Trong buổi hẹn hò cà phê chiều, Thanh Hiền (26 tuổi, Nghệ An) bất ngờ khi nghe người chị chơi thân nhiều năm là Hằng (kế toán viên, 27 tuổi) tâm sự chuyện muốn bán căn chung cư sau mấy năm mua trả góp.
Cách đây 3 năm, Hằng cùng chồng quyết định mua chung cư ở quận Hà Đông (Hà Nội). Gia đình hai bên ở quê đều không dư dả. Đôi trẻ khi ấy trong tay chỉ có vài trăm triệu tiền tiết kiệm vẫn quyết "làm liều", đặt cọc rồi trả góp theo tháng.
Kết hôn chưa đầy một năm, Hằng sinh con đầu lòng. Tiền lương của cô và chồng vừa trang trải tiền nhà, vừa mua tã sữa cho con và sinh hoạt phí.
"Mấy năm qua, chị cảm thấy ngột ngạt quá. Tháng nào cũng phải trả tiền nhà. Muốn mua bộ quần áo mới phải tính trước tính sau, rồi lại cất tiền vào túi chẳng dám chi. Cả năm nhìn bạn bè đi du lịch mà phát thèm", Hằng tâm sự với Hiền.
|
Mua nhà sớm, vợ chồng Hằng phải gánh khoản nợ lớn. Ảnh: Realtor. |
Năm 2018, chồng Hằng được đề bạt lên chức trưởng chi nhánh ở Đà Nẵng của công ty xuất nhập khẩu. Do dự khi vợ con đều ở Hà Nội, nhưng vì không muốn bỏ lỡ cơ hội thăng tiến, anh đồng ý nhận công tác.
Sau một năm, cảm thấy công việc ở thành phố mới phát triển thuận lợi, ông xã Hằng bàn với vợ chuyển hẳn vào Đà Nẵng.
Căn chung cư đôi vợ chồng vất vả tằn tiện, tích cóp tiền suốt 3 năm đành phải sang tay cho người khác khi khoản nợ vẫn chưa kịp trả hết.
Hằng cảm thấy hối tiếc với quyết định mua nhà ngày đó khi công việc cả hai chưa ổn định, kinh tế chưa vững vàng.
Trong khi một số người như vợ chồng Hằng đề ra mục tiêu "an cư rồi mới lạc nghiệp", quyết tâm mua nhà ở thành phố trước tuổi 30, nhiều người trẻ khác không mặn mà với việc sở hữu một căn nhà riêng khi kinh tế chưa dư dả.
Thay vì gom góp mua nhà, ngày càng có nhiều người chọn dùng tiền để đầu tư phát triển, thực hiện ước mơ hay đáp ứng nhu cầu khác của bản thân khi còn trẻ.
Quyết mua nhà khi còn trẻ như tự trói chân mình
Không giống Hằng, sau gần 4 năm đi làm, Thanh Hiền chưa vội nghĩ đến chuyện mua nhà. Lắng nghe câu chuyện của người chị chỉ hơn mình một tuổi, cô càng cảm thấy quyết định của bản thân là đúng đắn.
Sau khi du học ở Nhật Bản, cô về nước và làm giáo viên dạy tiếng Nhật kiêm biên dịch hồ sơ tại trung tâm với mức lương gần 20 triệu đồng.
|
Nhiều người trẻ sợ cảnh phải chắt bóp trả nợ hàng tháng nếu quyết định mua nhà. Ảnh: Archisnapper. |
Suốt thời gian làm việc tại Hà Nội, Hiền thuê trọ vài ba chỗ. Mỗi lần đổi công ty, cô lại chuyển phòng để gần chỗ làm, tiện việc đi lại.
Hơn nữa, Hiền không dự định làm việc lâu dài ở thủ đô, mà luôn muốn thử sức ở Sài Gòn hoặc trở lại Nhật để học thêm một bằng nữa về kinh doanh.
Trong lòng ấp ủ nhiều dự định, Hiền sợ bản thân sẽ bị "trói chân" khi ra quyết định nếu đã mua nhà để định cư ở thành phố nhộn nhịp này.
"Nếu mua nhà ở Hà Nội, mình sẽ phải trả nợ 3-4 năm, khi đó chưa chắc mình còn sống ở đây nữa.
Trong thời gian đó, nếu lấy số tiền kiếm được đầu tư kinh doanh hoặc thực hiện những dự định khác, mình sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền nhiều hơn", Hiền nói.
Cô cho rằng đến một lúc nào đó, mình cũng sẽ mua nhà nhưng không nhất định phải là ở Hà Nội, Sài Gòn hay một thành phố lớn nào.
"Với mình, cơ hội cho sự nghiệp còn nhiều. Khoảng 10 năm nữa có lẽ mình đang ở quê dạy lũ trẻ con tiếng Nhật hoặc đã định cư ở nước ngoài rồi. Mình cũng giống nhiều thanh niên bây giờ, trong thế giới rộng mở, mình thấy không phải vội lo chuyện nhà cửa quá sớm", Thanh Hiền nói.
|
Nhiều người trẻ chấp nhận ở nhà thuê, để dành tiền đầu tư cho những dự án hay trải nghiệm cá nhân. Ảnh: Baltimore Magazine. |
Theo Urban Institute, tại Mỹ, số lượng thanh niên thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) ở khoảng 25-34 tuổi sở hữu nhà thấp hơn nhiều so với thế hệ X (sinh năm 1960-1980) khi có cùng độ tuổi.
Một trong những nguyên nhân chính là do giá nhà đất ở các thành phố lớn rất đắt đỏ và không ngừng tăng lên. Trong khi đó, nhiều người còn phải vật lộn để trả các khoản nợ sinh viên.
Bên cạnh đó, xu hướng kết hôn ngày càng muộn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc người trẻ thường không muốn mua nhà vì chưa cần ổn định sớm.
Trong một bài trả lời phỏng vấn trang CNBC, tỷ phú tự thân người Mỹ Grant Cardone (sinh năm 1958) từng phát biểu ông đã rất sai lầm khi từng mua nhà vào năm 30 tuổi.
Theo ông, nhà là cái "bẫy" ngăn cản người trẻ đến với thành công trên con đường sự nghiệp.
Vị tỷ phú giải thích sở hữu một căn nhà đồng nghĩa với mỗi ngày "tiền sẽ bay ra khỏi túi" bởi những khoản như thanh toán thế chấp, thuế bất động sản cũng như chi phí sửa chữa.
Doanh nhân Phạm Thanh Hưng - nổi tiếng với vai trò nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam - cũng cho rằng việc mua và sở hữu một căn nhà ở tuổi còn quá trẻ, chưa có đủ tiềm lực kinh tế là không thông minh.
"Mua một cái nhà khi các bạn chưa đủ tiềm lực tài chính là gánh nặng rất lớn cho tuổi trẻ, phải trả lãi, mất hết tất cả các cơ hội, lúc nào cũng chỉ cắm vào việc kiếm tiền để trả lãi, chưa nói gì trả tiền gốc", Shark Hưng nói.
|
Kinh tế chưa dư dả nhưng vẫn mua nhà, người trẻ phải dành hết tiền kiếm được để trả nợ. Ảnh: Pikbest. |
Không muốn cả thanh xuân đi trả nợ
Sống và làm việc ở TP.HCM đã ngót nghét 16 năm, Công Đại (34 tuổi, nhân viên kỹ thuật của công ty cơ khí) vẫn ở nhà thuê.
Với mức lương chỉ hơn chục triệu đồng một tháng, anh không dám nghĩ đến chuyện mua nhà Sài Gòn bởi "sức đâu mà trả nợ mấy tỷ".
"Trước đây, mình có lúc nghĩ sẽ mua chung cư hay một mảnh đất và xây nhà ở thành phố. Nhưng với số tiền mình kiếm được không biết tới khi nào mới đủ để trả. Mình không muốn nghĩ đến chuyện phải vay rồi cày cuốc từ năm này qua tháng khác để trả món nợ đó", Đại bày tỏ.
Thay vì cố sức mua được nhà thành phố, anh gửi tiền về để cha mẹ xây nhà ở quê và còn để ra được một số vốn. Đại dự định làm thêm vài năm nữa sẽ rời công ty, về quê mở một xưởng cơ khí và tự mình làm chủ.
|
Với những người có thu nhập không cao như Đại hay Cúc Phương, việc sở hữu một căn nhà ở thành phố là mục tiêu xa tầm với. Ảnh: NPR. |
Nguyễn Thị Cúc Phương (23 tuổi, nhân viên văn phòng) từng ấp ủ mơ ước mua một căn nhà tại Sài Gòn. Nhưng sau hơn một năm đi làm, ý định ấy đã "nguội lạnh".
"Nhìn vào thực tế, mình không nghĩ có thể mua được nhà ở thành phố này. Mình không muốn dành cả thanh xuân để đi trả nợ", Cúc Phương nói.
Thay vào việc tính toán chuyện an cư, cô nàng 9X góp tiền để đi du lịch, thỏa đam mê xê dịch của mình.
Sau một năm đi làm, cô dành số tiền tiết kiệm đi một vài địa điểm trong nước, rồi du lịch sang Singapore, Malaysia. Đi nhiều, cô có những trải nghiệm mới, thấy bản thân có thêm giá trị.
Với Cúc Phương, đó mới thực sự là những trải nghiệm xứng đáng với tuổi trẻ của mình, điều khiến cô không hối tiếc.
"Với mình, sở hữu một căn nhà không còn là mục tiêu số một như ông bà mình ngày xưa nữa. Cứ phấn đấu lập nghiệp trước, phát triển bản thân rồi tự khắc sẽ an cư", cô nàng 9X nói.