"Thái độ Việt Nam đóng vai trò lớn"
Theo tờ Tiếng nói nước Nga dẫn ý kiến của chuyên gia Dmitry Mosyakov, Viện Nghiên cứu phương Đông, ngoài lý do về mùa bão đang tiến vào khu vực, Trung Quốc cũng di chuyển giàn khoan về phía đảo Hải Nam, ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam nhằm giảm bớt sự căng thẳng giữa 2 nước.
|
Giàn khoan Hải Dương 981 trong thời gian hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam. |
Ngoài ra, ông Dmitry Mosyakov cũng cho biết: “Một vai trò rất lớn ở đây là quan điểm của Việt Nam. Một mặt Việt Nam thể hiện quan điểm cứng rắn, mặt khác vẫn tỏ ra kiềm chế. Nói chung, đóng vai trò quyết định ở đây còn có sự thay đổi tổng thể tình hình địa chính trị - những triển vọng mới mở ra cho sự hợp tác trong khu vực và xung đột quả thật nằm ngoài các lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc cần duy trì và phát triển quan hệ với Việt Nam, xây dựng hình ảnh mới của đất nước ở khu vực Đông Nam Á. Sự xuất hiện của giàn khoan đem lại những tác động quốc tế tiêu cực cho Trung Quốc. Họ dường như đã cân nhắc được và mất để đi đến kết luận nên rút lui giàn khoan này”.
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam từ ngày 2/5 đến ngày 15/7 đã khiến căng thẳng giữa 2 nước tăng cao.
Trung Quốc không từ bỏ tham vọng Biển Đông?
Hành động đơn phương khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông còn gây phức tạp cho mối quan hệ của Bắc Kinh và Washington. Mỹ coi giàn khoan của Trung Quốc là một “sự khiêu khích”.
Chỉ vài ngày trước khi giàn khoa được rút đi, Mỹ đã kêu gọi tất cả các nước trong khu vực đóng băng bất kỳ hoạt động trên các hải đảo và rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông, tránh phá vỡ quy chế hiện trạng. Nhưng Trung Quốc dứt khoát từ chối sáng kiến này và khuyên Mỹ nên tránh xa các xung đột hay như đứng về phía bất cứ bên nào.
Ở Trung Quốc, nhiều người tin rằng, việc rút lui giàn khoan được thực hiện dưới áp lực của Mỹ. Chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông, ông Alexander Larin đánh giá về vai trò của yếu tố Mỹ trong vấn đề giàn khoan cho hay: “Ở đây Mỹ tỏ ra cương quyết. Hoàn toàn có khả năng đã xuất hiện một số thay đổi chiến thuật và lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng khó đưa ra dự đoán chắc chắn nào. Rõ ràng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ quan điểm của mình trên Biển Đông.”
Các chuyên gia không loại trừ rằng, Bắc Kinh đã quyết định tạm dừng để sau đấy tiếp tục lại các hoạt động nghiên cứu kho tàng dưới nước trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí, Trung Quốc có thể tuyên bố vùng nhận dạng phòng không của mình trên Biển Đông, giống như họ đã làm trên vùng trời quần đảo Điếu Ngư, biển Hoa Đông.