Trồng sung Mỹ, nông dân Lâm Đồng “hái ra tiền“

Google News

Trồng sung Mỹ trong nhà kính cũng không yêu cầu chăm sóc quá nhiều. Nếu có đầu ra ổn định, cây sung sẽ giúp người nông dân có thu nhập đều đặn hằng ngày.

Mềm, ngọt, với màu tím đặc trưng, những trái sung Mỹ đến từ vùng đất cao nguyên đã mang đến cho thị trường loài trái cây có vị ngọt nhẹ nhàng.

Gia đình ông Nguyễn Đức Hiển, thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) vốn có truyền thống chăn nuôi. Giữa thời điểm “bão bệnh” con heo, ông Nguyễn Đức Hiển đã chuyển hướng sang trồng một loại cây đặc biệt: cây sung Mỹ.

Ông Hiển kể lại, dịch từ bầy heo đã khiến công việc chăn nuôi của ông rất khó khăn. Tìm hiểu, tham quan, tìm đầu ra..., ông Hiển quyết định trồng thử nghiệm cây sung Mỹ vào năm 2018. Ông Nguyễn Đức Hiển nhắc lại, khi ấy, cây sung Mỹ là cây trồng còn rất mới với người nông dân Lâm Đồng. Ông đã đến tận vườn sung Mỹ, học hỏi kĩ thuật, quy trình canh tác an toàn.

Ông cho biết, trái sung Mỹ thường được các nhà hàng Âu sử dụng kèm trong các món ăn. Với các nước châu Âu, châu Mỹ, đây là một loại cây rất phổ biến và dễ trồng.

Nhưng với Việt Nam, cây sung Mỹ thực sự không phải là loại cây dễ tính. Trồng sung yêu cầu cao về điều kiện chăm sóc để có những trái sung đạt tiêu chuẩn.

Trồng cây sung Mỹ quy mô lớn, người nông dân bắt buộc phải đưa sung vào nhà kính, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết. Khi trồng sung Mỹ ngoài trời, cây phát triển rất tốt. Nhưng, do trái sung Mỹ có vỏ mềm, vị ngọt nên chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết và côn trùng gây hại.

Khi trái sung Mỹ bắt đầu chín, chỉ cần gặp một cơn mưa là trái nứt. Hoặc, tới khi trái bắt đầu có vị ngọt, chim chóc, côn trùng sẽ tấn công ngay lập tức. Người nông dân gần như không thu hoạch được trái sung chín trọn vẹn.

Trong sung My, nong dan Lam Dong “hai ra tien“

Bẫy côn trùng trong vườn sung Mỹ ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, với khí hậu mùa mưa cao nguyên, cây sung Mỹ chịu ảnh hưởng rất lớn từ các bệnh và côn trùng gây hại. Vì vậy, khi trồng với quy mô lớn để cung cấp trái theo hợp đồng, cây sung cần được canh tác trong nhà kính đạt tiêu chuẩn.

 Để xây dựng nhà kính trồng sung, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, nhà kính phải cao hơn các nhà kính tiêu chuẩn dùng cho rau, quả vẫn được nông dân Đức Trọng xây dựng.

Ông Hiển đã lắp đặt hệ thống tưới sát gốc vì cây sung Mỹ ưa ẩm nhưng không chịu nước trên lá, tưới phun trên lá dễ dẫn đến nấm bệnh. Cây sung khá nhanh lớn, chỉ sau khi trồng từ 6 - 8 tháng, cây bắt đầu kết trái.

“Cây sung Mỹ là cây có nhị trong, vì vậy không có hoa ngoài như các loại cây bình thường khác. Trái mọc trực tiếp từ nách lá, từ khi có trái non tới khi thu hoạch được là 4 - 5 tháng. Tùy nhu cầu của khách hàng, tôi sẽ thu hoạch trái sung ở mức độ chín theo yêu cầu” - ông Nguyễn Đức Hiển cho biết đặc tính của trái sung Mỹ.

Cây sung Mỹ lớn rất nhanh, khi cành đạt tới độ dài nhất định, phải làm giàn sắt để chống đỡ cho những ngọn sung vươn cao. Trồng trong nhà kính, người nông dân thường đốn cành khi sung đạt chiều cao nhất định. Ông Nguyễn Đức Hiển thường đốn cành sau hai năm, những chồi sung được trẻ hóa sẽ lớn rất nhanh để thay thế.

Khi trồng sung trong nhà kính, cây sung canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, gần như không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết.

Trồng trong nhà kính, bố trí hệ thống quạt chống côn trùng, thổi trực tiếp khi mở cửa đã giúp hạn chế rất nhiều sự xâm nhập của sinh vật gây hại. Ngoài ra, trong vườn còn bố trí các bẫy côn trùng, góp phần hạn chế sự phát triển của các loại ruồi, sâu đục trái.

Hiện tại, vườn sung của gia đình ông Nguyễn Đức Hiển đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hầu hết là tại các nhà hàng. Ông Hiển hái sung theo ngày, bao gói đúng kĩ thuật và gửi tới người tiêu dùng. Ông cũng tự hào chia sẻ, trước đây, trái sung dùng tại Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu, nay nông dân Việt cũng đã trồng sung cung cấp cho thị trường thay thế hàng nhập khẩu rất nhiều.

Chia sẻ về một cây trồng còn rất mới với nông dân, ông Hiển khuyến cáo hai điều. Thứ nhất, phải tìm được đầu ra ổn định trước khi xuống giống vì trái sung Mỹ là loại trái cây khá kén người sử dụng, nếu cung cấp trên thị trường bình thường sẽ rất khó tiêu thụ. Thứ hai, phải học được kỹ thuật canh tác đúng, cho năng suất và chất lượng tốt.

Ngoài ra, ông Hiển cũng nhận xét, sung là loài cây sống lâu năm, trồng một lần và cho thu hoạch tới 20 năm. Trồng sung trong nhà kính cũng không yêu cầu chăm sóc quá nhiều, chỉ cần sử dụng phân hữu cơ vi sinh và một lượng phân MPK hợp lý. Nếu có đầu ra ổn định, cây sung sẽ giúp người nông dân có thu nhập đều đặn hằng ngày.

Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng thông tin, cây sung Mỹ là cây trồng mới của nông dân Bình Thạnh. Nhiều nông hộ đã làm nhà kính, trồng sung cho thu hoạch ổn định, chủ yếu cung cấp tại TP HCM.

Bình Thạnh cũng tổ chức một số hội thảo đầu bờ để người nông dân hiểu biết về cây sung Mỹ, giới thiệu đặc tính cũng như đầu ra của trái sung Mỹ để bà con nắm bắt. Được biết, một số nông trại trồng sung Mỹ cũng đang xúc tiến thành lập các liên kết trồng - bao tiêu sản phẩm trái sung, mở ra thêm một cây trồng hiệu quả cho người nông dân.

Theo Diệp Quỳnh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)