12h, hơn 10 shipper tấp xe trên vỉa hè ở góc đường Tôn Đức Thắng giao Nguyễn Du (quận 1). Hầu hết đều đợi giao thức ăn cho nhân viên văn phòng làm việc trong tòa nhà Saigon Trade Center.
Trò chuyện với Zing, anh Thắng (shipper, 28 tuổi) cho biết đã giao 3 đơn hàng đến tòa nhà này vào buổi sáng đầu tiên dân văn phòng đi làm trong năm mới.
"Hai đơn trà sữa và một đơn đồ ăn. Tôi nhận được từ 10.000-15.000 đồng cho mỗi đơn. Hầu hết đơn hàng của tôi hôm nay đều lòng vòng trong quận 1, chủ yếu ở các tòa nhà văn phòng", anh Thắng cho hay.
Trong giờ ăn trưa của dân văn phòng, anh Thắng giao thêm được 6 đơn đồ ăn nữa. "Bữa nay tôi nhận được nhiều đơn hơn bình thường, có thể do mọi người đi làm đông đủ và cũng muốn ăn uống đàng hoàng trong ngày đầu năm", tài xế nói, vội vàng rời đi sau khi nhận thông báo đơn hàng mới.
|
Shipper đợi giao hàng cho dân văn phòng dưới tòa nhà Saigon Trade Center. |
Đặt đồ ăn để tiết kiệm thời gian
Chị Vân (28 tuổi) chủ yếu đặt đồ ăn trưa qua app để ăn cùng đồng nghiệp. Đặc thù công việc bận rộn, chị không có nhiều thời gian để chuẩn bị đồ ăn từ nhà.
Buổi trưa đầu năm ở văn phòng, chị đặt món bún chả nướng từ một quán cách công ty khoảng 2 km, chờ khoảng hơn 20 phút đã thấy shipper giao đến.
“Nghỉ trưa khoảng 1 tiếng, tôi không có thời gian đi ra ăn ở quán. Thường xuyên đặt đồ ăn ở ngoài nên tôi cũng chọn những quán quen, chất lượng tốt và giá phải chăng. Kinh nghiệm là đặt 15-20 phút trước giờ nghỉ trưa để tránh phải đợi quá lâu”.
|
Nhiều nhân viên văn phòng ở TP.HCM đặt đồ ăn vì ngại đến quán xá đông đúc. |
Cũng đặt đồ ăn ship tới, nhưng chị Hải Hà (nhân viên kinh doanh) lại lo ngại cảnh đông đúc ở các hàng quán vào giờ nghỉ trưa.
"Bây giờ, tất cả công ty, văn phòng đều đã đi làm với 100% nhân sự. Khu vực quận 1 tập trung nhiều tòa cao ốc. Vào giờ nghỉ trưa, mọi người đổ ra đường. Hầu như quán nào cũng kín bàn. Dịch bệnh hiện giờ vẫn còn khó lường nên tôi sẽ tránh những nơi như vậy".
Gần 12h, chị Hà nhận 8 phần cơm trưa từ shipper. Thông thường, các đồng nghiệp cùng phòng của chị thường đặt đồ ăn cùng nhau để tiết kiệm phí ship.
“Hôm nay mình nhận được đồ khá nhanh. Trước khi giao đồ cho mình, tài xế cũng cẩn thận xịt khuẩn để đảm bảo an toàn. Đặt đồ ăn ở ngoài quen rồi nên mình thấy khá tiện lợi, phù hợp với những người không có nhiều thời gian để nấu ăn”.
Chị Hà kể cũng có những lần phải chờ món khá lâu, shipper giao đến muộn nên phải ăn vội trong ít phút để kịp vào làm ca chiều.
|
Các shipper cho biết số lượng đơn hàng tăng khi các công ty, văn phòng trở lại làm việc với 100% nhân lực. |
Shipper "chạy đua"
Giữa trưa, anh Lê Văn Lúa (shipper, ngụ quận 1) nhận được đơn hàng giao đến Saigon Trade Center. Trong lúc chờ khách xuống nhận thức ăn, anh cẩn thận xịt khuẩn tay và mặt ngoài hộp đựng đồ ăn.
Anh Lúa cho biết đã làm shipper được 4 năm, nhưng trước đây vì còn có công việc chính tại một khách sạn ở quận 1 nên anh chỉ thỉnh thoảng chạy để kiếm thêm.
Dịch bùng phát, ngành du lịch đóng băng, giờ anh chỉ mưu sinh bằng nghề giao hàng. Ít tháng gần đây, khi TP.HCM mở cửa trở lại, anh Lúa bắt đầu chạy ship đồ ăn với tần suất nhiều hơn.
“Mỗi ngày, tôi chạy từ 8h đến khoảng 21-22h, cũng có hôm chạy muộn hơn, buổi trưa chủ yếu giao đồ ăn cho các khu văn phòng, chung cư. Mỗi đơn giao thành công, tôi nhận được khoảng 10.000-15.000 đồng. Dù có khá nhiều đơn, nhưng shipper cũng có rất nhiều cái khó khi bị hạn chế thời gian, mất nhiều công sức giao đơn ghép”.
Anh Lúa cho hay, thời gian này, số khách đặt đồ ăn tại các tòa nhà văn phòng hay khu chung cư tăng lên đáng kể.
|
Anh Lúa cảm thấy áp lực về thời gian khi giao đồ ăn trưa cho dân văn phòng. |
“Tuy nhiên, tôi khá áp lực vì quy định giao nhanh, trong khi mình mất nhiều thời gian vì quán làm lâu. Trong khi đó, nhân viên văn phòng chỉ được nghỉ trưa 1 tiếng, giao muộn quá họ đâu cho chịu.
Ví dụ, tôi có đơn mua nước ở Phúc Long, phải xếp hàng đợi 40 phút, mà đơn yêu cầu cả mua lẫn giao cho khách chỉ trong 20 phút. Có những lần tôi nhận một đơn ghép mua ở 3 quán rồi giao ở 3 nơi khác nhau mà app chỉ hạn chế thời gian chưa đầy nửa tiếng, giao không kịp”, anh kể.
Nhiều khách văn phòng thường đợi sát giờ ăn mới bắt đầu đặt, trong khi với những món nướng hay nem thường phải đợi cả tiếng. Nhiều lúc gần hết giờ nghỉ đồ chưa đến, nhưng không phải khách nào cũng hiểu và thông cảm được.
Có lần, anh đợi nhận được món từ quán mất hơn 50 phút, quay lại giao thì khách đã hủy đơn vì giao chậm.
“Đó cũng là một vấn đề thực sự khó cho người đi giao. Những món cần pha chế hay món nướng, quán phải chuẩn bị hơn 30 phút, có khi shipper phải đợi cả tiếng vì họ ưu tiên phục vụ khách tại chỗ trước. Trong thời gian ‘giờ vàng’ của app (8h-13h), shipper không được từ chối đơn vì sẽ bị khóa app nên dù có xa mấy thì mình cũng phải chạy”.
Theo anh Lúa, giao đồ ăn cho các khu văn phòng vào buổi trưa khá căng thẳng vì phải căn thời gian chuẩn để khách hài lòng.
"Nhiều khi đến quán, người ta đâu cho mình đứng đợi ở bên trong, phải ra ngoài đường đứng giữa nắng nôi cả tiếng rất cực. Bản thân tôi cũng muốn lấy đồ nhanh, giao nhanh rồi chạy thêm đơn khác".
Tương tự, anh Minh (32 tuổi) nói rằng một tiếng ăn trưa của dân văn phòng chính là khoảng thời gian "chạy đua" của các nhân viên giao hàng như anh.
"Đa số các app đều giới hạn thời gian giao nhận dựa trên khoảng cách từ quán ăn đến nơi lấy hàng của khách. Tuy nhiên, thực tế vào giờ trưa, quán nào cũng đông, nhiều lúc chúng tôi phải xếp hàng đợi hơn 30 phút mới lấy được đồ. Gặp phải khách khó tính, giao chậm sẽ bị hủy, đánh giá 1-2 sao thì khổ cho tài xế lắm", anh Minh chia sẻ.