Hàng nghìn người gặp khó
Trong những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hôi hoặc trong bất kỳ câu chuyện của nhóm bạn bè, đều xuất hiện những thông tin chia sẻ hoặc những lời than thở về tình trạng thu nhập giảm sút, công việc không ổn định, thậm chí bế tắc, vợ chồng cãi nhau vì khó khăn,…
|
Một cư dân do ít việc, đã đăng trên group của chung cư tìm việc làm thêm
|
Chị Diệp Anh – một người làm việc tại doanh nghiệp ở lĩnh vực logistics (Cầu Giấy) - cho biết do lệnh cấm biên tại nhiều quốc gia nên phần lớn các nhà máy phải ngưng hoạt động, lượng hàng hóa cần lưu chuyển cũng ít đi. Doanh thu của các doanh nghiệp lĩnh vực này giảm tới 40-50%.
“Cũng do tình hình chung, công việc ít, một số mẹ có con nhỏ xin nghỉ phép không lương ở nhà trông con và tranh thủ bán hàng online, một số khác đi làm nhưng chỉ nhận lương cơ bản.
Ai cũng khó khăn, thôi thì hạn chế mua sắm những thứ không cần thiết. Thông thường, mỗi năm gia đình mình dành ra một khoản khoảng 30 triệu đồng đi du lịch, tình hình như hiện nay thì kế hoạch du lịch trong năm chắc chắn không dám nghĩ tới” – chị Diệp Anh nói thêm.
Chị Hoàng Thị Thơm (Láng Hạ) cũng than thở: “Mình làm kế toán tại một khách sạn, kể từ khi có dịch bùng phát thu nhập bị ảnh hưởng rất nhiều. Giờ đây, tiền lương hỗ trợ của công ty trả chưa được 5 triệu/tháng. Tôi chuẩn bị sinh con, đang tìm người giúp việc mà tiền công giúp việc là 6 triệu/tháng, còn cao hơn tiền lương của tôi”.
“Cuối tháng tôi sinh, có lẽ khi sinh em bé tôi xin nghỉ ở nhà trông con kiêm giúp việc luôn” – chị Thơm cho biết.
Với những người trẻ như vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải Yến - mới cưới nhau được 1 năm, dường như khó khăn nhân lên nhiều lần. Chị Yến cho hay, hai vợ chồng chị thuê nhà ở 4 triệu đồng/tháng và đang có kế hoạch mua nhà vào cuối năm nay.
“Chồng em làm kỹ sư môi trường thu nhập tạm ổn định, em làm giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20 triệu/tháng” – chị Yến kể.
|
Do dịch bệnh, nhiều giáo viên dạy tại các trung tâm tiếng Anh không có thu nhập |
Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay do ảnh hưởng của dịch bệnh trung tâm không hoạt động, đồng nghĩa chị Yến không có thu nhập.
“Quê nhà em cách nơi làm 30km, có lẽ vợ chồng em sẽ phải trả nhà chuyển về quê ở cùng bố mẹ. Giờ ăn tiêu chưa đủ, kế hoạch mua nhà cũng đành phải gác lại thôi”.
Người lao động cần được hỗ trợ
Trước thực tế trên, nhằm đảm bảo thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Tổng LĐLĐ VN đề nghị các cấp công đoàn nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động về trông giữ, quản lý con trong thời gian học sinh nghỉ học, đảm bảo việc làm thường xuyên và liên tục, xem xét, đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn.
Đồng thời, các cấp công đoàn nêu trên khẩn trương có các đề xuất với người sử dụng lao động ở những doanh nghiệp có điều kiện tổ chức đào tạo lại người lao động, qua đó giúp chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với tình hình mới.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Đối với các doanh nghiệp có tham gia BHXH, BHTN thì chúng ta phải có biện pháp để xử lý ngay thất nghiệp cho người lao động bằng cách cho họ được hưởng chính sách BHTN để có lương, để đảm bảo cuộc sống.
Nếu doanh nghiệp nào có điều kiện thì chúng ta cho phép để đào tạo lại lao động đó hoặc lao động đó không nhận tiền thất nghiệp mà nhận tiền để được đào tạo lại thì dùng tiền đó để đào tạo nghề cho người lao động tìm việc làm mới để khắc phục tồn tại.