Mỹ không muốn đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Tại Diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh Washington kiên quyết thực thi các cam kết với Châu Á song cũng không nmuốn đối đầu với  Trung Quốc.

 

My khong muon doi dau voi Trung Quoc o Bien Dong?
 Tại Diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh Washington kiên quyết thực thi các cam kết với Châu Á.

Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ được khởi xướng từ thời người tiền nhiệm của Ngoại trưởng John Kerry là bà  Hillary Clinton.

Trong năm 2009, bà Hillary công du Châu Á lần đầu tiên trong vai trò là Ngoại trưởng Mỹ. Hai năm sau, bà tuyên bố thế kỷ 21 là “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”. Trong một bài viết cho tạp chí “Chính sách đối ngoại” bà nhấn mạnh: “Châu Á rất quan trọng đối với tương lai của Mỹ cũng như một nước Mỹ có trách nhiệm là vấn đề sống còn đối với tương lai Châu Á”.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, nhiều người quan ngại, liệu nước Mỹ có cả còn sẵn sàng và có khả năng để tiếp tục duy trì và thực thi các cam kết đối với Châu Á họ hay không. Hai chuyên gia Ernest Bower và Noelan Arbis, cùng là vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ( ISIS) có trụ sở ở Mỹ nhấn mạnh: “Các đối tác khu vực đang băn khoăn về tính bền vững và mức độ cam kết tái cân bằng khi Ngoại trưởng Kerry dường như bận tâm hơn với xung đột Syria và tập trung khởi động lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine kể từ khi nhậm chức đầu tháng 2/2013”.

“Sự hiện diện  bền vững”

Xoa dịu những quan ngại của các đối tác khu vực, Ngoại trưởng Kerry tại diễn đàn khu vực năm nay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Brunei tuyên bố, Mỹ vẫn tiếp tục thẳng tiến trên con đường mà họ đã vạch ra cùng với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, Washington cũng cam kết tiếp tục tăng cường và thúc đẩy “sự năng động cũng như sự hiện diện bền vững của chúng tôi (ở Châu Á-Thái Bình Dương) trong mọi phương diện và lĩnh vực”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry tương tự như phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trong suốt thời gian tham dự Đối thoại Shangri-La diễn ra vào tháng trước.  Tại đây, ông Hagel nhấn mạnh, “Sự thật là Bộ Quốc phòng (Mỹ) hiện nhận được ít nguồn lực hơn trong thời gian gần đây. Nhưng sẽ rất thiển cận nếu kết luận, nếu chúng tôi không thể duy trì cam kết tái cân bằng vì lý do này”.

Không có ý định kiềm chế Trung Quốc?

Theo ông Bower và Arbis, các thách thức chiến lược trong khu vực đối với Mỹ hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Chúng bao gồm các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông cho tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên và xung đột tôn giáo ở Myanmar. Trong đó, cách tiếp cận của Mỹ trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, theo chuyên gia, là minh chứng điển hình cho nhận định Mỹ không muốn làm “mếch lòng” Trung Quốc.  

My khong muon doi dau voi Trung Quoc o Bien Dong?-Hinh-2
 Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Tại Brunei, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tranh chấp Biển Đông liên quan đến cách xử sự của các bên liên quan đến tranh chấp cũng như tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. Chúng tôi rất hy vọng sẽ sớm được thấy sự tiến triển nhanh chóng của Bộ Quy tắc ứng xử để giúp đảm bảo ổn định trong khu vực quan trọng này”.

Đồng thời, ông Kerry lặp lại tuyên bố Mỹ sẽ không can thiệp vào bất cứ tranh chấp cụ thể nào mà chỉ góp sức vào việc thúc đẩy các quy tắc quốc tế cũng như việc thực hiện các quy tắc trên của các bên liên quan tranh chấp. Làm như vậy, Mỹ dường như vừa tìm kiếm khả năng hỗ trợ các đối tác trong khu vực, duy trì vai trò cân bằng chứ không đối đầu với Trung Quốc. Tại Brunei, Ngoại trưởng Mỹ đã gián tiếp nhấn mạnh điểm này.

"Các chiến lược và hành động của chúng tôi không nhằm mục đích kìm chế hay đối đầu với bất cứ nước nào”, ông Kerry nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Gerhard Will, nhà nghiên cứu tại Viện các vấn đề an ninh và quốc tế có trụ sở tại Berlin có quan điểm khác. Ông nhấn mạnh, tuyên bố của Mỹ không hề thuyết phục.

"Mỹ đang theo đuổi chính sách ngăn chặn. Có thể không phải bao giờ họ cũng nhận thức được điều đó. Washington tuyên bố rằng họ muốn chìa tay ra với Bắc Kinh và đem lại cho người Trung Quốc nhiều hơn những gì mà họ hứa hẹn. Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ và nhìn nhận vấn đề sâu hơn, người ta sẽ thấy không phải thế”.

Ông Will cho rằng, Trung Quốc và Mỹ là hai thái cực đối lập chẳng khác nào 2 đối thủ ở Biển Đông. “Tình cảnh như vậy không sớm thì muộn cũng sẽ đẩy các nước ASEAN vào tình thế phải lựa chọn hoặc là Trung Quốc hoặc là Mỹ”.  

Đây là lý do tại sao có nhiều người tin rằng, những phát biểu của Ngoại trưởng John Kerry chỉ nhằm trấn an nước ASEAN. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, một số quốc gia ASEAN cảm thấy không thể hoàn toàn trông đợi vào sự hỗ trợ của Mỹ khi khủng hoảng thực sự xảy ra như những gì mà tranh chấp bãi cạn Scarborough đã cho thấy. Tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc điều các tàu chiến đến chiếm bãi cạn Scarborough vốn thuộc quyền kiểm soát của Philippines. Mặc cho Manila ra sức kêu gọi hỗ trợ, Washington vẫn “kiên trì” chính sách không can thiệp.

Nhà nghiên cứu Will tuy nhiên nhấn mạnh, quan hệ Trung-Mỹ hiện nay rất khác so với quan hệ Nga-Mỹ thời chiến tranh lạnh khi Washington và Moscow đối đầu nhau như 2 kẻ thù không đội trời chung. Theo nhà nghiên cứu, sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ đã dẫn đến kết quả 2 nước chia sẻ với nhau nhiều lợi ích chung.

“Thật khó để dung hòa giữa một bên là chính sách ngăn chặn, kìm chế và một bên là các lợi ích chung về kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ”, ông Will nói.
Bạch Dương (Theo DW)

>> xem thêm

Bình luận(0)