Thứ nhất, công trình xây dựng (tổ hợp The Choai Villa) là của ông Phạm Đức T., thường trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
Thứ hai, hành vi vi phạm của ông Phạm Đức T. đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trên đất lâm nghiệp tại thôn Lâm Trường xã Minh Phú đã được UBND xã Minh Phú kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm, đã ban hành Quyết định cưỡng chế theo quy định; UBND huyện nhiều lần chỉ đạo UBND xã Minh Phú xử lý dứt điểm các vi phạm trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay, UBND xã Minh Phú chưa tổ chức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
|
Công văn của UBND huyện Sóc Sơn xác nhận vi phạm của The Choai Villa tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. |
Như vậy, vi phạm của các công trình thuộc tổ hợp nghỉ dưỡng The Choai Villa là có thật, thậm chí huyện đã có quyết định cưỡng chế xử lý. Thế nhưng, vì lý do nào đó mà UBND xã Minh Phú - đứng đầu là Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hân lại không tiến hành xử lý.
Tại thời điểm phóng viên tìm hiểu về việc hoạt động của The Choai Villa trong khu vực rừng phòng hộ, muốn gặp đơn vị chủ quản để xác nhận hoạt động của tổ hợp nghỉ dưỡng này có đúng các quy định hiện hành không, người cầm số hotline của The Choai Villa chỉ trả lời ngắn gọn:
“Muốn biết sai hay không thì hỏi xã (UBND xã Minh Phú - Phóng viên) nhé”.
UBND xã Minh Phú có liên quan gì tới hoạt động của Theo Choai Villa vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Liệu việc chậm trễ không xử lý vi phạm tại The Choai Villa có liên quan đến câu nói trên?
Liên quan đến loạt vi phạm trong khu vực rừng phòng hộ thôn Lâm Trường, xã Minh Phú nói chung và vi phạm của The Choai Villa nói riêng, PV đã nhiều lần liên hệ Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hân, nhưng chưa có được câu trả lời cụ thể.
UBND xã Minh Phú liệu có nghiêm túc xử lý những vi phạm tại địa bàn mình quản lý? Ngoài The Choai Villa, liệu có còn bao nhiêu khu nghỉ dưỡng đã và đang xẻ thịt rừng phòng hộ của thôn Lâm Trường để kinh doanh?
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin./.
Hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 14. Lấn, chiếm đất
…
3. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
..
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
…
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này”.