đã chín muồi cho mối quan hệ Mỹ - Trung và đã đến lúc Trung Quốc thể hiện vai trò trong các vấn đề quốc tế sao cho tương xứng với sức mạnh ngày càng tăng của nước này. Vì thế, Mỹ được cho là đã nhờ Trung Quốc giúp giải quyết vấn đề Israel-Palestine.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc “mũ ni che tai” trước tình hình Iraq cho thấy Bắc Kinh chưa sẵn lòng đóng vai trò là một cường quốc như nước này vẫn tự nhận.