Được ngồi trong buồng lái của những chiếc tàu bay hiện đại nhất hiện nay đi chinh phục bầu trời là ước mơ của rất rất nhiều người. Nói không quá khi nghề phi công chinh phục bầu trời đã trở thành mơ ước của hầu hết những ai từng ngồi trên ghế nhà trường khi hình ảnh phi công đã đi vào nhiều bài thơ, câu hát của các bạn nhỏ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được mơ đó bởi phi công là một nghề đòi hỏi rất khắt khe về cả kiến thức, trình độ và thể lực.
|
Hai nữ phi công 9X và những phút ngắn ngủi gặp nhau giữa các chuyến bay. |
Được biết, để trở thành phi công, trước tiên phải trải qua các kỳ thi về kiến thức, sức khỏe cũng như phải đạt được các tiêu chuẩn về trình độ mà yêu cầu của nghề đặt ra: ngoại hình phải cân đối, dễ nhìn, không dị tật.
Bên cạnh đó, những người muốn theo nghề này phải có khả năng sử dụng tiếng Anh thật tốt cũng như vượt qua được các bài kiểm tra khác. Chỉ cần “mắc lỗi” một chỗ nào đó thì giấc mơ trở thành phi công sẽ trở nên khó khăn hơn.
Với đặc thù công việc, chỉ tính riêng yêu cầu về thể lực và sức khoẻ của nghề phi công đã khiến nhiều đấng mày râu phải lắc đầu ngao ngán. Vậy mà, đã có những cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã vượt qua những khó khăn đó để trở thành những nữ phi công 9X đầu tiên của Việt Nam.
Câu chuyện của 2 nữ phi công 9X dưới đây đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của họ. Đặc biệt hơn, họ còn là hai người bạn thân, cùng giúp đỡ nhau vượt qua nhiều khó khăn khi còn trong quá trình học để trở thành phi công.
Không học đại học để theo đuổi ước mơ phi công
|
Hoàng Hà Nhi đang kiểm tra kỹ thuật tại buồng lái trước khi cất cánh. |
Nuôi dưỡng ước mơ trở thành nữ phi công từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng Hà Nhi (SN 1994) - cô nữ sinh chuyên Pháp trường Hà Nội Amsterdam đã không ngừng phấn đấu học tập để đến ngày có thể tự tin bước vào cánh cổng đào tạo phi công ở nước ngoài.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhi giúp cô đoạt giải Ba cuộc thi Quốc gia môn tiếng Pháp, điều này đồng nghĩa với việc Nhi sẽ được tuyển thẳng vào bất cứ trường Đại học nào của Việt Nam có giảng dạy tiếng Pháp.
Tuy nhiên, khác với các bạn cùng trang lứa, Nhi đã không đến với giảng đường Đại học mà chọn cho mình một con đường lập nghiệp hoàn toàn mới lạ và đầy khó khăn thử thách – học lái máy bay.
“Cô bạn thân từ ngày bé toàn gọi em là hâm từ khi biết em chọn nghề này, nhưng biết làm sao được khi mình đã thích. Bởi tính em là đứa ngang bướng từ ngày nhỏ” – Nhi chia sẻ.
Không chỉ có bạn bè, ngay cả gia đình cũng là một rào cản rất lớn đối với Nhi. Tuy được sự hỗ trợ rất tốt từ gia đình nhưng thời gian đầu mẹ của Nhi không muốn cho con gái theo nghề này. “Bố em là thuỷ thủ, công việc thường xuyên phải xa nhà nên mẹ không thích cho em theo một nghề tương tự” – nữ phi công 9X trần tình.
Kể về con đường trở thành phi công, Nhi cho biết, thế mạnh lớn nhất của cô là sử dụng thành thạo ngoại ngữ, Nhi học chuyên Pháp và học thêm tiếng Anh để đi học phi công bên Mỹ nên khả năng giao tiếp của Nhi rất tốt.
Khó khăn nhất là vấn đề thể lực, là phái nữ nên Nhi đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể đạt đủ sức khoẻ để thi vào nghề phi công.
“Ngày còn học phổ thông em tập chạy bộ rất nhiều để có sức khoẻ, còn hiện nay em không có nhiều thời gian nên vào những ngày nghỉ em đều đi tập Yoga và Gym” – Nhi bật mí về bí quyết duy trì sức khoẻ của mình.
Quá trình học của Nhi cũng không đơn giản, đặc biệt với một cô gái trẻ lần đầu sống xa nhà. Sau khi từ chối giảng đường Đại học, Nhi đã theo học nửa năm tại Trung tâm Đào tạo Bay Việt trong TP.HCM sau đó chuyển qua học 3 tháng quân sự tại Nha Trang.
Cùng thời điểm trên, trong khi những người bạn cùng trang lứa đang háo hức đến với giảng đường Đại học thì Nhi một thân một mình sang Mỹ học đào tạo phi công 1 năm rồi lại tiếp tục quay về học lái buồng lái giả định.
“Sau khi học hết những khóa học trên, em thi tuyển vào Vietjet và trở thành cơ phó từ tháng 12/2015. Tính đến thời điểm hiện tại, được sự dìu dắt của các thầy lịch bay hợp lý, em đã được khoảng 500 giờ bay” – nữ phi công 9X cho biết.
Bên cạnh những khó khăn vất vả của nghề phi công, việc một cô gái trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” chấp nhận xa rời bạn bè, bươn chải một mình cũng là sự cố gắng hết sức đối với Nhi. Và sự cố gắng đó cũng đã được chính những người bạn thân của Nhi ghi nhận.
“Em thấy rõ ràng so với bọn em, những người còn đang ngồi trên giảng đường đại học thì Nhi quá trưởng thành. Ngay cả chuyện gặp gỡ bạn bè, mặc dù rất bận nhưng Nhi vẫn sắp xếp được thời gian gặp bọn em khi được nghỉ” – Diệp, cô bạn học từ phổ thông với Hà Nhi nhận xét về người bạn của mình.
Bỏ nghề giáo viên để trở thành phi công
|
Tuyết Dung trao đổi với đồng nghiệp trước giờ bay. |
Cũng là một phi công tại Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, nhưng khác với Nhi, Nguyễn Mai Tuyết Dung (SN 1991) lại có một bước ngoặt khá thú vị.
Từ cô sinh viên tốt nghiệp khoa Anh Ngữ Đại học Sư phạm TP.HCM, Dung xin vào giảng dạy tiếng Anh tại Trung tâm đào tạo Bay Việt. Tại đây Dung được Trung tâm đào tạo để trở thành một giảng viên dạy tiếng Anh cho những phi công muốn thi lên cơ trưởng.
Sau thời gian được đào tạo và giảng dạy tại Trung tâm, Dung được tiếp xúc với rất nhiều phi công và dần dần thấy thích công việc này. “Ban đầu em nghĩ phi công là một nghề khô cứng và chỉ làm việc với máy móc nhưng em đã nhầm. Công việc này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo nhưng phải có tính kỷ luật cao. Đây là những điểm rất giống với nghề giáo viên em đã được học trong trường” – Tuyết Dung nói.
Bước vào nghề phi công sau khi đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm và có thời gian đứng trên giảng đường nên Dung trưởng thành hơn so với Nhi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Dung lại ở phía gia đình khi bố mẹ cô hết sức bất ngờ bởi quyết định dừng việc giảng dạy để bắt đầu học lại một ngành mới rất tốn kém.
“Ba mẹ em bất ngờ lắm vì quyết định của em, gia đình cũng không có ngay một khoản tiền lớn như thế trong nhà để cho em đi học” – Dung chia sẻ.
Tuy nhiên, cựu giảng viên này cũng cho biết thêm, sau khi thuyết phục thành công, cô được gia đình hỗ trợ rất nhiều trong thời gian đi học ở bên Mỹ.
Khi được hỏi về tương lai sau này, Tuyết Dung gần như không có câu trả lời chính xác, cô khẳng định: “Thời điểm này em chỉ tập trung vào bay cho tốt để trở thành cơ trưởng!”. Dung thừa nhận rằng mình là cô gái dễ thay đổi nhưng đó cũng là cá tính riêng của cô.
“Ngày còn đi học, em rất thần tượng cô giáo dạy tiếng Anh nên đã quyết tâm thi vào Sư phạm để nối nghiệp cô. Nhưng ước mơ bao năm đó của em đã bị sức hút của nghề phi công cuốn mất. May mắn là con đường trở thành phi công của em cũng đã thành công” – cựu giảng viên tiếng Anh cười vui vẻ.
Trong ít phút ngắn ngủi trò chuyện với Tuyết Dung trước khi lên máy bay, cô vẫn không giấu ý định có thể quay về với bục giảng: “Làm phi công không giảm ước mơ đi dạy của em. Phải bay tốt mới có kiến thức để sau này giảng dạy cho những thế hệ học viên, phi công tiếp theo, nhất là phi công nữ”.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):