Chiều 17/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nghị quyết của Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định Luật chứng khoán.
Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đồng thời cho phép xác định việc đầu tư này thuộc dự án nhóm A. Hiện Ủy ban quản lý vốn nhà nước là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỉ lệ 86,19% cổ phần, phần còn lại là cổ đông chiến lược Ana Holdings (Nhật Bản).
|
Vietnam Airline liệu có được "giải cứu"? (Ảnh minh họa: KT) |
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận về “gói” giải pháp Quốc hội vừa thông qua cho Vietnam Airline: “Kinh nghiệm trên thế giới, các nước cũng giải cứu các doanh nghiệp lớn, có vai trò quan trọng bằng cách mua lại sở hữu, quốc hữu hóa rồi có phương án vực dậy. Trong trường hợp Vietnam Airline, Nhà nước đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn, theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2021, là doanh nghiệp Nhà nước, thì Nhà nước – với tư cách là chủ sở hữu, có các cơ chế đối với doanh nghiệp theo các quy định là bình thường”.
Nhìn lại sự việc, từ khi lãnh đạo Vietnam Airline báo cáo tình hình khó khăn hồi tháng 7, sau khi bị ảnh hưởng quá lớn từ đại dịch Covid 19, tại cuộc tọa đàm với Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện quản lý và kinh tế trung ương - thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cho rằng: “Chọn Vietnam Airlines là ví dụ cho vai trò chủ sở hữu của Chính phủ bởi các nước đều hỗ trợ ngành hàng không, trong đó các hãng hàng không quốc gia. Đây có thể là nhân tố đầu tiên phục hồi sau dịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế, du lịch... Trường hợp Vietnam Airlines rất thiếu thanh khoản, không chỉ ban lãnh đạo hãng, chủ sở hữu, các cổ đông cũng phải nghĩ xem làm cách nào để duy trì, tồn tại. Do đó, ông cho rằng không nên nói hãng đi xin hỗ trợ hay giải cứu từ Chính phủ - với vai trò chủ sở hữu”.
Còn theo chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, từ câu chuyện hỗ trợ Vietnam Airlines, đặt trong tổng thể nền kinh tế còn rất nhiều doanh nghiệp khó khăn cần hỗ trợ, rất cần thiết phải hình thành một mô hình tín dụng để hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, nhưng gặp khó khăn, trong các tình huống đặc thù như dịch bệnh, thiên tai, hoặc rủi ro bất khả kháng.
“Tôi đề xuất chính phủ thành lập một tổ hợp tín dụng hình thành từ các ngân hàng thương mại, do 1 ngân hàng thương mại mại đứng đầu, theo luật dân sự. Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động theo luật. Các ngân hàng này sẽ hình thành nguồn tín dụng, xem xét các dự án, cho vay, tài trợ tín dụng. Cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng để tổ hợp này hoạt động. Cơ chế này theo Nghị định 34 về bảo lãnh tín dụng đã có” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Nhìn nhận về việc chỉ Vietnam Airlines được thông qua giải pháp hỗ trợ, liệu có là công bằng với các hãng hàng không khác đang hoạt động, cụ thể là Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways, theo TS. Nguyễn Minh Phong, vấn đề đặt ra, nếu các doanh nghiệp này có đề xuất, trong trường hợp Chính phủ xem xét, dùng phương án mua lại sở hữu, thì các hãng này sẽ phải đổi chủ. Điều này phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng quản trị, các cổ đông - chủ sở hữu các doanh nghiệp này về phương án kinh doanh, hướng xử lý của doanh nghiệp, Nhà nước không can thiệp, do vậy, không nên đặt vấn đề công bằng trong trường hợp này.