“Mỹ có thể kìm hãm tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc“

Google News

(Kiến Thức) - Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy đã đưa ra lời nhận định trên về tình hình Biển Đông trong cuộc trò chuyện đăng tải trên Washington Post.

Những kì vọng của Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc
Tháng này, Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 lần đầu tiên với sự huy động của 4 tàu chiến cùng một số các quân nhân khác.
Quyết định trên của chính quyền Obama, theo lời cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề chính sách Michele Flournoy (2009-2012) chỉ là động thái mới nhất nhằm khuyến khích Bắc Kinh đóng vai trò tích cực hơn nữa trên thế giới. Những nỗ lực như vậy thực ra nằm trong chuỗi chính sách của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1979.
 Tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2014.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây đó là, 35 năm duy trì quan hệ như vậy, Trung Quốc giờ đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi về những cam kết của họ đối với sự ổn định chung của toàn khu vực nói riêng cũng như của thế giới nói chung. Song, ở chiều ngược lại, các chuyên gia phân tích cũng xem xét lại cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc.
Cách tiếp cận hiện nay đã được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng, sự hội nhập của Trung Quốc vào trật tự an ninh và kinh tế sẽ không chỉ vì lợi ích của họ mà còn có lợi cho cả Mỹ và toàn thế giới. Với cách nghĩ đó, Washington cũng hết sức nâng đỡ Bắc Kinh gia nhập vào các tổ chức đa phương hàng đầu thế giới như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTC) và đều đặn tăng cường mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thông qua các cam kết ngoại giao, bao gồm Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (SED) dự kiến sẽ diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 7 này.
Kết quả của những nỗ lực này, theo lý thuyết mà nói, lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ được nâng cao theo thời gian. Bắc Kinh cũng sẽ góp phần vào duy trì các quy định hay nguyên tắc hiện hành đã được các bên thông qua như tự do hàng hải hay giải quyết hòa bình các tranh chấp. Điều này cuối cùng sẽ dẫn tới việc Trung Quốc nổi lên như “một nước liên đới hành xử đầy trách nhiệm” trong cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Bà Michèle Flournoy (hiện là Giám đốc điều hành và người đồng sáng lập Trung tâm an ninh Mỹ mới - CNAS) cho rằng, thật không may, đó không phải là những gì mà Mỹ dự liệu. Sau nhiều thập kỉ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, hành vi của Bắc Kinh gây sự chú ý của mọi người trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều người ở Bắc Kinh dự đoán về một sự suy giảm nhanh chóng của Mỹ. Vì thế, chính thái độ hân hoan chiến thắng hợp nhất với chủ nghĩa dân tộc gia tăng và sự giàu có đã hình thành nên một chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
Đặc biệt, kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu theo đuổi yêu sách bành trướng lãnh thổ ngang ngược và quyết đoán hơn của mình ở Hoa Đông và Biển Đông. Điều này đi trái với châm ngôn của cựu Thủ tướng Đặng Tiểu Bình về vấn đề này đó là “giấu mình để chờ đợi thời cơ”.
Tuy nhiên, các lãnh đạo nước này cũng nhận thức sâu sắc một điều rằng, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào môi trường khu vực ổn định. Kết quả là, họ lại dần thực hiện các bước điều chỉnh của mình một cách cẩn trọng và cũng vô cùng tinh vi, nham hiểm như xây dựng các căn cứ lộ thiên và hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp … hòng thay đổi hiện trạng châu Á mà không gây ra phản ứng kịch liệt từ các nước láng giềng hay từ Mỹ.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michèle Flournoy chỉ ra mối hiểm nguy từ những động thái phi lý, nham hiểm trên của Trung Quốc. Theo bà, mối nguy hiểm đó là chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc, nếu không được kiểm soát, sẽ cơ bản làm thay đổi trật tự quốc tế ở châu Á theo thời gian, theo nhiều cách nhằm đối chọi lại sự ổn định và lợi ích sống còn của Mỹ, các đồng minh và đối tác của cường quốc này.
Theo bà, các hành động quyết đoán hơn của Bắc Kinh cũng làm tăng nguy cơ thất bại của một tính toán sai lầm chiến thuật mà có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng, thậm chí xung đột.
Cách Mỹ đối phó với Trung Quốc
Đối phó với điều này, bà Flournoy hiến kế rằng, Washington nên duy trì cam kết xây dựng quan hệ đối tác bền chặt với Bắc Kinh. Nếu không làm vậy, nó sẽ đẩy nhanh các hành động quyết đoán của Trung Quốc và đi ngược lại lợi ích về an ninh và kinh tế của chính Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng nên thực hiện các bước đó một cách thường xuyên hơn nữa và buộc thực thi một cách rõ ràng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở châu Á.
 Đại diện Mỹ-Trung tham gia một sự kiện.

Ngoài ra, bà còn cho biết thêm rằng, Mỹ có thể bắt đầu bằng việc hỗ trợ nâng cao nhận thức người dân về lĩnh vực hàng hải để ngăn chặn các hành vi mạo hiểm. Trong khi củng cố mối quan hệ với các liên minh và đối tác, Mỹ cũng nên giúp các nước nâng cao khả năng phòng thủ để họ giữ vững lập trường khi đối mặt với lực lượng quân đội lớn mạnh của Trung Quốc.
Ngoài ra, theo bà Flournoy, các biện pháp quân sự trên cần được bổ sung bằng những nỗ lực ngoại giao để xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển. Đặc biệt, Mỹ sẽ phải theo đuổi các cơ chế quản lý khủng hoảng thay thế nếu Bắc Kinh không chịu hợp tác trong xây dựng và kí kết Bộ Quy chế ứng xử (COC) của các nước ở Biển Đông.
Washington cũng phải suy nghĩ một cách sáng tạo để cải thiện hiêu quả của tòa án trọng tài quốc tế, nơi Philippines gửi hồ sơ kiện Trung Quốc.
Thanh Nga (theo WP)

Bình luận(0)