Cô và anh gặp nhau trong một buổi liên hoan văn nghệ giữa hai trường đại học. Nam chẳng hiểu sao mình cứ bị thu hút bởi sự năng động cá tính của Hạnh. Rồi anh làm quen và tán tỉnh đến 1 năm cô nàng mới đổ. Họ yêu nhau từ đó.
Nam sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc vì thế mà anh mang chuẩn mực của một chàng trai Hà Thành chính hiệu. Anh chỉn chu, nghiêm túc, yêu là xác định cưới cô làm vợ. Chính vì thế, Nam nhanh chóng dẫn cô về giới thiệu gia đình. Trước khi giới thiệu, anh đã dặn dò kỹ lưỡng người yêu về những quy tắc trong gia đình mình để Hạnh có thể nắm rõ và lấy điểm trong mẹ chồng. Tuy nhiên, ngày ra mắt, cô vẫn bị mẹ Nam bắt lỗi. Bà chê Hạnh đủ điều, từ khâu nấu ăn đến lời ăn tiếng nói chẳng được điểm gì. Bà muốn con trai lấy một cô gái gốc Hà Nội để giữ truyền thống của gia đình bởi "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" nhưng Nam gạt đi, cho rằng mẹ mình thật cổ hủ.
|
Hạnh có cố gắng hòa hợp với nhà chồng đến mấy thì mẹ chồng vẫn chê bai cô. Ảnh minh họa. |
Dù bà có ngăn cản và chì chiết con trai chẳng biết chọn cô vợ khéo léo nhưng vì hai người yêu thương nhau hết mực nên họ vẫn quyết cưới nhau. hạnh nhủ rằng, lấy nhau về chắc bà sẽ đỡ khắt khe hơn.
Thế nhưng lấy về mới biết, cô dâu hiện đại khó chung sống với một bà mẹ chồng cổ hủ thế nào.
Những ngày đầu tiên, mẹ chồng đã bắt Hạnh học một lô một lốc các quy tắc trong gia đình, nào là đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Cấm cô có đi dép loẹt cà loẹt quẹt trong nhà. Rồi không được cười ra tiếng, ăn cơm thì phải nhai nhẹ nhàng, không được gắp 2 loại thức ăn cùng một lúc vào bát. Chưa hết, ăn mặc phải thật kín đáo, không được mặc váy trong nhà, đông hay hè cũng phải mặc quần dài chấm mắt cá chân, dày dép cao vừa phải... Hạnh đến điên đầu với những quy định của nhà chồng.
Để được lòng mẹ chồng, ngày nghỉ Hạnh chẳng được nghỉ tay nghỉ chân, cô phải “lăn” ra lau dọn, giặt giũ rèm cửa, đánh lại ghế da, giặt đệm, lau tỉ mỉ từng khe cửa, góc tủ. Suốt 5 năm lấy nhau, chẳng bao giờ cô và chồng được ra ngoài ăn hàng bởi bà kêu ca mất vệ sinh và toàn những món tân thời ăn chẳng vừa miệng.
Đến khi đứa con ra đời, cô cũng không có tiếng nói trong nhà bởi mẹ chồng luôn chì chiết cô "không có lễ giáo" và bà giành phần dạy con gái cô, để nó có thể trở thành một cô gái "Tràng An" nhẹ nhàng nhỏ nhẹ như bà vẫn nói. Chồng Hạnh lại là dân công trình, anh đi xa triền miên quanh năm suốt tháng, cô chẳng có ai bên cạnh tâm sự, tỉ tê nhỏ to. Vì thế nỗi buồn, nỗi cô đơn trong cô cứ ngày một lớn, trở thành một cục u lớn trong lòng không thể nào hóa giải. Dần dần, để tránh quan hệ mẹ chồng nàng dâu căng thẳng, Hạnh đi làm về đến nhà hoàn thành việc nấu nướng, nhà cửa xong là chui vào phòng chẳng giao tiếp với ai.
Nam đi công tác xa về, thấy gia đình mình ủ dột chẳng nhiều tiếng cười vui vẻ và anh cũng chán. Nam nhìn vợ chẳng còn là cô gái hoạt bát như xưa, mẹ anh thì cứ về đến nhà lại chì chiết anh rằng không biết chọn vợ, một đứa con dâu vụng về, lại còn không chịu sinh con trai, chẳng được một cái điểm nào. Anh chán nản trốn tránh cuộc sống ngột ngạt của gia đình, cứ đi triền miên cả năm cả tháng.
Trong thời gian đó, có một cô gái mà mẹ chồng Hạnh giới thiệu là con bạn dì thường xuyên lui tới nhà. Lan cũng chẳng còn trẻ nữa, 35 tuổi nhưng chưa có chồng. Cô ấy luôn đến nhà Hạnh mỗi khi Nam về, rồi vào bếp phụ giúp mẹ chồng Hạnh nấu ăn, cùng bà đi lễ chùa, đưa bà đi mua sắm. Mẹ chồng Hạnh luôn miệng khen "con bé là con nhà gia đình gia giáo, gái Tràng An chính gốc đấy, đáng lẽ nó đã được gả cho thằng Nam nhưng cô cướp mất khỏi tay nó cho nên giờ nó mới ở vậy mãi". Hạnh cũng ậm ờ chẳng để ý, cô nào biết mẹ chồng đã có âm mưu mang cô gái Tràng An ấy về thay thế vai trò của cô trong gia đình.
Chẳng biết mẹ chồng của Hạnh làm thế nào mà chỉ trong vòng mấy tháng Nam đã tỏ thái độ với vợ mình. Từ trước đến giờ, anh chẳng bao giờ chê vợ, ấy thế mà giờ đây anh buông những câu chẳng khác gì mẹ, rằng Hạnh vụng về, Hạnh không biết chiều chuộng mẹ anh, rồi có mấy tí lễ giáo của người Hà Nội mà cô cũng chẳng học được món nào cho ra hồn. Rồi dần dần cô cũng biết chuyện chồng mình cặp bồ với Lan. Hạnh đón nhận tin ấy chẳng bất ngờ vì mẹ chồng cô đã ám chỉ và ẩn ý cho cô trước đó. Hạnh chỉ buồn cho một tình yêu 4 năm đại học thật đẹp. Buồn cho lòng dạ của người đàn ông sớm thay đổi.
Hạnh chẳng trụ được ở cái nhà đó bao lâu. Mẹ chồng ý muốn cô ra khỏi căn nhà càng sớm càng tốt và nói thẳng với cô là không chấp nhận người con dâu như Hạnh. Bà ấy còn nhấn mạnh rằng, giá như ngay từ đầu Nam đừng cãi mẹ và chịu cưới một cô gái Tràng An thì bây giờ anh đã chẳng cặp bồ, gia đình đã chẳng xảy ra bi kịch như thế.
Mẹ con Hạnh bước ra căn nhà đó, cô không hề luyến tiếc, cô đã biết sẽ một ngày phải ra đi, chỉ không ngờ nó đến sớm như vậy. Cô sẽ xem như cuộc hôn nhân này là quá khứ sai lầm, để làm lại cuộc đời mình và sống một cuộc sống đúng nghĩa của mẹ con cô.