Cơ thể chúng ta chịu nhiều tác động về nhiệt (thực phẩm, thời tiết, môi trường...), do đó, một trong những căn bệnh liên quan đến nhiệt dễ gặp nhất là nhiệt miệng.
Nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng là hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm. Từ đó vi khuẩn dễ dàng tấn công vào khoang miệng, gây ra những vết lở loét ở lưỡi, nướu và các vị trí khác trong miệng. Ngoài ra do cơ thể bị thiếu hụt nước dẫn đến cơ nhiệt tăng cao, nóng trong người. Tuỳ theo cơ địa của mỗi người mà các vết lở loét xuất hiện nhiều hay ít, nhanh hay chậm, to hay nhỏ. Thực tế có nhiều người thường ăn đồ xào, chiên, ăn bánh mì, ăn mì gói hàng ngày, ít uống nước mà không bị nhiệt miệng là do cơ địa “mát”, khả năng miễn dịch cao. Ngược lại, có người kiêng khem đủ thứ vẫn bị bệnh này.
Nhiệt miệng là bệnh lành tính nhưng nó khiến bệnh nhân đau rát, khó chịu, ăn uống không ngon, giảm khả năng làm việc, học tập. Nguyên tắc cần và đủ để phòng và điều trị nhiệt miệng là làm mát cơ thể mọi lúc mọi nơi.
Bài thuốc dân gian điều trị nhiệt miệng
1. Ngậm chất chát trong miệng: Chất chát có tính sát trùng và làm săn da. Tốt nhất là ngậm nước trà tươi, trà đen đặc, quả sung, rau dấp cá, húng chanh (tần dày lá), vỏ xoài… có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, làm săn da, trừ thấp nhiệt ở bộ tiêu hóa, khử mùi hôi.
|
Sử dụng khế chua là cách chữa nhiệt miệng đơn giản. |
2. Uống nước khế chua: Khế tươi 2 - 3 quả, giã nát, đổ ngập nước sôi vào đun sôi một lúc, chờ khi thuốc nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày. Lựa loại khế chua, giúp sinh tân dịch nhiều hơn, thanh nhiệt cũng tốt hơn khế ngọt.
3. Cỏ mực: Rửa sạch, chỉ lấy lá, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần. Cỏ mực tính mát, có tác dụng thanh nhiệt. Màu đen của vị thuốc thuộc thủy, dùng để thanh nhiệt tả hỏa (viêm nhiệt, sưng lở loét). Kết hợp với mật ong vừa có tính sát trùng, vừa có tính thẩm thấu, hút chất nước ở vết thương khiến cho vi khuẩn, nhất là nấm không có điều kiện phát triển. Vì vậy, dân gian có kinh nghiệm dùng bài thuốc này chữa đẹn, đẹn vôi, tưa lưỡi của trẻ nhỏ, có công hiệu tốt.
4. Lá rau ngót: Rửa sạch, chỉ lấy lá, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần. Có tác dụng giống như cỏ nhọ nồi. Theo Đông y, lá và rễ đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc.
5. Lục nhất tán: hoạt thạch 6 phần, cam thảo 1 phần, trộn với mật ong cho sền sệt, dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần. Bài thuốc này dùng cho trẻ nhỏ rất thích hợp. Hoạt thạch thanh nhiệt, tả hỏa; cam thảo giải nhiệt độc; 2 vị này phối hợp, là bài thuốc Đông y thường dùng để trị các chứng thử nhiệt (nắng nóng vào mừa hè) gây miệng lưỡi viêm, loét, họng đau… Kết hợp với mật ong, càng tăng tác dụng sát trùng, giải độc, tiêu viêm.
6. Thuốc đắp ở chân: ngô thù du, tán bột nhuyễn. Mỗi lần dùng 8g (2 thìa cà phê thuốc bột), cho vào một cái chén, dùng dấm nấu cho sôi, đổ dần dần vào bột thuốc, quấy đều cho đến khi thành dung dịch sền sệt là được. Dùng dung dịch thuốc này, bôi vào giữa lòng bàn chân, rồi dùng băng băng lại, để khoảng 2 giờ thì gỡ ra. Ngày làm 1 lần vào buổi tối càng tốt. Phương pháp đắp ngô thì du ở lòng bàn chân, Đông y gọi là cách “dẫn hỏa hạ hành”. Hỏa ở đây là nhiệt đang làm lở loét, viêm sưng ở miệng, lưỡi. Khi hỏa nhiệt ở miệng lưỡi bị thuốc ngô thù du dẫn xuống, sẽ làm cho miệng lưỡi hết sưng và khỏi. Có nhiều khi hiệu quả đến một cách nhanh chóng không ngờ.
7. Cùi dừa: Nghiền nát vài mảnh cùi dừa, sau đó ép lấy nước và dùng để súc miệng khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày.
8. Cà chua: Các bài thuốc Đông y cho thấy cà chua là loại quả có tính bình, vị chua, hơi ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên nhai cà chua sống là cách làm rất công hiệu trong trường hợp này. Hoặc bạn cũng có thể ngậm nước ép cà chua mỗi ngày khoảng 3 – 4 lần, sẽ có tác dụng rất tốt.
9. Vỏ dưa hấu: Theo Đông y, vỏ dưa hấu có tính hàn, thường để điều trị các bệnh nóng trong, có tác dụng thanh nhiệt giải độc nên có thể dùng vỏ dưa hấu để chữa nhiệt miệng, lở miệng.
Lấy 50g vỏ dưa hấu đem sao vàng, tán thành bột, trộn cùng một ít mật ong và bôi vào chỗ lở 1-2 lần/ ngày.
10. Củ cải trắng: Giã củ cải sống 300g rồi vắt lấy nước hòa thêm một ít nước lọc, súc miệng ngày 3 lần, dùng 2 ngày khỏi.
Phòng tránh nhiệt miệng
1. Hạn chế các chất cay nóng, đặc biệt trong ngày hè nóng nức. Không chỉ khiến cơ thể bị nhiệt, loét miệng mà nó còn khiến bạn bị nổi mụn, nóng gan, gây mẩn ngứa, tích tụ độc tố cho gan.
2. Không uống rượu bia, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn ngọt,…
3. Tăng cường ăn những thực phẩm mát, có tính giải nhiệt, mát gan cao để giúp cơ thể thanh nhiệt.
4. Uống thật nhiều nước để giải tỏa nhiệt trong cơ thể.
5. Thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Nhiệt miệng không nên ăn gì?
1. Nên tránh những thực phẩm cay nóng: Bị lở miệng nên tránh các loại gia vi cay nóng như tỏi ớt, tiêu, các loại nước mắm… và một số đồ ăn mang tính chất nóng như thịt chó, thịt gà…. sẽ làm cho bệnh càng trầm trọng hơn.
2. Hạn chế những thứ có nhiều gia vị, axit như trái cây họ cam, quýt…. hay những đồ ăn quá cứng, giòn.
3. Không nên uống những đồ uống có cồn, cafein khi bị lở miệng, ngoài ra hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng loét miệng bị viêm nặng hơn.
4. Ngoài ra, bạn nên chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đây là điều rất quan trọng bởi vì vi khuẩn trong khoang miệng là một trong những nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh lở miệng. Vì thế việc chăm sóc vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng cách chải răng đúng cách, súc miệng nước muối ấm thường xuyên, sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn trên răng.
5. Nên tránh những tình huống gây stress không chỉ là nguyên nhân hình thành nên những vết giộp khó chịu mà còn suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):