Cô nghỉ việc ngay trước khi đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không điêu đứng. Với công việc mới, cô dựng một studio nhỏ tại chính căn hộ 1 phòng ngủ của mình và tự quay phim.
Hu năm nay 27 tuổi, là một người có ảnh hưởng. Kể từ hồi tháng 1, cô đã làm việc toàn thời gian như một người bán hàng online trên Taobao – một nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba. Ở đây, cô xây dựng được hơn 400.000 người hâm mộ.
“Tôi nói không ngừng nghỉ”, Hu cười kể về công việc của mình. “Cổ họng tôi thực sự bị khàn. Làm việc này, bạn phải nói rất nhiều, bởi vì tinh thần của bạn sẽ lan tỏa. Bạn không thể làm việc nửa chừng. Chỉ khi nào bạn nói thật nhiệt tình thì khán giả của bạn mới cảm thấy hào hứng”.
|
Meng Hu bỏ công việc tiếp viên hàng không để theo đuổi sự nghiệp bán hàng "livestream". |
Hu là một trong số những người sáng tạo đang nổi lên ở Trung Quốc – những người đang chạy đua trong xu hướng mua sắm trực tuyến khiến nó trở thành một ngành công nghiệp ước tính trị giá 66 tỷ USD.
Mặc dù xu hướng này đã trở thành một phần của văn hoá internet Trung Quốc những năm gần đây, nhưng các nhà phân tích cho rằng đại dịch đã khiến nó trở thành hình thức mua sắm thống trị.
Ngay cả Chính phủ Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ ngành công nghiệp mới này. Họ gọi đây là “động cơ mới” của tăng trưởng thương mại điện tử, đồng thời khuyến khích bán hàng “livestream” như một giải pháp cho tình trạng thất nghiệp vốn đang tăng mạnh ở Trung Quốc do đại dịch.
Bán hàng “livestream” là sự kết hợp giữa giải trí và thương mại điện tử. Người xem mua hàng trực tuyến từ người bán, từ son môi cho tới bột giặt, trên những video được phát trực tiếp.
Tuy nhiên, như Hu và những người bán hàng thành công khác chia sẻ, công việc này không hề dễ dàng. Ngành công nghiệp này rất khắc nghiệt và rất ít người lao động có thể áp dụng những kỹ năng của mình để trở thành một người bán hàng thành công.
Hơn 10 triệu buổi bán hàng trực tuyến trong nửa đầu năm
Trong nửa đầu năm nay, hơn 10 triệu buổi bán hàng trực tuyến đã được thực hiện, số liệu từ Chính phủ nước này tiết lộ. Tính tới tháng 3, có 560 triệu người đã theo dõi những buổi bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc – tăng 126 triệu người so với tháng 6 năm ngoái. Gần một nửa trong số đó mua sắm qua kênh này.
Bà Sandy Shen – giám đốc nghiên cứu về thương mại điện tử ở Gartner cho rằng, mua sắm trực tuyến lẽ ra phải mất 2-3 năm để trở thành xu hướng thống trị ở Trung Quốc nếu đại dịch không xảy ra. Nhưng với thực tế này, nó chỉ mất có 2-3 tháng.
Các chuyên gia cũng dự đoán, ngành công nghiệp này vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Năm 2019, thị trường mua sắm trực tuyến của Trung Quốc trị giá 66 tỷ USD, theo iResearch, một công ty nghiên cứu thị trường ở Thượng Hải. Năm nay, con số này có thể tăng gấp đôi, công ty này dự đoán.
Một ngày làm việc
Phần hấp dẫn nhất của công việc này là viễn cảnh kiếm được nhiều tiền. Các thương hiệu thường xuyên công bố doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD chỉ trong một lần bán hàng. Những người bán hàng nổi tiếng thì có thể kiếm được hàng triệu USD mỗi năm, Taobao cho biết. Thậm chí, cả lãnh đạo của những doanh nghiệp lớn cũng đang vào cuộc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này.
“Nếu bạn chỉ là một người bán hàng bình thường trên Taobao, tự làm và không có tiếp thị trước, bạn sẽ chỉ có vài trăm người theo dõi. Và họ có thể sẽ lướt qua bạn sau 5-10 giây nếu họ thấy không có gì thú vị”, bà Shen nói.
Với những “ngôi sao” như Hu, sự bùng nổ của thị trường mang theo cả cơ hội và thách thức.
“Người xem có thể tăng gấp đôi, nhưng có thể chỉ gấp 7-8 lần số người bán hàng mới nổi”, cô ước tính. “Có quá nhiều người như tôi tham gia bán hàng và bán những sản phẩm giống nhau với cách làm như nhau”.
Hu cho biết, hiện tại thu nhập của cô 1 tháng bằng cả năm trước kia. Nhưng giờ làm việc cũng vô cùng khắc nghiệt. Cô thường phải dành 7 tiếng mỗi ngày để “livestream”, bán đủ thứ từ vé nghỉ dưỡng cho tới đồ ăn vặt, sản phẩm chăm sóc da. Sau đó, cô phải dành nhiều giờ mỗi đêm để tìm hiểu về sản phẩm mà mình định bán. “Mỗi ngày thức dậy, tôi làm việc, làm việc, ăn, làm việc và ngủ. Công việc rất vất vả”.
Để thực hiện mỗi buổi bán hàng “livestream”, Hu hiện có hẳn một ê-kip hỗ trợ phía sau gồm hơn 20 người. Cô cũng có một công ty giúp chọn các sản phẩm để giới thiệu, giảm giá và lên lịch quay. Chồng cô giúp các công việc lặt vặt khác và thỉnh thoảng cũng xuất hiện trước camera.
Hu và ê-kip của mình kiếm tiền qua một số cách thức: các công ty trả tiền để sản phẩm của họ được giới thiệu, sau đó Hu sẽ kiếm được hoa hồng cho mỗi sản phẩm bán được. Theo iResearch, tỷ lệ hoa hồng thông thường dao động từ 6 tới 16%.
"Livestream" vực dậy nền kinh tế?
|
Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với một người bán hàng "livestream" ở tỉnh Thiểm Tây hồi tháng 4. |
Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều động thái khuyến khích hình thức thương mại này. Thậm chí, hồi tháng 3, trong chuyến thăm một ngôi làng nông nghiệp chuyên bán sản phẩm của mình qua “livestream”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ca ngợi sức mạnh của thương mại điện tử và cho rằng nó có tiềm năng lớn để giúp người dân thoát khỏi đói nghèo.
Hồi tháng 5, Bộ An sinh xã hội và nguồn nhân lực nước này còn xếp nghề bán hàng “livestream” vào danh sách các ngành nghề được công nhận. Điều đó có nghĩa là Chính phủ sẽ bắt đầu tính những người làm nghề này là “có việc làm”.
Một số chính quyền địa phương thậm chí còn chuyển đổi vùng quê của mình thành những khu mua bán “livestream”. Ở Quảng Châu, các nhà chức trách đang hi vọng sẽ biến thành phố này thành “thủ đô livestream” của Trung Quốc. Hồi tháng 6, địa phương này còn tổ chức một “lễ hội” mua sắm “livestream” kéo dài 3 ngày, trong đó những người bán hàng đã thực hiện hơn 200.000 phiên bán hàng trực tuyến.
|
Chủ tịch Alibaba - Jack Ma thi bán son môi qua "livestream" với ngôi sao livestream Austin Li Jiaqi. |
Tuy nhiên, theo bà Xiao Wang, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu Forrester, tác động của ngành công nghiệp bán hàng “livestream” tới nền kinh tế có thể không mạnh mẽ như kỳ vọng. Bà lưu ý rằng, giao dịch qua “livestream” vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ - ước tính khoảng 5% thị trường thương mại điện tử của cả nước. Đây là một con số rất nhỏ so với ngành công nghiệp bán lẻ.
“Tôi không nghĩ rằng thương mại điện tử “livestream” sẽ cứu được nền kinh tế”, bà nhận định.
Trong số 400.000 người bán hàng “livestream” mà Bộ Thương mại Trung Quốc đã thống kê vào nửa đầu năm 2020, chỉ có 5-10% thành công và kiếm được thu nhập, bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China cho hay.
Bà nói rằng rất khó để biết được đã có bao nhiêu việc làm được sinh ra, bởi vì nhiều người đang làm việc trong lĩnh vực này không làm việc toàn thời gian.
Sự cạnh tranh của công việc này cũng là thách thức đặt ra cho Seven Zhou – một người bán hàng “livestream” ở tỉnh Hà Bắc – người đang cố gắng tạo dựng sự nghiệp mới trên ứng dụng video Douyin – một phiên bản của Tik Tok.
Hồi tháng 1, cựu nhân viên tư vấn này bắt đầu công việc bán hàng “livestream” giống như Hu sau khi công ty anh bị mất khách hàng do dịch bệnh. Giống như Hu, anh quyết định nghỉ việc để bán hàng livestream với hi vọng sẽ làm nên chuyện.
Nhưng sau một thời gian, Zhou nhận ra rằng mục tiêu đó khó đạt được hơn anh từng nghĩ. Ứng dụng Douyin yêu cầu phải có ít nhất 1.000 người theo dõi mới được bán hàng trên đây. Để đáp ứng yêu cầu này, Zhou bắt đầu chương trình “trò chuyện” “livestream” kéo dài 2 tiếng mỗi ngày. Trải nghiệm này thật là khó khăn.
Rất ít người ghé xem kênh của anh. Các video đều thất bại, hầu như không có lượt “like”.
Tám tháng sau, Zhou tự hỏi liệu mình có nên bỏ cuộc hay không. Chàng trai 30 tuổi vẫn chưa quyết định, nhưng anh nói đã vỡ mộng với ngành công nghiệp này và vỡ mộng với những câu chuyện thành công sau một đêm.
“Mọi việc diễn ra không suôn sẻ. Hệ thống này không đơn giản như cách ta nhìn thấy”.