Luật pháp quốc tế sẽ trị “luật rừng” Trung Quốc trên Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - "Luật pháp quốc tế sẽ đóng vai trò đối trọng vững chắc chống lại việc sử dụng ‘luật rừng’ của Trung Quốc trên Biển Đông", Giáo sư Peter Dutton nói.

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận xét, Trung Quốc không thể biện minh đường 9 đoạn bằng bất cứ cách nào trên ánh sáng của Liên Hợp Quốc (LHQ) về luật biển năm 1982.
Giáo sư Peter Dutton thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết nguyên nhân Trung Quốc tránh né việc đưa tranh chấp lãnh thổ ra trọng tài quốc tế: "Có lẽ Trung Quốc từ chối tham gia thủ tục phân xử của trọng tài quốc tế vì hiểu rõ rằng luật pháp quốc tế sẽ không ủng hộ nhiều yêu sách của nước này, đặc biệt là đòi hỏi về chủ quyền trên Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn. Do những tranh chấp có thể kéo dài trong thời gian tới, thậm chí cả thập kỷ, luật pháp quốc tế sẽ đóng vai trò đối trọng vững chắc chống lại việc sử dụng ‘luật rừng’ của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Tàu Trung Quốc ngăn cản tàu tiếp tế Philippines trên Biển Đông.
Trung Quốc hôm qua (12/6) mạnh miệng gọi vụ kiện của Philippines là “trò hề chính trị” và nhấn mạnh, tòa án quốc tế không có thẩm quyền trong vụ tranh chấp giữa hai nước.
Đây được xem là đòn phản pháo của Bắc Kinh trong một nỗ lực hiếm hoi nhằm biện minh cho các yêu sách bành trướng của họ ở Biển Đông. Theo đó, thông qua bài xã luận đăng tải trên hãng thông tấn Tân Hoa Xã tuần trước, Trung Quốc còn đưa ra lời biện minh rằng, việc nước này không tham gia vụ kiện tụng về tranh chấp chủ quyền của Philippines lên Tòa án trọng tài La Haye không mang hàm ý “thách thức ai cả”.
Không những vậy, Trung Quốc không hổ thẹn mà kết luận một câu rằng: “Ngược lại, điều này còn cho thấy sự tôn trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc”, trích dẫn bài xã luận trên THX.
Ngoài ra, bài viết này còn trắng trợn nêu ra lý luận hết sức nực cười mà Trung Quốc tự mình nghĩ ra: “Đường chín đoạn, do chính phủ Trung Quốc tuyên bố hồi đầu năm 1947 và được ghi rõ ràng trong các tư liệu lịch sử, rõ ràng là một vấn đề liên quan tới chủ quyền và không bị chi phối bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Ngoài việc biện minh cho các hành động ngang ngược của mình ở Biển Đông, thông qua bài xã luận này, Trung Quốc cũng “chĩa mùi dùi” về phía Philippines. Họ tuyên bố rằng, Manila đang viện sự giúp đỡ của tòa án trọng tài quốc tế như một động thái chính trị ngay cả khi Philippines biết rằng, đó không phải là hành động có ý nghĩa về mặt pháp lý.
Vào tháng 3/2014, chính quyền Philippines đã gửi hồ sơ kiện dài gần 4.000 trang tài liệu lên Tòa án La Haye để chống lại các yêu sách bành trướng của Trung Quốc.
Ngày 21/5/2014, Trung Quốc đã gửi công hàm đến Tòa án trọng tài thường trực lặp lại quan điểm của nước này là họ “không chấp nhận vụ phân xử theo yêu cầu của Philippines, đồng thời “công hàm này sẽ không được xem là sự đồng ý tham gia thủ tục tố tụng của Trung Quốc".
Cho tới ngày 3/6, Tòa án trên đã ra hạn chót là ngày 15/12 để Bắc Kinh nộp bản phản bác lại các luận chứng của Manila. Sau đó, đại diện Trung Quốc khẳng định, họ sẽ không tham gia vụ kiện và mong muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán.
Thanh Nga (theo PS)

Bình luận(0)