Các lực lượng Iraq đã lấy lại các thành phố Kirkuk và Sinjar, khi tiến hành chiến dịch giành lại những khu vực đang tranh chấp với chính quyền Khu tự trị Kurdistan (KRG), sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập.
|
Người Kurd ở Iraq được gì sau cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập? Ảnh: Reuters |
Lực lượng Peshmerga đang mất quyền kiểm soát các khu vực bên ngoài Khu tự trị Kurdistan, nhưng Mỹ đã làm gì? Phải chăng, Mỹ bỏ rơi người Kurd ở Iraq và Syria?
Liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu ủng hộ cả quân đội Iraq lẫn Peshmerga. Mỹ không đứng về phía bất kỳ bên nào. Mặc dù KRG cầu xin giúp đỡ, Mỹ vẫn "thúc giục tất cả các bên tránh hành động leo thang” và không ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột này. Nói cách khác, lời cầu xin giúp đỡ của chính quyền Khu tự trị Kurdistan ở Iraq đang bị Mỹ bỏ ngoài tai.
Sự im lặng của Mỹ trong cuộc xung đột giữa chính phủ Iraq và KRG nói lên nhiều điều. Đó là người Kurd phải tự giải quyết những vấn đề của chính họ. Có vẻ như các đồng minh địa phương" của Mỹ ở Syria và Iraq có thể cuối cùng sẽ bị bỏ rơi.
Cả Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và KRG đều ngộ nhận rằng họ có "sự ủng hộ liên tục của cộng đồng quốc tế" và, quan trọng nhất, được Mỹ hậu thuẫn vô điều kiện. Hai lực lượng này cố nói chuyện với nước trong khu vực - Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq – như thể họ đang có thực quyền. Thế nhưng quyền lực của họ quá mong manh, khi cả SDF lẫn KRG đều phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ quân sự, hậu cần, vật chất và trinh sát của Mỹ. Nếu không có hỗ trợ trên không và Lực lượng đặc biệt Mỹ , lực lượng SDF và KRG có thể sẽ lâm vào hoàn cảnh bị vây hãm tứ bề và không có lối thoát dễ dàng.
SDF và KRG không phải là Israel. Sự vận động hành lang của họ ở Washington không hề hiệu quả như của Israel. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ không đưa binh lính Mỹ đến chỗ chết, nếu mục tiêu duy nhất là giúp SDF và KRG tạo ra quốc gia riêng của người Kurd.
Vấn đề khác là liệu Mỹ thậm chí còn có ý định tiêp tục giúp đỡ người Kurd như trước đây. Siêu cường thế giới này hiện đang chật vật đối phó với những vấn đề nan giải khác ở trong và ngoài nước. Cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang từng ngày. Trung Quốc và Iran ngày càng trở nên cứng rắn với Mỹ. Mối quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang bị trục trặc. Mưu đồ lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria đã không thành công. Tình hình Ukraine vẫn chưa rõ ràng. Các nguồn lực ngoại giao và quân sự của Mỹ đang được sử dụng để đối phó với tất cả những vấn đề này chứ không phải tạo ra một quốc gia Kurdistan độc lập. Rõ ràng đây không phải là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Chính vì vậy mà chẳng sớm thì muộn, cả SDF lẫn KRG đều sẽ phải tự lo cho bản thân mình.