Bán đảo Crimea có gì mà Nga quyết kiểm soát?

Google News

Với một xã hội đa sắc tộc và một lịch sử chiến tranh đẫm máu, bán đảo Crimea là ngã ba đường của nhiều nền văn hóa và các cuộc xung đột vũ trang.

Trong cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự tại Ukraine hiện giờ, mỗi nhóm sắc tộc ở Crimea lại có quan điểm riêng về tương lai của vùng lãnh thổ đầy tranh cãi này.
Binh sĩ Ukraine đã triển khai bảo vệ đất nước tại vùng biên giới ngày 2-3 - Ảnh: AFP. 
Crimea ở đâu, là gì?
Có tên chính thức là Cộng hòa tự trị Crimea, bán đảo đẹp như tranh vẽ này nằm nhô ra biển Đen từ đất liền Ukraine và là vùng đất tranh chấp trong hàng thế kỷ giữa các đế chế hùng mạnh ở châu Âu. Người Hi Lạp, người Scythia, người Byzantine và người Genoa đều đã hiện diện ở Crimea từ thời xa xưa.
Đế quốc Nga sát nhập lãnh thổ Crimea vào cuối thế kỷ 18, sau hàng loạt cuộc chiến đẫm máu với đế quốc Ottoman. Theo hòa ước Kuchuk-Kainarji 1774, lãnh chúa Crimea, trước kia là bồi thần của đế quốc Ottoman, sẽ trở thành thần tử của đế quốc Nga, nhưng rồi nữ hoàng Nga Catherine đại đế (Yekaterina II) nhanh chóng hủy bỏ vương vị của vùng đất này và đặt lại tên Crimea theo tên tiếng Hi Lạp của bán đảo, Taurida.
Crimea trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng cả nước thời Liên Xô và nhiều công dân Xô viết ngày nay sẽ nhớ lại những kỷ niệm của mình khi còn thơ ấu nghỉ hè trên các bãi biển tuyệt đẹp ở đó.
Thành phố Sevastopol nhìn ra biển Đen - Ảnh: rt.com.
Ai đang sống ở Crimea?
Phần lớn cư dân Crimea hiện giờ là người Nga, khoảng 1,2 triệu người, tương đương 58,5% dân số, theo cuộc thăm dò dân số gần nhất năm 2001. Khoảng 24% (khoảng 500.000 người) là người Ukraine và 12% là dân Tatar Crimea. Tuy nhiên, thành phố lớn nhất ở Crimea, Sevastopol, được coi là một vùng riêng rẽ với Crimea, có rất ít người Tatar và chỉ khoảng 22% người Ukraine, hơn 70% người Nga.
Tuyệt đại đa số dân Crimea (97%) nói tiếng Nga, theo một cuộc thăm dò của Viện xã hội học quốc tế Kiev. Một trong những quyết định đầu tiên của chính quyền lâm thời tại Kiev làm ảnh hưởng tới điều đó, khi ban hành lại một đạo luật công nhận các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nga cũng là ngôn ngữ chính thức ở vùng đa văn hóa này.
Phân bổ dân số ở Crimea - Ảnh: rt.com.
Chuyện gì đang xảy ra?
Sau khi tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ và một chính quyền lâm thời được thành lập ở Kiev, những cuộc biểu tình của người Nga đã nổ ra bên ngoài tòa nhà nghị viện Crimea, hối thúc các nghị sĩ không ủng hộ chính quyền mới. Họ muốn vùng tự trị này trở lại với hiến pháp năm 1992, theo đó Crimea có tổng thống và chính sách ngoại giao riêng.
Nghị viện của vùng tự trị Crimea dự kiến sẽ tuyên bố ngày 5-3 về lập trường chính thức của vùng này với chính quyền mới ở Kiev. Những đại biểu của người Tatar trong nghị viện đã phản đối việc nhóm họp về vấn đề này và bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền mới. Năm 2012, các thành viên đại diện cho người Tatar ứng cử trong khối của bà Yulia Tymoshenko.
Hai cuộc tuần hành riêng rẽ, tập trung hàng nghìn người, đã đối đầu nhau ở bên ngoài tòa nhà nghị viện tại thủ phủ vùng Crimea, Simferopol. Hai người đã thiệt mạng vì giẫm đạp và chen lấn, khoảng 30 người bị thương, trước khi người đứng đầu nhóm nghị sĩ Tatar, Refat Chubarov, yêu cầu những người ủng hộ phe của ông giải tán. Tuy nhiên, không ít người Tatar Crimea đã biểu tình về phe các lực lượng thân Nga, theo Hãng tin Nga RT.
Đụng độ giữa những người biểu tình thân Nga và thân chính phủ mới tại Kiev ở Crimea - Ảnh: rt.com.
Ảnh hưởng của cuộc cách mạng ở Kiev
Những bất ổn ở vùng tự trị Crimea bắt đầu sau khi nhà chức trách Ukraine ban hành lại đạo luật cho phép các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nga cũng là ngôn ngữ chính thức. Chính quyền mới ở Kiev cũng đang đề xuất một dự luật cấm các thành viên của chính quyền cũ nắm giữ các chức vụ chính thức.
Theo RT, việc hủy bỏ luật thừa nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức duy nhất của vùng này đã gây ra tranh cãi khắp Ukraine, ngay cả ở những vùng phía tây vốn phản đối chính quyền cũ.
Nikita Khrushchev - Ảnh: AFP.
Crimea đã tách khỏi Nga ra sao
Năm 1954, một quyết định gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Xô viết khi đó là Nikita Khrushchev, vốn là người dân tộc Ukraine, đã chuyển giao Crimea cho nước cộng hòa Ukraine từ nước Nga trong nội bộ Liên Xô.
Sau khi Liên Xô tan rã, “món quà” của Khrushchev bị rất nhiều người Nga chỉ trích, bao gồm đa số sống ở Cộng hòa tự trị Crimea. Làm tình hình thêm căng thẳng là tình trạng của thành phố Sevastopol, không chỉ là thành phố lớn nhất của Crimea, mà còn có vị trí chiến lược về mặt quân sự. Năm 1948, Sevastopol bị tách khỏi Crimea và trực thuộc Matxcơva, là một căn cứ hải quân Xô viết cực kỳ quan trọng ở Crimea.
Trong những năm 1990, vấn đề Sevastopol trở thành chủ đề gây ra những tranh cãi bất tận giữa Nga và Ukraine. Sau nhiều cuộc thương lượng, thành phố với các vùng lãnh thổ xung quanh được trao một chế độ đặc biệt trực thuộc nhà nước Ukraine, nhưng một số cơ sở hải quân được cho Nga, cụ thể là hạm đội Biển Đen của nước này, thuê tới năm 2047. Tuy nhiên, trong thâm tâm, đa số người Nga và các chính trị gia người Nga vẫn coi thành phố là một phần lãnh thổ Nga.
Người Tatar Crimea biểu tình - Ảnh: rt.com.
Tranh cãi sắc tộc
Đầu thế kỷ 20, người Nga và người Tatar Crimea là những nhóm người có dân số tương đương ở Crimea, tiếp theo là người Ukraine, người Do Thái và các nhóm thiểu số khác. Crimea vừa là một khu nghỉ dưỡng của hoàng gia Nga, vừa là nơi lui tới của giới quý tộc, nhà thơ, văn nghệ sĩ Nga.
Trong Thế chiến thứ hai, khoảng 20.000 người Tatar là đồng minh của Đức quốc xã chiếm đóng Crimea, nhưng nhiều người cũng cầm súng chống lại quân phát xít cho quân đội Liên Xô. Joseph Stalin, lấy cớ người Tatar hợp tác với Đức quốc xã, đã trục xuất hàng loạt người Tatar khỏi Crimea tới các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô. Chính thức 183.155 người Tatar đã bị trục xuất khỏi Crimea, tương đương với 19% dân số vùng đất này trước chiến tranh. Người Tatar chỉ có thể trở lại Crimea vào cuối những năm 1980, nhưng các thảm kịch dưới thời Stalin đã khiến mâu thuẫn sắc tộc rất khó giải quyết rốt ráo.
Trưng cầu ý dân
Năm 1991, người dân Crimea đã tiến hành nhiều cuộc trưng cầu ý dân. Một cuộc trưng cầu ý dân khẳng định vùng này là một nước cộng hòa tự trị thuộc Liên Xô, với 93,26% người dân ủng hộ. Một cuộc trưng cầu khác hỏi người dân Crimea có ủng hộ độc lập của Ukraine khỏi Liên bang Xô viết hay không, với 54% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, một cuộc trưng cầu ý dân về việc Crimea tách khỏi Ukraine đã không bao giờ được thực hiện do lệnh cấm từ Kiev.
Việc những người Tatar trở lại cũng làm tình hình thêm phức tạp khi xuất hiện một phe phái mới trên chính trường, Đảng Nhân dân Tatar. Dù không bao giờ được công nhận là một tổ chức chính thức, đảng này có ảnh hưởng không nhỏ với người Tatar thiểu số ở Crimea.
Theo Hải Minh (TTO /rt.com)

Bình luận(0)