Ngại Trung Quốc, Mỹ lui về chuỗi đảo thứ 2

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia quân sự TQ Lương Phương nhận định do tầm bắn ngày càng xa của tên lửa đạn đạo Trung Quốc, Mỹ đang tìm cách lui về chuỗi đảo thứ 2.


 Máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Theo Nhân dân Nhật báo, chuyên gia Lương Phương đã nhận định như trên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Bắc Kinh.

Chuỗi đảo là sản phẩm của lý thuyết chiến lược địa chính trị trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, khái niệm do cựu Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đưa ra lần đầu tiên vào năm 1951, thời gian đầu dùng để đối phó với Liên Xô, đặc biệt là nhằm phong tỏa tàu ngầm hạt nhân của hạm đội Thái Bình Dương.

Chuỗi đảo đầu tiên phía Bắc bắt nguồn từ quần đảo Aleutian, quần đảo Nhật Bản, kết nối với đảo Đài Loan và đến quần đảo Philippines, quần đảo Indonesia. Chuỗi đảo thứ hai kéo dài từ đảo Honshu của Nhật Bản, đi qua quần đảo Ogasawara, đảo Iwo Jima, quần đảo Mariana, quần đảo Palau...

Trong hệ thống “mắt xích Thái Bình Dương” do chuỗi đảo này hợp thành, Nhật Bản, Hàn Quốc là trung tâm của mắt xích, còn đảo Guam là điểm tựa ngày càng có vai trò quan trọng.

 Trạm radar X-band nổi hiện đại.

Quần thể căn cứ quân sự Đông Bắc Á với Nhật Bản, Hàn Quốc là tâm điểm, số lượng căn cứ quân sự nhiều, quy mô lớn, không những là điểm tập kết và xuất phát chiến lược chủ yếu của lực lượng hải quân, không quân Mỹ , mà còn là trung tâm phục vụ hậu cần và sửa chữa của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, kiểm soát ba eo biển quan trọng là eo biển La Pérouse (hay eo biển Soya), eo biển Tsugaru và eo biển Tsushima, vừa có khả năng chi viện được cho hoạt động tác chiến trên bộ ở bán đảo Triều Tiên, vừa có thể chi viện cho hoạt động tác chiến trên biển ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương.

Đảo Guam nằm ở giữa chuỗi đảo thứ hai, là căn cứ dự bị chiến lược trong mạng lưới căn cứ Tây Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Tại hậu phương của hai chuỗi đảo còn có quần thể căn cứ quân sự Hawaii, đây là trung khu chỉ huy và lực lượng dự bị chiến lực của chiến khu Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Căn cứ hải quân nổi tiếng Trân Châu Cảng  là nơi đồn trú của Bộ tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đồng thời cũng là căn cứ hải quân lớn nhất, quan trọng nhất ở Thái Bình Dương.

 Tàu sân bay USS Nimitz lượn lờ ở Biển Đông.

Hai chuỗi đảo của Mỹ tại Thái Bình Dương có nhiều căn cứ quân sự hải quân, không quân, bố trí lực lượng dày đặc, kiểm soát chặt chẽ các eo biển, tuyến đường giao thông trên biển, hải vực và hòn đảo có vị thế chiến lược hết sức quan trọng ở phía Tây Thái Bình Dương. Đây chính là những điểm tựa để Mỹ thúc đẩy chính sách bá quyền ở khu vực.

Khi nói đến sự khác biệt của chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ 2, chuyên gia Lương Phương cho biết, chuỗi đảo thứ nhất cách Trung Quốc không xa, gần lục địa Trung Á. Các dảo của chuỗi đảo thứ 2 và các đảo của chuỗi đảo thứ nhất không giống nhau. Tại chuỗi đảo thứ nhất, Mỹ đã hiện diện hơn nửa thế kỷ và có nhiều căn cứ quan trọng. Tại chuỗi đảo thứ 2, Mỹ có một căn cứ lớn ở Guam, nhưng so với chuỗi đảo thứ nhất, thì căn cứ ít hơn rất nhiều.

 Mỹ triển khai tàu tác chiến gần bờ ở Singapore, gần eo biển chiến lược Malacca.

Hiện tại, Mỹ dần rút lực lượng từ chuỗi đảo thứ nhất sang chuỗi đảo thứ 2, một phần là do tầm bắn tên lửa đạn đạo của Trung Quốc ngày càng xa. Mặt khác, việc lui về tuyến hai không có nghĩa là Mỹ thiếu khả năng hay là ngăn chặn suy yếu, mà trái lại càng tăng cường khả năng tấn công quân sự  từ chuỗi đảo thứ 2.

Chuyên gia Lương Phương kết luận:  “Mỹ cho rằng, nếu Trung Quốc phá vỡ chuỗi đảo thứ nhất, đi đến chuỗi đảo thứ 2, Mỹ sẽ phối hợp toàn bộ lực lượng quân sự của chuỗi đảo thứ nhất và thứ 2, cùng ngăn chặn Trung Quốc, cũng chính là để Trung Quốc ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất, nhưng quyết không thể vượt qua chuỗi đảo thứ 2”


Bằng Hữu (theo Nhân dân Nhật báo)

Bình luận(0)