Báo cáo số liệu không chính xác
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Q.Tân Phú và Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.6. Thời kỳ thanh tra từ tháng 1 đến tháng 11/2022.
Về công tác giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà đất lần đầu, Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.Tân Phú cho biết, từ tháng 1 đến tháng 12/2022, đơn vị này tiếp nhận và giải quyết 731 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận nhà đất lần đầu.
Đoàn thanh tra đã kiểm tra 104/731 hồ sơ. Trong đó, có 100 hồ sơ đã giải quyết, gồm: 69 hồ sơ đã cấp giấy chứng nhận; 31 hồ sơ không đủ điều kiện có văn bản trả lời; và 4 hồ sơ đang giải quyết.
Về thời hạn giải quyết hồ sơ, chỉ có 4/104 hồ sơ đúng thời hạn, 4/104 hồ sơ đang thụ lý trễ hạn. Có đến 86/104 hồ sơ trễ hạn nhưng Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.Tân Phú không có thư xin lỗi theo quy định mà ban hành thông báo hoặc công văn thông tin lý do trễ hạn hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ.
Về trình tự thủ tục, 104/104 hồ sơ chưa được Phòng TN&MT và UBND Q.Tân Phú ký phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ là chưa đúng Quy trình 4114. 104/104 hồ sơ có phần ghi chú tại trang 2 của giấy chứng nhận thể hiện chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Cán bộ một chi nhánh VPĐKĐĐ tại TP.HCM đang giải quyết hồ sơ cho người dân. (Ảnh: Anh Phương)
Theo báo cáo của Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.Tân Phú, đơn vị này giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu đúng hạn 100%. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, Thanh tra Sở TN&MT nhận thấy trên 80% hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu tại Q.Tân Phú bị trễ hạn 30 ngày.
Về hồ sơ tách thửa và hợp thửa đất, Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.Tân Phú giải quyết loại hồ sơ đất đai này trễ hạn với tỷ lệ 50%. Những hồ sơ trễ hạn không có thư xin lỗi mà thông báo thông tin tiến độ gia hạn thời gian giải quyết hồ sơ, nhưng việc xác định thời gian không có căn cứ và khác nhau tuỳ hồ sơ là chưa đúng quy định.
Theo đoàn thanh tra, việc giải quyết hồ sơ tách – hợp thửa do chờ ý kiến của nhiều đơn vị như Phòng Quản lý đô thị, Phòng TN&MT cũng như xác nhận của UBND phường trước khi cấp giấy chứng nhận nên dẫn đến hồ sơ trễ hạn.
Từ những thiếu sót, vi phạm như nói trên, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.Tân Phú chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục. Đồng thời, không kết hợp giải quyết cùng lúc hồ sơ đăng ký biến động và hồ sơ xoá thế chấp.
100% hồ sơ cấp giấy chứng nhận và tách, hợp thửa bị trễ hạn
Từ tháng 1 đến tháng 11/2022, Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.6 đã tiếp nhận 59 hồ sơ đề nghị tách, hợp thửa. Trong đó, đã giải quyết 39/59 hồ sơ và đang giải quyết 20 hồ sơ.
Qua thanh tra, Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM nhận thấy, Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.6 giải quyết hồ sơ tách, hợp thửa đất trễ hạn với tỷ lệ 100%. Tất cả hồ sơ trễ hạn không có thư xin lỗi.
Về công tác giải quyết hồ sơ cập nhật, bổ sung tài sản trên giấy chứng nhận nhà đất (hồ sơ hoàn công), Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.6 chưa phối hợp tốt với UBND phường kiểm tra, xác nhận và có ý kiến đối với công trình, nhà ở trước khi giải quyết ký cập nhật hoàn công.
Ngoài ra, đơn vị này chưa thống nhất trong trình tự thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, xác định rõ từng loại hồ sơ nên dẫn đến tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả hồ sơ không đúng quy định, không đúng thời hạn.
Về giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu, từ tháng 1 đến tháng 11/2022, Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.6 báo cáo đã tiếp nhận 117 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết 36 hồ sơ và 81 hồ sơ đang giải quyết.
Kiểm tra ngẫu nhiên 40/117 hồ sơ, thanh tra Sở TN&MT nhận thấy, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn của Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.6 lên đến 100%. Có hồ sơ được trình ký cấp giấy chứng nhận trước khi người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính là chưa đúng quy trình.
Ngoài ra, Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.6 lập tờ trình lãnh đạo UBND Q.6 ký cấp giấy chứng nhận lần đầu là không đúng quy định. Thẩm quyền kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan thẩm quyền ký cấp giấy chứng nhận là của Phòng TN&MT Q.6.
Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.6 nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến những thiếu sót, vi phạm nêu trên.
Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm trong việc để tồn đọng hơn 400 hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà đất kéo dài từ năm 2009 đến nay.