30 phút livestream, nữ hoàng đồ gia dụng kiếm nghìn tỷ

Google News

Chỉ trong 30 phút, doanh số đã đạt hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2020, livestream bán hàng đã thể hiện một sức sống mãnh liệt chưa từng có.

Bùng nổ thời dịch bệnh

Trong bối cảnh mùa dịch, người tiêu dùng buộc phải ở nhà, livestream đã trở thành một cứu cánh cho ngành bán lẻ với số lượng xem tăng kỷ lục. Mua sắm livestream pha trộn giữa giải trí và thương mại điện tử.

Những người xem sẽ mua hàng hóa trực tuyến từ những người bán từ son môi tới đồ gia dụng, hàng xa xỉ trên những video phát trực tiếp. Nhiều CEO đã nhìn ra "miếng bánh béo bở" này, chính vì thế họ đã gia nhập và thu về hàng triệu USD trong thời gian qua.

Đổng Minh Châu được biết đến là “nữ hoàng đồ gia dụng”, chủ tịch một tập đoàn của Trung Quốc, đã dậy sóng cộng đồng mạng khi livestream bán hàng trên nền tảng xã hội. Buổi livestream đã thu hút 16 triệu lượt xem, đạt được doanh thu khủng.

CEO công nghệ kiếm hàng triệu USD từ livestream bán hàng

Bắt đầu từ 19h30' và kéo dài trong 3 giờ đồng hồ, bà Đổng Minh Châu đã giới thiệu sản phẩm máy lọc không khí và máy xay sinh tố cầm tay. Doanh số bán hàng đạt 14,1 triệu USD (khoảng 324 tỷ đồng) và 43,8 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng) trong cả phiên phát sóng 3 giờ.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu của tập đoàn này đã giảm đến 50% và lợi nhuận ròng lao dốc 72,5% trong ba tháng đầu năm. Nhiều trung tâm thương mại và cửa hàng đã đóng cửa vài tháng gần đây, đồng thời hầu hết người tiêu dùng đều ở nhà trong bối cảnh bị phong tỏa và cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh.

Lei Jun, nhà sáng lập kiêm CEO của hãng Xiaomi, cũng đích thân lên sóng. Buổi livestream của ông đạt 50 triệu lượt xem, thu về khoảng 30 triệu USD doanh số bán tivi và điện thoại thông minh.

Hồi đầu tháng 3/2020, Li Jing, Giám đốc công ty chuyên về trang trí nội thất Mendale Textile, kiếm được 3,5 triệu USD sau buổi livestream kéo dài 4 tiếng.

Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, cũng đã tham gia cuộc thi bán hàng online với ngôi sao livestream Austin Li Jiaqi. Jack Ma vốn là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên tạo được tiếng vang lớn trong thị trường video phát trực tiếp của Trung Quốc vào năm 2018, khi ông thực hiện một chiến dịch trên thị trường Taobao.

Một buổi livestream kéo dài hàng giờ gần đây của chủ tịch Trip.com thu hút hơn 600.000 người theo dõi và mang về doanh thu 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD). Nỗ lực này của Liang đã mang lại một sự thúc đẩy rất cần thiết cho công ty của ông ta khi họ cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch trên thị trường du lịch toàn cầu.

Các chuyên gia dự đoán rằng xu hướng này có thể sẽ lặp lại ở cả trên thế giới. Lazada - công ty thuộc sở hữu của Alibaba cũng đã cho phép livestream bán hàng. Amazon cũng đang thử nghiệm những tính năng tương tự.

Siêu lợi nhuận

Theo công ty nghiên cứu thị trường Adsota, livestream đang thực sự trở thành xu hướng marketing dẫn đầu về tính thực thi và hiệu quả. Xu hướng livestream của các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện và dần phát triển từ năm 2019. Tuy nhiên, phải đến khi dịch, xu thế livestream trên nền tảng mới được bộc lộ thêm phần rõ nét.

Tại Trung Quốc, Hàn Quốc, hình thức bán hàng livestream đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho các nhà bán hàng. Những thương hiệu đều đặn tuyên bố 10 đến trăm triệu USD doanh số trong riêng một phiên livestream.

Livestream thành một tính năng "hái ra tiền" cho các nhà bán hàng

Trong năm 2019, thị trường mua sắm livestream ở Trung Quốc trị giá 451,3 tỷ NDT (66 tỷ USD). Điều đó có thể nâng gấp đôi lên 1,2 nghìn tỷ NDT (gần 170 tỷ USD) trong năm nay. Bán sản phẩm thông qua hình thức livestream hay phát sóng trực tiếp chính thức được công nhận là một công việc ở nước này.

Sandy Shen - một giám đốc nghiên cứu, nói rằng mua sắm trên livestream sẽ cần 2-3 năm để trở thành xu hướng chính. Song, thay vào đó, khi đại dịch xảy ra, quá trình này chỉ mất 2-3 tháng.

Còn Zhang Dingding, cựu giám đốc của công ty nghiên cứu Sootoo, cho rằng, livestream là một mô hình đầy sáng tạo, cho phép người dùng tương tác và cùng tham gia. Sự tương tác góp phần thúc đẩy các giao dịch trong thương mại điện tử.

Theo các chuyên gia, livestream bán hàng vẫn còn nhiều đất để phát triển, các nhãn hàng tốt nhất nên tham gia hình thức này nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù vậy, livestream để “chốt đơn” ngay không hề dễ dàng. Louis Vuitton là thương hiệu không mấy thành công với hình thức này. Nội dung livestream của Louis Vuitton bị chỉ trích là không tương thích với tính cao cấp và định vị thương hiệu sang trọng, dẫn đến ấn tượng xấu trong mắt người tiêu dùng.

Theo Thư Kỳ/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)