Điểm nóng về xâm hại tài nguyên rừng
Rừng phòng hộ là loại rừng được sử dụng chủ yếu bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát, chống nạn cát bay, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Vai trò quan trọng là vậy, thế nhưng, hàng ngàn hecta rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn nói chung và thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) nói riêng đã và đang bị tàn phá, xâm lấn để xây dựng trái phép nhiều công trình phục vụ mục đích kinh tế của nhiều cá nhân và doanh nghiệp.
|
Thật khó có thể tin là một khu nghỉ dưỡng như Ngô Minh Villa lại được phép xây dựng "hoành tránh" thế này trong khu rừng phòng hộ |
Chỉ cách Ban quản lý Rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội hơn 2km là địa phận của thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. Nơi đây là tập hợp của hàng chục ngôi nhà vườn, homestay, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, bể bơi, vui chơi giải trí rộng hàng ngàn mét vuông, nằm dưới những tán rừng xanh vốn không nên chịu sự tác động của con người.
Bà N.T.N - một người dân địa phương ở thôn Lâm Trường cho biết, trước đây khu vực này chỉ toàn là rừng, thế nhưng nhiều năm qua, không ít đại gia, người có “máu mặt” ở Hà Nội lên đây mua lại đất vườn, đất rừng sản xuất của bà con để bê tông hóa khu rừng. Khoảng 05 năm trở lại đây, đã mọc lên không ít các khu nghỉ dưỡng sinh thái, nhà vườn, villa, biệt thự… dành cho khách từ nhiều nơi (đa số là Hà Nội) đến nghỉ dưỡng.
|
Công trình nhà ở tập thể tại The Choai Villa, được thiết kể để có thể phục vụ cho 03 gia đình cùng lúc |
Vào sâu trong khu vực thôn Lâm Trường, không khó để nhận ra các homestay, khu nghỉ dưỡng mang nhiều phong cách khác nhau như: Thiên Phú Lâm - Sóc Sơn, The Choai Villa Sóc Sơn, The Homie Sóc Sơn, The Moonlight, Nhà bên rừng U Lesa, Trà hoa viên Sóc Sơn, Ngô Minh Villa... cùng với đó là nhiều nhà vườn, nhà hàng sang trọng được xây dựng nằm ngay rừng phòng hộ.
Đáng lưu ý, các công trình vi phạm về đất rừng tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú đều đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động, kinh doanh lâu nay, thậm chí, một số công trình đang có dấu hiệu mở rộng, xây mới thêm. Những cái tên nêu trên còn được quảng cáo rất nhiều trên mạng xã hội Facebook, hay công cụ tìm kiếm Google cho người có nhu cầu tìm một điểm nghỉ ngơi, thư giãn tại Sóc Sơn.
|
Kinh doanh hoạt động trong rừng phòng hộ, Nhà bên rừng U Lesa thậm chí còn là địa điểm rất nổi tiếng tại Sóc Sơn |
Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), bên trong các khu sinh thái là những công trình nhà nghỉ, bể bơi, sân tenis, nhà hàng... phục vụ cho các hoạt động vui chơi, giải trí với lượng khách không hề ít vào mỗi dịp cuối tuần. Trung bình, giá thuê phòng tại khu vực này có thể dao động từ 800.000 đồng đến hơn 10 triệu đồng/phòng/ngày tùy vào vị trí và dịch vụ cung ứng.
Cơ quan địa phương viện nhiều lý do tránh mặt?
Liên quan đến việc hàng loạt nhà vườn, homestay, du lịch sinh thái ngày ngày lấn chiếm, thậm chí một số đơn vị còn đang mở rộng thêm trong rừng phòng hộ thôn Lâm Trường, PV đã đến UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội, đề nghị có buổi trao đổi, làm rõ thêm về các sai phạm.
Thế nhưng, qua nhiều lần liên hệ, lãnh đạo cả hai cơ quan trên đều viện nhiều lý do để tránh mặt.
|
Chỉ cách thôn Lâm Trường 2km, sự tồn tại của Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội khiến người dân thắc mắc "để làm gì?" |
Thậm chí, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội đã từ chối làm việc với PV, cũng không có bất kỳ cá nhân nào được cử ra để đại diện cho hai cơ quan trên làm việc với PV.
Tình trạng né tránh làm việc khiến phát sinh nhiều nghi vấn, như: Phải chăng các cơ quan quản lý địa phương (đặc biệt UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội) đều biết về tình trạng lấn chiếm rừng phòng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp nhưng không xử lý? Có hay chăng lợi ích nhóm trong việc để cho sai phạm liên tiếp xảy ra? Liệu trong tương lai các sai phạm tại đây có được “hợp thức hóa” như một phương thức để đối phó? Có còn cần đến sự tồn tại của Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội nữa hay không, khi sai phạm xảy ra ngay bên cạnh lại chẳng hề có chút động thái nào?
|
Việc xây dựng để mở rộng kinh doanh, trục lợi từ rừng phòng hộ vẫn tiếp tục diễn ra ngày ngày cho dù có chỉ đạo của Thành phố Hà Nội |
Đáng lên án hơn cả khi mà hầu hết công trình vi phạm rừng phòng hộ, vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Lâm Trường đã tồn tại nhiều năm qua và cơ quan chức năng từ Trung ương tới thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ nhưng vẫn không được chính quyền huyện Sóc Sơn và xã Minh Phú xử lý kiên quyết, triệt để mà còn để tái diễn với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp.
Thiết nghĩ, UBND huyện Sóc Sơn và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức đã và đang trục lợi từ việc phá rừng phòng hộ, kinh doanh nghỉ dưỡng tại thôn Lâm Trường nói riêng và toàn địa phương nói chung.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Ngày 21/3/2019, Thanh tra TP Hà Nội đã thông báo Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.
Theo kết luận, Ban Quản lý Rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội (trước đây là Lâm trường Sóc Sơn) đã buông lỏng quản lý, không kịp thời kiểm tra, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương xử lý vi phạm đất đai, không có biện pháp ngăn chặn để các hộ mua bán chuyển nhượng cho các hộ ngoài địa phương, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình nhà ở, nhà vườn trong phạm vi đất rừng phòng hộ.
Thanh tra TP Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng đề xảy ra các vi phạm như kết luận nêu trên.