Cuộc họp ngày 2/2 của liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu ở Rome đã đi đến quyết định không cho phép Libya trở thành một căn cứ mới của các tổ chức khủng bố.
|
Phiến quân IS diễu binh ở thành phố Sirte, Libya.
|
Vậy cần phải làm gì để quốc gia giàu dầu mỏ rất gần Châu Âu này không trở thành “
Syria thứ hai”? Các bên tham gia cuộc họp Roma chưa trả lời câu hỏi này mà chỉ cam kết sẽ "giám sát chặt chẽ" diễn biến
tình hình Libya. Quyết định này không nhất thiết thể hiện sự thiếu quyết tâm, nhưng nó cho thấy phương Tây thiếu sự lựa chọn tốt.
Trong thời kỳ hậu “mùa xuân Arập”, khi mà phương Tây không còn có thể dựa vào các chế độ độc tài ổn định làm đòn bẩy chính sách đối ngoại, Libya là một điển hình cho thấy một vấn đề rộng lớn hơn ở khắp Trung Đông. Khả năng cộng đồng quốc tế can thiệp bình ổn khu vực đang tan biến và buộc phương Tây phải tìm kiếm một mô hình mới.
Chỉ có điều, khi Libya không có một chính phủ phủ hợp pháp và các phe phái đánh lẫn nhau tranh giành ảnh hưởng chính trị và nguồn lực, những mô hình mới là chưa rõ ràng.
Nhà phân tích Katherine Zimmerman, một chuyên gia về khủng bố tại Viện Doanh nghiệp Mỹ , nói tại Washington: "Tôi không nghĩ rằng 'giám sát' là một cách tuyệt vời để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chỉ có điều, các phương án hành động ở Libya không phải là dễ dàng và cũng không phải là rõ ràng. Nếu không có một chính phủ có trách nhiệm hoặc một nhà nước hợp pháp ở Libya, bất kỳ sự can thiệp nào của cộng đồng quốc tế đều có nguy cơ sa vào bẫy của phiến quân ISIS và làm cho chúng mạnh thêm”.
Cộng đồng quốc tế hầu như không có ví dụ thành công nào về việc can thiệp vào một đất nước Hồi giáo có sự hiện diện của vô số nhóm cực đoan Hồi giáo. Nhưng một trong những quy tắc chủ đạo, đặc biệt là đối với phương Tây, là phải hành động để ủng hộ một chính phủ hợp pháp.
Vấn đề ở chỗ là Libya không có chính phủ hợp hiến, mà chỉ có hai “chính phủ riêng biệt” kình chống lẫn nhau. Theo một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 12/2015, hai phe này phải thống nhất thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Khốn nỗi, cái gọi là chính phủ đoàn kết này cũng không thể thay thế hai phe đã tạo ra nó. Điều này có nghĩa là hiện thời, Libya có đến ba "chính phủ" cạnh tranh lẫn nhau.
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lợi dụng khoảng trống quyền lực ở Libya để mở rộng sự kiểm soát ra bên ngoài thành trì Sirte trên bờ biển Địa Trung Hải. Trong tuần này, phiến quân IS đã đánh chiếm một thành phố khác trên tuyến đường nối liền hai thành phố Sirte và Misrata. Trước đó, Nhà nước Hồi giáo đã tấn công các cơ sở dầu mỏ của Libya.
Việc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo liên tục mở rộng lãnh thổ ở Libya đã khiến cho các thủ đô – từ Cairo đến Paris – cảm thấy cần phải đánh đòn phủ đầu, trước khi chúng “sâu rễ bền gốc” ở quốc gia Bắc Phi đầy bất ổn này.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, thành viên cao cấp của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, nói: “Tôi không nghĩ rằng vào thời điểm này, chúng ta có thể đủ khả năng hành động. Nếu không cẩn thận và chủ động, chúng ta sẽ phải chứng kiến một nhà nước Hồi giáo ở Libya ... và khu vực do ISIS cai quản sẽ biến thành cửa ngõ vào miền nam Châu Âu”. Hạ nghị sĩ Adam Schiff ưu tiên việc hành động quân sự cùng với một chính phủ quốc gia, nhưng ông cho biết thêm mọi sự trì hoãn chỉ có lợi cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Ông khuyến nghị cần đi theo hai hướng: gây áp lực ngoại giao với giới lãnh đạo ở Libya và hành động quân sự chống lại Nhà nước Hồi giáo ở nước Bắc Phi này.
Mỹ đã tiến hành một số hành động chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Libya. Một cuộc không kích của Mỹ hồi tháng 11/2015 đã giết chết một chỉ huy IS cao cấp ở thị trấn Derna. Tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết "đã có lực lượng Mỹ ở Libya và cố gắng liên lạc với các lực lượng trên mặt đất”. Nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm này là xác định các lực lượng nào “đủ tiêu chuẩn được Mỹ hỗ trợ” trong một cuộc chiến cuối cùng với Nhà nước Hồi giáo ở Libya.
Nhà phân tích Lawrence Korb, một cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện đang là chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ ở Washington, nói mặc dù có sự tham gia của Mỹ, nhưng Libya vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Châu Âu. Việc thành lập một liên minh lớn chống IS ở Libya phải là sáng kiến của Châu Âu.
Tiến sĩ Lawrence Korb nói Nhà nước Hồi giáo "có thể nhắc nhở người Châu Âu phải làm một cái gì đó". Ông lưu ý rằng chính Pháp và Anh đã dẫn đầu cuộc can thiệp quân sự của NATO năm 2011 vào Libya, lật đổ “người hùng” Muammar Gaddafi (và gián tiếp gây ra tình trạng hỗn loạn hiện nay).
Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond 2/2 đã bác bỏ thông tin nói rằng nước Anh đang chuẩn bị gửi 1.000 quân tới Libya. Nhưng ông nói rằng Vương quốc Anh sẵn sàng cung cấp vũ khí và nhiều sự hỗ trợ khác, một khi chính phủ đoàn kết ở Libya được thành lập.
Tuy nhiên, theo cả hai nhà phân tích Korb và Zimmerman, sự can thiệp của phương Tây ở Libya có thể rơi vào bẫy của Nhà nước Hồi giáo. Tiến sĩ Korb giải thích: "Nếu can thiệp quân sự, người ta sẽ làm cho cuộc nội chiến Libya trở nên tồi tệ hơn và điều đó có thể làm cho ISIS trở nên mạnh hơn, chứ không phải bị tiêu diệt”.