|
Tổng thống Mỹ Barack Obama biện minh cho chính sách “làm tan băng quan hệ” giữa Mỹ với các nước như Iran và Cuba. |
Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Tổng thống Obama cho rằng chính sách "can dự” kết hợp với “đáp ứng nhu cầu chiến lược cốt lõi” có thể phục vụ lợi ích của Mỹ tốt hơn nhiều so với các lệnh trừng phạt và cô lập kéo dài. Ông nói thêm rằng, với sức mạnh áp đảo, nước Mỹ cần phải có sự tự tin trong việc chấp nhận một số rủi ro có tính toán để mở ra những khả năng mới, giống như việc đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân.
Theo Tổng thống Obama, thỏa thuận hạt nhân này cho phép Iran giữ lại một số cơ sở hạ tầng, nhưng ngăn chặn Tehran chế tạo một quả bom nguyên tử trong khoảng thời gian ít nhất một thập niên, nếu không muốn nói là lâu hơn nữa.
Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh rằng chính sách ngoại giao mới không đẩy nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Ông Obama nói: " Ngân sách quốc phòng của Iran vào khoảng 30 tỷ USD, trong khi ngân sách quốc phòng của Mỹ gần 600 tỷ USD. Người Iran hiểu rằng họ không thể chống lại chúng ta”. Ông giải thích thêm rằng cốt lõi của “Học thuyết Obama” là “can dự nhưng duy trì tất cả các khả năng răn đe” của Mỹ.
Obama không cho rằng Iran là nước "không thể răn đe” và nói: “Nếu có thể giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao, chúng ta có nhiều khả năng được an toàn và ở vào một vị thế tốt hơn để bảo vệ các đồng minh… Trong tình huống này, tại sao chúng ta lại không thử giải pháp ngoại giao?"
Tổng thống Obama cho biết thỏa thuận hạt nhân với Iran là lựa chọn tốt nhất để ngăn ngừa Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông nói: "Một cuộc tấn công quân sự hoặc một loạt các cuộc tấn công quân sự có thể đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran trong một khoảng thời gian nào đó. Nhưng các cuộc tấn công này sẽ khiến cho Iran ráo riết theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân hơn và tạo cớ cho phe cứng rắn trong nội bộ Iran thúc đẩy việc sở hữu vũ khí hạt nhân…để tấn công nước Mỹ”.
Đối với Cuba, không giống như những năm trước, năm nay La Habana được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ ở Panama trong hai ngày 10-11/4. Các quan chức Mỹ nói Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ Chủ tịch Cuba Raul Castro lần đầu tiên, kể từ khi Washington công bố các bước bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Tổng thống Obama giải thích: "Thay đổi trong chính sách Cuba của chúng ta diễn ra tại một thời điểm có sự đổi mới trong giới lãnh đạo các nước Châu Mỹ. Tháng Tư này, chúng tôi sẵn sàng đón nhận Cuba tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ, cùng các quốc gia khác ở Tây bán cầu”.
Chỉ có điều, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên án thỏa thuận hạt nhân với Iran là “một thỏa thuận tồi" và "không đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran”. Ông Netanyahu nói với Kênh truyền hình CNN: “Iran được phép duy trì cơ sở hạ tầng hạt nhân khổng lồ. Không có máy ly tâm nào bị phá hủy. Không một cơ sở hạt nhân nào bị đóng cửa, bao gồm cả các cơ sở dưới lòng đất mà Iran đã xây dựng bất hợp pháp. Hàng ngàn máy ly tâm sẽ tiếp tục làm giàu uranium. Đây là một thỏa thuận tồi”.
Thủ tướng Netanyahu đã yêu cầu Iran công nhận quyền tồn tại của Nhà nước Do Thái và sự công nhận này phải được ghi vào Thỏa thuận hạt nhân cuối cùng dự kiến sẽ được hoàn tất vào ngày 30/6/2015.