Căn hộ của tôi ở khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) với diện tích 67m2, gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng bếp, 1 nhà vệ sinh.
Hai vợ chồng tôi mua nhà năm chúng tôi tròn 30 tuổi, sau 4 năm cưới nhau và có 1 cô con gái nhỏ 3 tuổi.
|
Hai vợ chồng tôi mua nhà khi trong tay chỉ có hơn 200 triệu. |
Quyết định liều lĩnh
Hai vợ chồng tôi đều có công việc ổn định. Vợ tôi làm kế toán, mức lương 7 triệu/tháng, tôi làm bên công ty xây dựng trung bình 10 triệu/tháng.
Nói thực lòng, việc mua nhà Hà Nội là mơ ước và khao khát của tất cả những người lao động tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp, trong đó có vợ chồng tôi. Mới đầu, khi nghĩ tới việc mua nhà ở Hà Nội, hai vợ chồng tôi đều cảm thấy lo lắng vì giá nhà cao, không biết khi nào mới tích cóp được số tiền lớn trên dưới 1 tỷ để mua nhà.
Bên cạnh đó, còn chi tiêu, sinh hoạt, nuôi con...
Năm 2017, sau 4 năm tích cóp, dành dụm từ tiền mừng cưới, tới lương thưởng hàng năm, hai vợ chồng tôi có một sổ tiết kiệm hơn 200 triệu.
Nhưng với hơn 200 triệu, thì mua nhà ở đâu để vừa có giá bình dân lại không quá xa chỗ đi làm của 2 vợ chồng? Hai vợ chồng xác định là mua nhà trả góp nhưng làm sao biết dự án nào là uy tín bởi chúng tôi phải mua nhà thuộc các dự án đang xây dựng?
Rồi thì tìm ngân hàng nào để có lãi suất tốt nhất khi có rất nhiều ngân hàng quảng cáo cho vay mua nhà nhưng lãi suất lại tăng theo từng năm?
Chọn xa giá rẻ nhưng...
Hàng loạt các vấn đề mà hai vợ chồng tôi phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng. Đầu tiên, hai vợ chồng xác định mua nhà cách chỗ làm từ 10 - 12km, ưu tiên chỗ gần trường học để có thể gửi con thuận tiện.
Thứ hai, tôi nhờ người hỏi lên các đơn vị uy tín, kể cả Sở Xây dựng Hà Nội để nắm được tính pháp lý của các dự án.
Thứ ba, qua nhiều kênh, tôi nắm được lãi suất của một số ngân hàng thương mại, tham khảo 3 ngân hàng, các nhân viên tư vấn của các ngân hàng gửi cho tôi bảng chi tiết mức lãi cùng số gốc phải trả hàng tháng để tôi xem mức thu nhập của mình có thể đáp ứng được không.
|
Nhờ quyết tâm, 2 vợ chồng tôi đã mua được căn nhà nhỏ. |
Lựa chọn ngân hàng
Qua 2 tháng tìm hiểu khắp các dự án, được sự tư vấn của một người bạn là "chuyên gia bất động sản" (tôi vẫn gọi nó thế vì sau khi học xong đại học xây dựng, nó đam mê với buôn đất nên mở văn phòng tư vấn), tôi chọn căn 67m2, có giá 11,5 triệu/m2 trong khu đô thị Thanh Hà. Tổng 770 triệu đồng.
Nhà đầu tư tạo điều kiện để chúng tôi trả trước 30% là 231 triệu, còn 70% (539 triệu) vợ chồng tôi sẽ trả góp trong thời hạn từ 10 - 25 năm. Sau khi tính toán, chúng tôi làm hồ sơ vay trong 10 năm, lãi suất 10.5%/năm. 6 tháng đầu tiên, chúng tôi được vay với lãi suất ưu đãi 8%/năm, sau đó áp dụng mức lãi suất thả nổi.
Căn cứ vào thu nhập của hai vợ chồng, chúng tôi chọn cách trả theo dư nợ giảm dần. Mỗi tháng, số tiền gốc phải trả là 4,49 triệu, lãi tháng cao nhất là 4,6 triệu.
Với mức thu nhập 18 - 20 triệu/ tháng, chúng tôi trả đúng hạn hàng tháng ngân hàng. Bên cạnh đó, hai vợ chồng luôn bàn với nhau sẽ cố gắng làm việc thêm, hạn chế chi tiêu để tích cóp, mỗi năm trả thêm vài chục triệu để trả hết số nợ sớm hơn thời hạn vay, tránh lãi suất kéo dài.
Lựa cơm gắp mắm, cố gắng cho tổ ấm
Năm 2017 chúng tôi đăng ký mua nhà, đợi 1 năm thì dự án hoàn thiện, chúng tôi đã nhận nhà và chuyển về ở 1 năm. Ngoài số tiền hàng tháng vẫn trả, vợ chồng tôi trả thêm được 90 triệu, giảm số tiền lãi phải trả xuống.
So sánh một chút với ngày chưa mua nhà, đi thuê trọ. Mỗi tháng chúng tôi cũng phải bỏ ra 3,5 triệu để thuê nhà mà không gian chật chội hơn, cũ hơn và đặc biệt mãi mãi không phải thuộc sở hữu của mình.
Chưa kể, chung cư tôi sống rất sôi nổi các hoạt động chung, đoàn kết, gắn bó, môi trường sống lành mạnh, vui vẻ.
Hi vọng, câu chuyện của tôi sẽ giúp các bạn có thêm động lực, quyết tâm để tìm những căn nhà phù hợp để mua, dù trong tay chỉ có 200 - 300 triệu đồng.