Năm 2005, mức lương trung bình của người dân Trung Quốc chưa đến 3.000 NDT/tháng. Trong khi đó, một người đàn ông có tên Dương Hồng Xuân đến từ Hồ Bắc đã có thu nhập cao ngất ngưởng - 25.000 NDT/tháng. Tuy nhiên, ông Xuân lại quyết định bỏ việc để tự mình khởi nghiệp, trải qua một hành trình dài với nhiều mất mát về thời gian lẫn tiền bạc.
Liều lĩnh bán 2 căn nhà để khởi nghiệp
Ở công ty cũ, Dương Hồng Xuân từng là quán quân bán hàng của tập đoàn trong suốt 3 năm liên tiếp, đảm nhiệm ví trí tổng giám đốc bộ phận kinh doanh của thị trường Quảng Tây rộng lớn. Lúc đó, ông mới 30 tuổi, nhưng đã ý thức được rằng bản thân không thể làm thuê cả đời. Ông tin rằng mình có khả năng khởi nghiệp, làm chủ của chính mình.
Sau khi nghỉ việc, ông Xuân dành vài tháng để tự học về ngành kinh doanh thực phẩm. Ông đã đi đến hơn 20 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc, tham quan các nhà máy, tới hàng trăm cửa hàng bán đồ ăn vặt và mua hàng trăm loại về để thử. Chỉ riêng tiền vé máy bay để di chuyển lúc đó đã tốn hơn 100.000 NDT, chưa tính các chi phí khác. Tiền tiết kiệm cũng ngày một cạn dần.
Không còn cách nào khác, ông phải bán một căn nhà ở Quảng Đông và bỏ ra 600.000 NDT để mở cửa hàng. Ông cũng tự mình thiết kế thương hiệu “Sạp Hàng Tốt” và tem nhãn để tiết kiệm chi phí.
Vào ngày khai trương, ông tự tin đến mức đích thân đứng trước cửa hàng, cùng nhân viên chào mời khách qua đường đến lấy đồ ăn thử miễn phí. Không ngờ, doanh số ngày đầu tiên chỉ là 1.300 NDT nhưng chi phí cho đồ ăn thử đã lên tới 1.400 NDT. Việc khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng.
Sau thất bại đầu tiên, ông Xuân lại bán một căn nhà khác ở Quảng Đông, tất cả khoản tiền dành dụm trước đây gần như đã tiêu sạch. Ông chuyển đến Vũ Hán để làm lại từ đầu, song việc kinh doanh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
May mắn thay, sau đó ông gặp được Cố Thanh - chủ tịch của tập đoàn đồ ăn vặt Cửu Cửu Áp vào năm 2006 và nhận được nhiều lời khuyên hữu ích. Tháng 9 năm 2006, Cố Thanh đến Vũ Hán và tham quan cửa hàng và hỏi Dương Hồng Xuân: “Cửa hàng của anh làm về lĩnh vực gì, sản phẩm chủ lực là gì?”
Chỉ hai câu hỏi đơn giản nhưng dường như đã giúp ông Xuân nhận ra ngay vấn đề. Hóa ra, ngay từ đầu ông chưa hề có mục tiêu rõ ràng và không có sản phẩm chủ chốt. Sau khi nhìn ra được vấn đề, ông đã chọn hạch đào - một món ăn vặt thơm ngon, giàu dinh dưỡng làm sản phẩm chủ lực.
Ông chọn được 16 loại sơn hạch đào trên khắp Trung Quốc để đa dạng hóa hương vị và chủng loại sản phẩm. Để quảng bá cho món ăn vặt này, ông đã tổ chức một “Lễ hội hạch đào” vào dịp Quốc Khánh Trung Quốc để thu hút khách hàng. Cần phải biết rằng đó là mùa du lịch cao điểm ở Trung Quốc, rõ ràng đây là một cơ hội quảng bá tuyệt vời không thể bỏ qua.
Vào ngày Quốc Khánh Trung Quốc, đường phố chật kín người, ông Xuân đã đầu tư một khoản lớn để mời khách hàng dùng thử đồ ăn miễn phí. Bước tiến này cuối cùng đã đi đúng hướng. Sau nửa tháng, công việc kinh doanh khởi sắc và thương hiệu “Sạp Hàng Tốt” của ông chính thức có lãi.
Tận dụng sức nóng và sự nổi tiếng, ông Xuân tiếp tục tung thêm một sản phẩm chủ lực khác. Lúc này, một nhà kinh doanh táo đỏ đã chủ động liên hệ với ông Xuân để phát triển hoạt động buôn bán trong mùa đông.
Vốn dĩ, táo đỏ có thời hạn sử dụng ngắn và không thể bán lâu dài. Tuy nhiên, ông Xuân đã tìm cách sử dụng phương pháp khử dầu ở nhiệt độ thấp để kiểm soát độ ẩm, giúp giữ nước, duy trì độ tươi và từ đó kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm mà vẫn đảm bảo hương vị.
Món táo đỏ này sau khi lên kệ đã ngay lập tức trở thành một trong những món bán chạy hàng đầu của cửa hàng. Món ăn vặt này không chỉ thơm ngon mà còn có giá thành rẻ, khách hàng cũng có thể mua làm quà tặng. Chỉ tính riêng món táo đỏ đã giúp cửa hàng của ông Xuân đạt 30 triệu NDT (99 tỉ đồng) doanh thu. Hiện nay, doanh thu của chuỗi cửa hàng “Sạp Hàng Tốt” đã lên đến 7 tỉ NDT/năm, tương đương hơn 23.000 tỉ đồng/năm.
Từng “cắn răng” tiêu hủy lô hàng lỗi trị giá hàng tỉ đồng
Năm 2015, một vấn đề nghiêm trọng xảy ra khi nhà cung cấp bánh chà bông của cửa hàng không kiểm soát tốt độ ẩm nên bánh bị hỏng ngay khi nhập kho. Lúc này, giá trị lô hàng lên đến 2 triệu NDT (6,6 tỉ đồng), song ông Xuân vẫn quyết định tiêu hủy toàn bộ.
Với tiêu chí “chất lượng là mấu chốt, là nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Xuân không ngần ngại đầu tư cho bộ phận kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời sẵn sàng mạnh tay tiêu hủy những lô hàng kém chất lượng để đảm bảo uy tín với khách hàng.