Theo Washington Post, các nhà điều tra đã chứng kiến nhân viên làm việc tại công ty Hải sản Nicholas “hành hạ con tôm hùm bằng cưa mà không gây choáng hay giết nó trước”.
Phần đuôi của tôm hùm bị cắt khỏi cơ thể trong khi nó vẫn còn sống, vi phạm luật địa phương về việc chống lại sự tàn bạo với động vật. Đây có thể là công ty đầu tiên trên thế giới bị vướng vào trường hợp này.
Theo các nhà điều tra Úc, cách làm thịt tôm hùm dạng này sẽ khiến nó trải qua những giây phút cuối đời trong “đau đớn tận cùng”. Luật pháp ở Úc công nhận tôm hùm là một trong những loài động vật có thể cảm nhận đau đớn.
Bộ quy tắc hướng dẫn ở New South Wales, Úc quy định, tôm hùm, cua và bọ Balmain cần phải được “ngâm trong nước muối hoặc nước đá trong 20 phút” trước khi bị giết.
Hoặc tôm hùm cần phải được cắt theo chiều dọc, để phá hủy trung tâm thần kinh một cách nhanh chóng, giới hạn sự đau đớn.
Công ty Hải sản Nicholas sau đó đã nhận tội và tòa án địa phương tuyên phạt 1.500 USD.
Trên thực tế, điều luật về việc chống lại sự tàn bạo với động vật rất hiếm khi được áp dụng trên thế giới. Ở Anh, các nhà hoạt động đang kêu gọi đưa tôm hùm vào danh sách được bảo vệ.
Ở Mỹ, cá và các loài động vật giáp xác đều không nằm trong danh sách được bảo vệ, mặc dù có những nghiên cứu cho rằng, cá cũng biết cảm nhận đau đớn.
Theo Washington Post, việc loài chó hay bò nằm trong điều luật về việc chống lại sự tàn bạo với động vật mà không phải tôm hùm là bởi dựa trên văn hóa truyền thống. Con người yêu thích chó và nghĩ chúng như một thành viên trong gia đình trong khi cá và tôm hùm lại không giống như vậy.
Trong khi đó, ngày càng nhiều thực khách bắt đầu yêu cầu người giết mổ phải nhân đạo hơn đối với những loài động vật có thể tạo thành thức ăn cho con người.
Có thể nói, trường hợp công ty hải sản Úc có thể là dấu hiệu cho thấy trong tương lai, những loài động vật mà con người ăn sẽ được bảo vệ hơn, Washington Post kết luận.