Liệu Trung Quốc có “bỏ rơi” Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Theo học giả Ren Xiao, chính sách đối với CHDCND Triều Tiên là vấn đề đối ngoại gây ra tranh cãi ở Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong một bài viết đăng trên atimes.com, học giả Ren Xiao – lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Fudan, Thượng Hải – cho rằng trong những năm qua, chính sách của Trung Quốc đã bị chi phối bởi ý thức hệ coi CHDCND Triều Tiên là một "nước xã hội chủ nghĩa". Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục Bình Nhưỡng hạn chế phát triển hạt nhân và theo đuổi con đường cải cách mở cửa.
Những động thái ngang ngược gần đây của Bình Nhưỡng một lần nữa gây ra tranh luận ở Trung Quốc. Giới phân tích đã và đang tranh luận liệu Trung Quốc có nên thay đổi chính sách đối với Triều Tiên. Một câu hỏi đầy thách thức là liệu Trung Quốc có nên “bỏ rơi” CHDCND Triều Tiên đã được nêu ra. Trường phái "bỏ rơi" cho rằng sau rất nhiều lần bị thất vọng, Bắc Kinh cần phải gây áp áp lực kiềm chế Bình Nhưỡng và không cho phép Triều Tiên làm tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Ba trường phái khác nhau
Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Bình Nhưỡng đã “giúp” Mỹ có lý do để tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực – trong đó có việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gần Đông Bắc Á. Nếu Triều Tiên không quan tâm đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, thì vì lý do gì mà Bắc Kinh phải bao che cho hành vi bất thường của Kim Jong-un? Trung Quốc nên chấp nhận việc thay đổi chính sách có nguy cơ làm suy giảm quan hệ Trung-Triều.
Theo một bài bình luận đăng trên Global Times, Triều Tiên đã khiến cho nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy khó chịu. Đề nghị “bỏ rơi Triều Tiên” có thể được lắng nghe và thậm chí đã trở thành đề nghị chính thức của một số chiến lược gia ở Trung Quốc. Theo họ, Trung Quốc không cần phải che giấu sự bất mãn trong xã hội đối với Bình Nhưỡng cũng như lợi ích của CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc chưa bao giờ hoàn toàn trùng hợp với nhau. Tuy nhiên, BắcTriều Tiên vẫn là tuyến đầu địa chính trị của Trung Quốc. Với việc Mỹ “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương với hai mũi giáp công chiến lược là Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn là một vùng đệm hữu ích đối với Trung Quốc. Global Times cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ không “bỏ rơi” Triều Tiên.
Một quan điểm thứ ba là Trung Quốc nên có những điều chỉnh chính sách. Sẽ là vô trách nhiệm và nguy hiểm, nếu phớt lờ thực trạng quan hệ Trung Quốc-CHDCND Triều Tiên hiện nay.
Trường phái này nhấn mạnh rằng mối quan hệ Trung-Triều là một mối quan hệ nhà nước bình thường và chỉ dựa trên cơ sở đó, người ta mới có thể đưa ra những lựa chọn thích hợp. Việc Trung Quốc quyết định nâng cấp hoặc hạ cấp mối quan hệ này là tùy thuộc vào nhu cầu thực tế. Bắc Kinh có thể cung cấp cho Triều Tiên những gì mà nước này muốn, nhưng đổi lại Bình Nhưỡng phải tôn trọng lợi ích của Trung Quốc.
Trung Quốc đã viện trợ đáng kể, đóng một vai trò quan trọng đối với ổn định và sự sống còn của Triều Tiên. Trong hoàn cảnh này, Bình Nhưỡng phải cân nhắc lợi ích của Bắc Kinh, chứ không phải bắt cóc tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc để đòi tiền chuộc.
Bắc Kinh cần nói rõ và làm cho Bình Nhưỡng thừa nhận lợi ích quốc gia của Trung Quốc bằng cách điều chỉnh quan hệ nhà nước với CHDCND Triều Tiên, trong đó có việc tôn trọng sự an toàn của ngư dân Trung Quốc và tài sản của họ. Bắc Kinh có thể điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên, nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ sát cánh với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ phản ứng trước các hành động cực đoan của Bình Nhưỡng vi phạm đến lợi ích của Trung Quốc và sẽ làm cho Triều Tiên phải điều chỉnh những hành động này.
Vùng đệm chiến lược hay bom nổ chậm?
Một câu hỏi cơ bản trong cuộc tranh luận hiện nay là: Triều Tiên là một vùng đệm chiến lược hay một quả bom nổ chậm?
Nhiều người cho rằng Triều Tiên là một “vùng đệm chiến lược” và Trung Quốc không nên "đánh mất" nó. Một lập luận hỗ trợ cho luận cứ này khẳng định rằng “vùng đệm này” có thể hữu ích trong trường hợp xảy ra chiến sự ở eo biển Đài Loan và Mỹ có thể sử dụng số quân đồn trú tại Hàn Quốc.
Một số người khác lại cho rằng một "vùng đệm" như Bắc Triều Tiên không còn quan trọng trong điều kiện chiến tranh hiện đại thời nay. Thay vào đó, Triều Tiên đã trở thành một quả bom nổ chậm có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Bắc Kinh phải làm cho Bình Nhưỡng thấy rõ rằng CHDCND Triều Tiên không còn là một “vùng đệm an ninh” có ý nghĩa sống còn đối với Trung Quốc. Trong thực tế, Triều Tiên đã không đếm xỉa đến lợi ích hoặc sự quan ngại của Trung Quốc và đã có những hành động cực đoan, thiếu kiềm chế.
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên đã hợp lý hóa việc nâng cấp liên minh Mỹ-Hàn Quốc, cung cấp cho Washington cái cớ nữa để "xoay trục” bằng cách chuyển thêm các nguồn lực đến khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Đây không phải là lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Một số nhà quan sát Trung Quốc lập luận rằng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã không có một ý tưởng rõ ràng về mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh đã không điều chỉnh chính sách theo thời gian và đã xa rời thực tế của các mối quan hệ quốc tế và song phương cũng như sự phát triển của chính Trung Quốc. Tình trạng này một phần là do những di sản chiến tranh lạnh vẫn còn tồn đọng và một phần vì chính sách của ngang ngược của CHDCND Triều Tiên được bao che bởi nhu cầu có một đồng minh cùng ý thức hệ.
Kết quả là Trung Quốc đã không có một kế hoạch thích hợp cho mối quan hệ song phương, mà ở trong tình trạng lấp lửng dao động giữa quan hệ đồng minh xã hội chủ nghĩa và quan hệ giữa nhà nước với nhà nước bình thường. Các hậu quả bất lợi bao gồm: Trung Quốc bị Triều Tiên lôi kéo, Bắc Kinh thiếu ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng và một Triều Tiên ích kỷ phớt lờ lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Sự cố tàu cá Trung Quốc gần đây là ví dụ mới nhất về xu hướng này.
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường ân cần đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong khi tỏ ra khá lạnh nhạt với Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy có sự điều chỉnh một phần quan hệ Trung-Triều, chứ không phải là một sự thay đổi căn bản trong chính sách Triều Tiên của Trung Quốc.
Lê Chân (theo atimes.com)

Bình luận(0)