Không tốn nhiều công chăm sóc, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lại có giá thành ổn định, mô hình trồng rau diếp cá đã giúp nông dân ở xã Thuận An (TX Bình Minh, Vĩnh Long) có nguồn thu nhập khá. Diếp cá cũng là loại rau có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, được mệnh danh là thuốc hạ sốt tự nhiên.
Từ 2 công đất ruộng, hơn 10 năm qua, ông Huỳnh Văn Hơn (ấp Thuận Phú B, xã Thuận An, TX Bình Minh, Vĩnh Long) đã trồng rau diếp cá đạt hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Hơn, diếp cá là loại rau màu có kỹ thuật trồng rất đơn giản, rau ưa nắng, ít bị sâu bệnh, thời gian thu hoạch nhanh, khoảng 2 tháng đến 2 tháng 10 ngày sẽ thu hoạch 1 lần (riêng lứa rau đầu thì thời gian thu hoạch sau 3 tháng trồng), trung bình trồng rau diếp cá 1 năm thu hoạch khoảng 5 lần.
Ông Hơn nhẩm tính: “Với năng suất trung bình của rau diếp cá đạt khoảng 2-2,2 tấn/công, sau khi trừ hết chi phí đầu vào khoảng 2-3 triệu đồng/công thì lợi nhuận mà mô hình này mang lại khoảng 65 triệu đồng/công/năm”.
“Rau diếp cá đem lại hiệu quả rất cao, lợi nhuận cao gấp 20 lần/năm so với trồng lúa. Hồi trước gia đình tôi trồng lúa, rồi có chuyển sang trồng rau xà lách xoong, tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng khá cực công chăm sóc. Còn trồng rau diếp cá vừa trồng đơn giản vừa có kinh tế thoải mái, khấm khá”- chú Hơn cho biết.
|
Người dân xã Thuận An, TX Bình Minh, Vĩnh Long thu hoạch rau diếp cá. |
Năm nay, tùy theo thời điểm giá rau diếp cá có dao động, nhiều nông dân cho biết, vào đợt nắng nóng vừa qua, giá rau diếp cá đỉnh điểm ở mức 25.000 đồng/kg, hiện nay đang ở mức 8.000 đồng/kg.
Theo ông Hơn, mùa nghịch trồng diếp cá kéo dài 3 tháng từ tháng 4-6 âm lịch, lúc đó thời tiết nóng làm giảm năng suất ruộng rau còn khoảng 1,6-1,8 tấn/công.
Còn mùa thuận kéo dài từ tháng 6 đến tháng 3 âl năm sau. “Nhờ có kinh nghiệm của những năm trước, năm nay tôi đã áp dụng các biện pháp chủ động trong canh tác như tưới rau bằng béc phun, nên tháng nắng vừa rồi rau của tôi được thu hoạch trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng.
Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích trồng loại rau này. Hy vọng mô hình này sẽ còn phát triển, mang lại nguồn thu khấm khá hơn cho bà con”, chú Hơn phấn khởi nói.
Bước vào mùa mưa, nhiều người dân ở xã Thuận An đang tất bật thu hoạch vụ rau diếp cá trên đồng từ sáng sớm.
Vừa thu hoạch 3 công rau diếp cá của gia đình, chị Lê Thị Hùm cho biết: “Trồng rau diếp cá cũng cần cho đất nghỉ khoảng 2-3 năm để cải tạo đất, giúp tăng năng suất, chất lượng cho những vụ sau.
Ruộng rau của tôi cho năng suất trung bình khoảng 2 tấn/công, vụ rau nào được chăm sóc kỹ hơn thì năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/công.
Nhìn chung, rau diếp cá có đầu ra khá ổn định, thương lái đến mua tận ruộng. Vào mùa thu hoạch tôi phải mướn thêm người dân xung quanh đến hỗ trợ và trả tiền công cho các công đoạn như cắt rau trên ruộng là 1.000 đồng/kg; người bó rau thì được trả 70.000 đồng/100kg; làm sạch 40.000 đồng/100kg…”
Có 4 công trồng rau diếp cá được hơn 10 năm, anh Võ Văn Hoàng Long (ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An) cho hay: “Trồng rau diếp cá cực nhất là khâu thu hoạch. Nhiều người trồng quanh đây cũng thu hoạch theo hình thức vần công.
Nhờ chăm sóc tốt nên đợt này ruộng rau của tôi đạt năng suất tốt, khoảng 2,5 tấn/công, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 10 triệu đồng/công. Rau này có đầu ra ổn định nên an tâm sản xuất”.
Anh Phạm Minh Cơ- Trưởng ấp Thuận Tiến C (xã Thuận An) cho biết: Toàn ấp hiện có 63 hộ đang trồng rau diếp cá với diện tích 13ha, chiếm gần 37,5% tổng diện tích rau màu của ấp.
Thời gian qua, mô hình trồng rau diếp cá đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong ấp. Theo đó, nông dân cũng đã ý thức sản xuất sạch hơn, sử dụng phân hóa học, ít sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh- cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thuận An, cho biết bên cạnh rau xà lách xoong thì rau diếp cá cũng là loại rau màu chủ lực của xã. Hiện toàn xã có 65ha trồng rau diếp cá, tăng khoảng 5ha so năm rồi.
Do thổ nhưỡng thích hợp và có điều kiện chuyển đổi thuận lợi cộng với giá bán ổn định, loại rau này đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nông dân, nhất là người đã chuyển đổi từ đất lúa, đất kém hiệu quả, đã đem lại lợi nhuận cao trên cùng diện tích canh tác. Cạnh đó, mô hình này còn giải quyết vấn đề việc làm, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Thời gian tới, địa phương cũng định hướng duy trì, mở rộng, phát triển mô hình, đồng thời, phối hợp để tập huấn kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tưới thông minh, sử dụng phân hữu cơ vào sản xuất… để giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng.
Rau diếp cá còn có những cách gọi khác là cây lá giấp, ngư tinh thảo,… thuộc loài cỏ nhỏ, sống nơi ẩm ướt, thân rễ mọc sâu dưới đất. Thân cây diếp cá mọc đứng, thường ít lông hoặc không lông, đầu lá hơi nhỏ; lá hình tim, hoa nhỏ và mùi hương toát ra có vị tanh như mùi cá.
Rau diếp cá được đánh giá có nhiều tác dụng với sức khỏe, như: Trị mụn và tốt cho da; hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường; kiểm soát cân nặng hiệu quả; cải thiện tình trạng tiểu buốt; giải độc cơ thể; tăng cường hệ miễn dịch; giúp hạ sốt cho trẻ em; hỗ trợ điều trị bệnh viêm phổi, bệnh lý nhiễm trùng; tăng sức đề kháng...