Theo giáo sư Richard Javad Heydarian - một chuyên gia trong các vấn đề địa chính trị-kinh tế Châu Á, đối thoại vô điều kiện, hợp tác kinh tế và sử dụng khôn ngoan lực lượng là trọng tâm của Học thuyết Obama.
Không còn nghi ngờ gì nữa, di sản của Tổng thống Obama ở Châu Á trong chính sách đối ngoại là chiến lược "xoay trục sang Châu Á", một nỗ lực có hệ thống và dần dần chuyển sức mạnh Mỹ khỏi Trung Đông sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năng động và bùng nổ kinh tế.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà khách chính phủ Tây Hồ ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh EPA |
Nhưng sau 6 năm thực thi chiến lược “xoay trục sang Châu Á”, nước Mỹ vẫn sa lầy ở Trung Đông, đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán hơn bao giờ hết và hứng chịu một thất bại chưa từng có trong quan hệ với các đồng minh chủ chốt ở Châu Á như Philippines.
Ve vãn đối thủ
Tổng thống Obama cam kết duy trì thịnh vượng và hòa bình khu vực bằng cách mở rộng hợp tác kinh tế và ngoại giao với các nước bạn bè và đối thủ, trong khi đẩy mạnh cam kết quân sự với các đồng minh gặp khó khăn trong khu vực.
Ông Obama thường xuyên tham dự các diễn đàn khu vực đa phương như Diễn đàn An ninh ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á, bổ nhiệm một đại sứ thường trực của ASEAN, mời Indonesia tham gia câu lạc bộ G20 mới được thành lập. Ông cũng đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với cả Trung Quốc lẫn các quốc gia Đông Nam Á tại trang trại Sunnylands ở California.
Là vị "Tổng thống Thái Bình Dương" của Mỹ đầu tiên, ông Obama đã đi thăm quốc gia Châu Á - trong đó có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ - nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào của ông. Tổng thống Obama đã cải thiện quan hệ với Việt Nam và chính phủ quân sự ở Myanmar, trong khi đẩy mạnh quan hệ với Lào và Campuchia.
Đối phó với “Rồng Trung Hoa”
Những tuyên bố hùng biện hòa giải và cách tiếp cận ngoại giao của Tổng thống Obama cho thấy sự hồi sinh “quyền lực mềm toàn cầu” của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Obama, nước Mỹ đã gia tăng đáng kể trong bảng xếp hạng uy tín với gần 7/10 người trên thế giới bày tỏ quan điểm ủng hộ Mỹ so với chỉ 5/10 dưới thời chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm George W Bush. Có đến 9/10 số người ở Philippines được hỏi ý kiến ủng hộ chính sách của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã thất bại trong việc lôi kéo những người bạn ở Trung Quốc, nước đã bắt đầu quyết đoán hơn trong việc thách thức quyền bá chủ của Mỹ ở Châu Á. Công bằng mà nói, hai cường quốc toàn cầu này đã những bước tiến đáng khen ngợi trong việc đồng thuận về các vấn đề quốc tế quan trọng như biến đổi khí hậu và mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Nhưng hai bên đã va chạm với nhau ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý về lãnh thổ và quyền hàng hải.
Trước sự kinh ngạc của các nước đồng minh, chính quyền Obama đã thất bại trong việc ngăn cản Trung Quốc thống trị các khu vực tranh chấp và tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển lân cận. Trêng thực tế, chính quyền Obama đã khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo lớn và cấu trúc quân sự lớn ở Biển Đông. Gần đây, Trung Quốc còn vi phạm luật pháp quốc tế bắt giữ một tàu lặn không người lái (UUV) của Mỹ trong vùng biển Philippines và triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến trên các đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp trái phép. Quyền bá chủ hải quân của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương đang bị thách thức hơn bao giờ hết.
Sáng kiến kinh tế trọng điểm của Tổng thống Obama là Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước nhằm cô lập Trung Quốc về kinh tế. Thật không may, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lại tuyên bố sẽ xóa bỏ TPP trong ngày đầu tiên tại Nhà Trắng. Khi không có “củ cà rốt kinh tế”, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã chật vật trong việc “đảo ngược thế cờ” trong khu vực, khi một số nước trong khu vực ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về công nghệ và thị trường.
Đồng minh gai góc
Trong khi đó, tranh cãi về vấn đề quyền con người đã dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng trong quan hệ song phương giữa Mỹ và hai đồng minh Đông Nam Á là Thái Lan và Philippines. Hai nước ký kết hiệp ước quân sự với Mỹ này đã ngả về phía Trung Quốc.
Giữa lúc đang tiến hành "cuộc chiến chống ma túy", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đe dọa sẽ cắt đứt hợp tác quân sự với Mỹ, trừ khi Washington chấm dứt những lời chỉ trích hồ sơ nhân quyền của ông. Nhiều lần, nhà lãnh đạo Philippines này đã tỏ ra cứng rắn và thậm chí còn nguyền rủa các nhà lãnh đạo ở Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama. Trong thực tế, Manila đã bắt đầu hủy bỏ tập trận chung và tuần tra hàng hải với Mỹ, nước đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines.
Đồng thời, chính quyền Duterte đã chuyển sang đàm phán thỏa thuận quân sự với Trung Quốc và Nga. Bị Mỹ chỉ trích nặng nề về vấn đề nhân quyền, chính quyền quân sự Thái Lan cũng đã tiến gần hơn đến quĩ đạo của Trung Quốc.
Ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với sự hồi sinh tầm nhìn chiến lược của Mỹ ở Châu Á, nhưng lại thất bại về chất trong việc thực thi những lời hùng biện của mình. Người kế nhiệm ông là Donald Trump sẽ phải đối đầu với một Trung Quốc quyết đoán hơn, gai góc hơn và các nước đồng minh ngày càng trở nên độc lập với Mỹ hơn, trong khi nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực ở những điểm nóng như Biển Đông ngày càng hiện hữu.