DEBKAfile đưa tin ngày 16/4, một tên lửa đạn đạo không xác định của Triều Tiên đã phát nổ chỉ vài giây sau khi được phóng từ khu vực gần thành phố cảng Sinpo. Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang trên đường tới thủ đô Seoul để thảo luận với Hàn Quốc cách đối phó với “thái độ hiếu chiến” của Bình Nhưỡng.
Các vụ phóng tên lửa thất bại trước đây từng xảy ra, không chỉ ở Triều Tiên. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là những tuyên bố của các quan chức Mỹ trước và sau khi quả tên lửa của Triều Tiên phát nổ.
"Chúng tôi đã nhận được tin tình báo trước và sau vụ phóng (tên lửa Triều Tiên)", một quan chức Mỹ cho hay.
|
Mỹ đứng sau vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên ngày 16/4? Ảnh: DEBKAfile. |
Theo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cơ quan này đã phát hiện và theo dõi sát sao cái mà họ nhận định là một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
“Đó lại là một vụ thử nghiệm tên lửa thất bại. Chúng ta không cần phải tốn công sức để đối phó hành động đó”, một quan chức Mỹ khác nói. Được biết, trước đó, Bình Nhưỡng cũng không thành công trong vụ thử ngày 5/4 và hồi cuối tháng 3/2017.
Phản ứng của các quan chức Mỹ trong vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên giữa lúc Phó Tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc làm dấy lên đồn đoán rằng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã bị tình báo Mỹ theo dõi chặt chẽ.
Các chuyên gia tình báo và quân sự của DEBKAfile đưa ra 4 phương án có khả năng nhất mà Mỹ có thể đã sử dụng để phá hoại vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Thứ nhất, phá hoại hệ thống liên lạc, hướng dẫn và nhiên liệu của tên lửa (Triều Tiên) bằng cách cắt đứt đường dây cáp hoặc nhiên liệu, thay đổi chương trình của hệ thống bay,... “Thủ phạm” làm việc này có thể là các kỹ sư bí mật hợp tác với Mỹ hoặc những người thù hận chống đối chế độ,..
Thứ hai, phá hoại hệ thống kiểm soát và điều khiển của tên lửa, chẳng hạn như thay đổi lệnh bay, hệ thống đánh lửa hoặc ra lệnh tự hủy tên lửa,... Cách thức thực hiện là bí mật can thiệp bộ điều khiển có nhiệm vụ gửi hướng dẫn cho tên lửa. Người làm việc này có thể là nhân viên giám sát việc thực hiện nhiệm vụ hoặc các kỹ sư quân sự liên quan đến bộ phận trong chương trình kiểm soát và điều khiển.
Thứ ba, tiến hành cuộc "chiến tranh" điện tử nhằm vào hệ thống kiểm soát và điều khiển ở trung tâm bằng cách gửi các xung điện từ mạnh để làm gián đoạn liên lạc với tên lửa. Hải quân Mỹ có thể làm việc này bằng cách sử dụng tàu chiến, máy bay giám sát hoặc vệ tinh.
Phương pháp cuối cùng có thể đã được sử dụng là tấn công không gian mạng nhằm vào hệ thống điều khiển tên lửa làm thay đổi các lệnh điện tử và khiến tên lửa rơi xuống.
Theo DEBKAfile, các cơ quan tình báo Mỹ, trước hết là Cơ quan An ninh Quốc gia, có thể làm việc này bằng cách “cấy” các phần mềm độc hại cho phép kẻ tấn công có thể chiếm quyền kiểm soát hệ thống máy tính mà không bị phát hiện.