"Săn" tôm hùm nhí, chỉ buổi sáng đã có ngay 7 triệu

Google News

Cầm hũ đựng 50 con tôm hùm nhí, anh Trần Văn Hùng (Tuy Phong, Bình Thuận) rạng rỡ: “Bữa nay chắc cú 7 triệu đồng rồi”.

Liên tiếp mấy ngày đầu tháng 1/2018, ngư dân các xã, thị trấn Phan Rí Cửa, Chí Công, Hòa Phú, Bình Thạnh (Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận)… trúng đậm tôm hùm giống, có người thu nhập trên chục triệu đồng chỉ một buổi sáng giũ lưới bắt tôm.
Vào mùa "săn lộc biển”…
Bãi biển Hòa Phú vào những ngày đầu năm 2018 nhộn nhịp cảnh xe cộ đi lại, người mua, người bán tôm hùm con rộn ràng. Nhảy ra khỏi chiếc thúng chai, Trần Văn Hùng, ở khu phố Hải Tân 1, thị trấn Phan Rí Cửa cầm cái hủ đựng 50 con tôm hùm nhí đi vào bờ, cười rạng rỡ: “Bữa nay chắc cú 7 triệu đồng rồi”.
 Những con tôm hùm nhí người dân thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận luôn được các thương lái bỏ tiền ra thu mua, số lượng bao nhiêu cũng mua hết.
Anh Hùng cho biết, vùng biển Hòa Phú - Hòa Thắng được xem là cái “ổ” của tôm hùm giống do địa hình uốn cong lưỡi liềm, có rạn đá san hô và môi trường sạch sẽ, rất thích hợp cho loài tôm hùm trú ngụ, sinh sản. Với 3.000 đùn lưới thả ở khu vực này, mỗi ngày anh cũng kiếm trên dưới 7 triệu đồng. Cách đây 2 năm, anh là người lập kỷ lục khi “trúng nóng” 29 triệu đồng trong một buổi sáng giũ lưới bắt tôm.
Với kinh nghiệm của các ngư dân, để bắt được nhiều tôm hùm con, ngoài việc chọn được vị trí của tôm mẹ đang trú ngụ chờ sinh sản, ngư dân phải chọn được hướng gió và định hướng được con nước để mành lưới giăng đúng hướng di chuyển, đưa tôm con vào “bẫy”.
Có số lượng đùm lưới ít hơn anh Hùng, nhưng ông Lê Văn Bảy ở Chí Công vẫn liên tục chèo thúng khai thác tôm hùm giống, có ngày ông được tới 30 con tôm huê. Theo ông Bảy, mùa tôm hùm con bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Nếu như năm ngoái, đầu vụ tôm hùm giống xuất hiện ít, sau đó tăng dần, thì năm nay thời tiết lạnh sớm, gió thổi mạnh, sóng biển lớn “gom” con tôm hùm về dày hơn, chủ yếu là tôm đinh, huê, xanh.
Mùa này, dọc tuyến bờ biển từ Giành Rái (xã Chí Công) đến thị trấn Phan Rí Cửa qua xã Hòa Phú, ngư dân bắt đầu vào mùa giăng đùm bắt tôm tất bật. Trừ những khu vực cấm, còn lại ngư dân đều tận dụng để thả đùm. Mặt biển phao nổi lềnh bềnh, phía dưới giăng đùm lưới, làm cho mặt biển như trận đồ thủy chiến. Mỗi đùm lưới màu xanh gấp lại hai, ba lần thành búi dài, mắc cách nhau chừng 1m và được cột vào một sợi dây dài.
Những con tôm hùm nhí bằng cọng tăm rong chơi trong nước biển rồi cũng chui vào đùm ẩn nấp, ăn những sinh vật phù du để lớn. Mỗi sáng, người dân dong thúng ra biển, tháo đùm khỏi sợi dây chung rồi giũ nhẹ, tôm con sẽ rơi ra, và người ta bắt nó để bán làm tôm giống.
Cả làng săn tôm hùm nhí vui như hội
Cả vùng biển rộng mênh mông, nhưng tôm con lại chui đều vào những chiếc “bẫy”, nên nhiều ít ai cũng có phần. Trung bình một buổi sáng vài chục chiếc thuyền vào bờ mang theo từ 50 - 80 con, nhiều ngư dân gặp may mắn bắt nhiều hơn có thể kiếm hàng chục triệu đồng. Năm nay giá tôm hùm giống ở mức cao, loại tôm xanh có giá 20 - 30 ngàn đồng/con, nhưng khi trúng tôm huê thì có giá từ 220 - 240 ngàn đồng/con. Qua một đêm, một ngư dân cầm chắc từ 5 - 7 triệu đồng.
 Ngư dân thị trấn Phan Rí Cửa sửa soạn cho 1 chuyến đi săn tôm hùm nhí.
Anh Nguyễn Viết Tâm, một thương lái, 46 tuổi cho biết: Tôm hùm chỉ sinh sản trong môi trường tự nhiên, không sinh sản trong môi trường nhân tạo nên rất khan hiếm. Tôm ở vùng biển này lâu nay nổi tiếng vì dễ nuôi và giống tôm lớn. Năm nay do ảnh hưởng thời tiết, mưa bão nhiều, nhiều vùng nuôi tôm bị hư hại, nhu cầu nuôi tăng nên tôm hùm con có giá cao. Mỗi sáng anh phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng để thu mua, vận chuyển ra Phú Yên, Khánh Hòa cung cấp giống cho các trại nuôi tôm hùm.
Đến làng biển, đâu đâu cũng nghe xôn xao chuyện con tôm hùm giống. Cứ sau mỗi chuyến giũ tôm trở về, từ già, trẻ, gái, trai… ai nấy đều rạng rỡ, cười nói râm ran vui như hội. Trong căn nhà nhỏ nằm giữa xóm nghèo, anh Lê Văn Bảy ở Chí Công trút bỏ đồ nghề, mở túi lấy tiền đưa cho vợ, kèm theo lời dặn: “Số này gửi thêm vào Sài Gòn cho con ăn học”.
Cầm xấp tiền dày cộm từ tay chồng, vợ anh cười hạnh phúc. “Gia đình tui sống nhờ vào cái đùm lưới bắt tôm. Mấy ngày nay, con tôm về nhiều nên có tiền lo cho con ăn học, còn lại dành dụm mua sắm đồ ăn tết” - anh Bảy cười vui. “Lộc biển” về làng biển, dường như cái tết đến sớm hơn, mang niềm vui, phúc lộc với muôn nhà.
Theo Minh Chiến/Báo Bình Thuận

>> xem thêm

Bình luận(0)