Ai đứng đằng sau cơn sốt đất nền vùng ven TP.HCM?

Google News

Quận 9 (TP.HCM) được xem là tâm điểm cơn sốt đất nền. Cảnh người dân xếp hàng làm các thủ tục liên quan đến đất đai cộng với giá đất bị đẩy lên cao khiến nhiều người dự đoán giá đất nền sẽ lại vượt đỉnh năm ngoái.

Quay cuồng với giá đất thay đổi từng ngày
Theo khảo sát của PV Infonet, giá đất tại hầu hết các tuyến đường huyết mạch của quận 9 đều đang nhảy múa, tăng mạnh so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Như lô đất 60m2 mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu đang được chủ rao bán với giá 2,5 tỷ đồng, cam kết có sổ riêng. Đất tại khu vực vòng xoay Phú Hữu có giá lên đến 39 triệu đồng/m2. Chủ lô đất mặt tiền nơi đây đang rao bán lô đất 100m2 với giá gần 4 tỷ đồng.
Mức giá đa dạng phải kể đến khu vực đường Lò Lu, phường Trường Thạnh và đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9. Giá đất nơi đây dao động từ 20 – 40 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí. Giá đất trên đường Nguyễn Xiển cũng được cò đất bơm thổi với lý do hạ tầng giao thông sắp hoàn thiện, lại gần Bến xe miền Đông mới.
 Đất nền vùng ven TP.HCM đang trong cơn sốt.
Theo ông C, một cò đất địa phương, giá đất nền tại quận 9 đã tăng gần gấp đôi so với 6 tháng trước. Ông C. cho biết, cách đây 1 tuần ông có mua lô đất diện tích 4x18m gần Khu công nghệ cao TP.HCM với giá 2,08 tỷ đồng. Nay có người trả chênh 300 triệu đồng nhưng ông chưa bán vì với đà này giá đất còn cao nữa.
Ngoài quận 9, giá đất nền tại các vùng ven của quận 2, 12 hay huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… cũng lên cơn sốt. Nhân viên sale của một dự án đất nền ở huyện Củ Chi tiết lộ, đa số khách hàng đến địa phương săn đất là những đại gia phía Bắc. Có người gom cả chục hecta chờ thời.
Còn theo số liệu từ các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở các địa bàn nói trên, trong 3 tháng đầu năm 2018, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nền rất sôi động.
Cụ thể, huyện Củ Chi dẫn đầu với 13.866 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng, mua bán; Quận 9 đứng thứ hai với 7.000 hồ sơ. Tiếp đến là huyện Bình Chánh với 6.174 hồ sơ; Quận 12 có 5.358 hồ sơ; Huyện Hóc Môn 3.357 hồ sơ và quận 2 có 2.704 hồ sơ.
Nhà đầu tư cần thận trọng, tránh "ôm bom" khi mua đất nền
Không chỉ các quận, huyện vùng ven TP.HCM, giá đất nền ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Long An cũng nóng lên từng ngày. Những ngày cuối tuần, hình ảnh từng tốp xe ô tô từ TP.HCM đổ về các tỉnh săn đất không còn xa lạ.
Tại Đồng Nai, theo tìm hiểu của PV Infonet, giá đất tăng mạnh nhất là tại các dự án đất nền ở TP. Biên Hoà. Tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám giá đất dao động từ 50 – 80 triệu đồng/m2. Thấp hơn một chút là đất trên đường 30/4, từ 50 – 70 triệu đồng/m2. Mức giá này đã tăng 20% so với thời điểm trước Tết Mậu Tuất.
Đất nền ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng nóng sốt không kém khi cuối tuần qua, một dự án hơn 3.000 lô đất nền đã được nhà đầu tư xuống tiền, đặt chỗ hết sạch.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, TGĐ Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh cho hay, đất nền vùng ven đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Những dự án có kết nối hạ tầng tốt đang thu hút nhà đầu tư, có người gom cả chục lô đất nền để đón đầu. Tuy vậy giá đất tăng cao bất thường là điều nhà đầu tư nên cẩn trọng.
 Nhà đầu tư tìm mua đất tại một dự án ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, TGĐ Công ty cổ phần BĐS EximRS, giá đất ở quận 9, TP.HCM đang bị đẩy lên quá cao, vượt quá giá trị thực. Điều này khiến cho những người có nhu cầu mua nhà thật lại khó tiếp cận, nhà đầu tư mua sau thì như “ôm bom” vì giá trị quá ảo.
Trong khi đó, một cò đất lâu năm tại quận 9 cho hay, giá đất tại các tuyến đường có kết nối hạ tầng tốt như Đỗ Xuân Hợp và Liên Phường tăng cao nhất, từ 20% đến 25%. Còn các tuyến đường khác chỉ tăng từ 5% - 10% so với trước Tết.
Theo cò đất này, giá đất chỉ tăng nhẹ ở những lô có diện tích nhỏ từ 50 – 70m2, giao dịch ở mức 18 – 22 triệu đồng/m2. Các lô đất diện tích lớn đang vướng Quyết định 60 quy định về diện tích tối thiểu tách thửa nên nhiều chủ đất không bán được, thậm chí rao bán lỗ để thu hồi vốn.
“Đất quận 9 đạt đỉnh sốt từ giai đoạn năm 2015 – 2016, giá đất hiện nay ở nhiều tuyến đường đã kịch trần, không còn tăng được nữa. Còn việc người dân xếp hàng dài làm thủ tục là do trụ sở UBND quận đang xây lại nên mọi hồ sơ từ đất đai đến xây dựng đều dồn về nơi làm việc tạm của Văn phòng tiếp nhận, hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hồ sơ hành chính” - vị cò đất này giải thích.
Tại cuộc họp với sở ban ngành về tình hình thực hiện Quyết định 60 quy định diện tích tối thiểu tách thửa mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: Tình trạng sốt đất trên địa bàn có nguyên nhân từ một số đối tượng tung tin không đúng sự thật, thổi phồng giá trị đất để trục lợi.
Theo ông Tuyến, có hiện tượng tiếp tay tăng giá đất ảo, đưa ra thông tin sai lệch đẩy giá đất tăng cao. Do đó, trước những thông tin sốt đất, người dân cần cảnh giác, không nên đầu tư theo tin đồn. Nếu muốn mua đất thì nên liên hệ với chính quyền địa phương để tìm hiểu quy hoạch cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, chính quyền không can thiệp sâu vào thị trường nhưng không để các đối tượng tung thông tin sai lệch để trục lợi từ giá đất ảo. Bởi người dân và chính quyền sẽ lãnh hậu quả từ hành vi này.
Theo Phương Anh Linh/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)