Câu hỏi về những đứa trẻ có vấn đề về tâm lý, bị bệnh tự kỷ nhưng lại có năng lực rất đặc biệt lâu nay vẫn được nhiều người đặt câu hỏi là: Có thật hay không? Theo các chuyên gia về lĩnh vực này, điều đó là hoàn toàn có thể xảy ra đối với những đứa trẻ có vấn đề về
tâm lý hay mắc bệnh tự kỷ.
“Thần đồng” tự kỷ không hiếm
Thực tế đã chứng minh, không ít những “thần đồng” mới khoảng 3 đến 4 tuổi nhưng đã biết đọc, biết viết, biết tính toán hoặc am hiểu về âm nhạc, hội họa…Tuy nhiên, để lý giải về vấn đề này, hiện vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ đối với các nhà khoa học.
Tiêu biểu là trường hợp bé N.H.P ở Trung tâm Tư vấn trẻ có nhu cầu đặc biệt Ánh Dương (thuộc hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam). Bà Nguyễn Thị Tú Anh, GĐ Trung tâm cho biết, đây là trường hợp trẻ bị rối nhiễu tâm lý rất nặng, nếu người ngoài nhìn những hành động của bạn ấy thì rất “khó hiểu” và cho là không phù hợp.
|
Trẻ tự kỷ có năng lực bác học không hề hiếm. Trong ảnh: bà Nguyễn Thị Tú Anh đang dạy trẻ tại Trung tâm. |
Tuy nhiên, P. lại có năng khiếu rất đặc biệt đó là hội họa. Điều đáng nói, mỗi khi vẽ tranh P. rất say mê và có thể về bất cứ ở nơi đâu, hơn nữa những bức tranh P. vẽ không chỉ đơn giản chỉ là thỏa sự đam mê hay vô hồn, mà đó là những bức tranh có bố cục, ý nghĩa và có nội dung truyền cảm rất lớn đối với người xem.
“Ngoài ra, còn có trường hợp khác cũng có khả năng rất “đặc biệt” tuy còn rất nhỏ, mắc bệnh tự kỷ nhưng có bạn có năng khiếu về vi tính. Bạn có thể tự mở mạng độc báo, cài đặt các phần mềm máy tính, những việc này nhiều khi người lớn chưa chắc đã làm được”, bà Tú Anh chia sẻ.
Cũng giống như ở Trung tâm Ánh Dương, tại khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng có một vài trường hợp có khả năng đặc biệt như vậy.
Ví dụ như trường hợp V.P.D. dù còn rất ít tuổi nhưng lại có trí nhớ “siêu phàm”, có thể nghe người lớn nói qua 1 lần rồi nói lại không sai một chữ hoặc có thể nhớ hết các số điện thoại, biển số xe dù mới chỉ nhìn thoáng qua hoặc nghe qua người khác nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc trẻ có năng khiếu về một lĩnh vực như vậy, nhưng các vấn đề khác lại không biết gì thì như vậy chưa được gọi là thông minh, mà đó là “có vấn đề”. Đơn giản như trường hợp có thể tính toán rất giỏi từ khi chưa đến tuổi đi học, nhưng đến khi hỏi lại tên mình là gì, bố mẹ tên gì, nhà ở đâu thì cháu lại không biết.
|
Cần phải có phương pháp dạy phù hợp để trẻ có vấn đề về tâm lý vừa phát huy năng lực hiện có, vừa hòa nhịp với cộng đồng. |
Vừa phát huy, vừa giáo dục toàn diện
Trước những trường hợp có thực trong thực tế như trên, Kiến Thức đã đặt ra câu hỏi rằng: Liệu khả năng này của trẻ chỉ là bột phát trong thời gian ngắn hay là sẽ tồn tại vĩnh viễn? Chuyên gia tâm lý và giáo dục đặc biệt Nguyễn Thị Tú Anh (GĐ Trung tâm Ánh Dương) cho biết: “Đối với trẻ có năng khiếu đặc biệt này thì nó sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng phải có điều kiện, đó là tư nhỏ mình theo dõi và phát hiện ra cái năng khiếu đó, đồng thời mình phải tạo điều kiện để nó phát triển năng lực đó một cách tốt nhất”.
Bà Anh lấy ví dụ cụ thể: “Ví dụ như trường hợp trẻ bị rối nhiễu tâm lý nhưng lại vẽ rất là đẹp, tuy nhiên bố mẹ lại không quan tâm đến việc bạn ấy vẽ, chỉ khi đi học các cô phát hiện ra và tạo điều kiện để bạn ấy vẽ thì bạn đó vẽ rất say xưa và tình hình tâm lý cũng được cải thiện khá nhiều”.
Lý giải vì sao lại có những trường hợp trẻ có vấn đề về tâm lý nhưng lại thông minh về một lĩnh vực như vậy? Bà Tú Anh cho biết, hiện khoa học vẫn chưa lý giải được hiện tượng này. Tuy nhiên, hiện tượng này xảy ra không nhiều, nó chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
“Nếu nói về khoa học, thì người ta gọi đây là năng lực bác học. Nhưng, nó chỉ được thể hiện ở một lĩnh vực nhất định. Vì thế, để vừa phát huy được thế mạnh này, đồng thời vừa giúp trẻ tự kỷ hòa đồng với cuộc sống thì chúng ta cần phải giáo dục một cách toàn diện”, bà Tú Anh chia sẻ.
Cũng đề cập đến vấn đề này, Bác sĩ Quách Thúy Minh, nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Đã là năng khiếu thì do bẩm sinh, nhưng nếu được bồi dưỡng trẻ sẽ phát triển tốt hơn. Trẻ tự kỷ không phát triển toàn diện được như những trẻ khác nhưng cần động viên khuyến khích tài năng của trẻ để trẻ tự tin hơn. Nếu có phương pháp dạy và tích cực rèn luyện cho tài năng ấy, trẻ tự kỷ sẽ đóng góp tài năng cho xã hội, không trở thành những người vô dụng”.
Tuy nhiên, theo BS. Minh để phát triển tài năng của trẻ tự kỷ là điều không dễ. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần tích cực dành thời gian cho con, đi học lớp hướng dẫn nuôi dạy trẻ tự kỷ để biết cách chơi với con, không nên để con chơi một mình. Cần giảm bớt thời gian xem ti vi và chơi máy tính của cháu.
“Điều này là tối cần thiết vì khi dành thời gian chơi và chăm sóc con, bố mẹ sẽ phát hiện và bồi dưỡng được tài tăng của trẻ. Chỉ có cha mẹ gần và hiểu con nhất còn cô giáo chuyên biệt thì cũng chỉ hỗ trợ 1 phần trong việc phát triển tài năng của trẻ”, BS. Minh nói.
Bài cuối: Cuộc đấu trí với những đứa trẻ "đặc biệt"