Theo báo cáo tài chính quý 1/2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB), ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1 đạt 2.654 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý đầu năm, thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 5.951 tỷ đồng nhờ chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm 19% hay 1.537 tỷ đồng. Thu nhập lãi và các khoản thu nhập cũng giảm hơn 3% hay 1.423 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, thu nhập ngoài lãi của Sacombank giảm 4,1%, xuống 924 tỷ đồng. Trong quý I, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 12%, xuống 578 tỷ đồng; lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng 19%, đem về 308 tỷ đồng. Ngân hàng không thuyết minh chi tiết cho những khoản mục trên.
Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư cao gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 44%. Tuy nhiên, hai mảng này đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận của Sacombank.
|
Sacombank đang có tiến triển tốt trong việc xử lý nợ xấu? |
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản Sacombank là 693.535 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,7% lên 500.408 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,4% lên 533.358 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, báo cáo tài chính cho thấy nợ xấu của Sacombank tăng 3,8% trong 3 tháng đầu năm lên 11.402 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay đi ngang ở mức 2,28%. Hiện nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 6.282 tỷ đồng, tăng 28% trong quý 1.
Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của Sacombank được cải thiện từ 69% lên 73%.
Các khoản phải thu của Sacombank giảm mạnh hơn 9.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm (tương đương giảm 21,7%) xuống còn 32.910 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu giảm 3,2% xuống 5.503 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I, Sacombank có 22.496 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Trong năm 2024, ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục không chia cổ tức do vẫn chưa thể hoàn thành đề án tái cơ cấu.
Theo thông tin từ ĐHĐCĐ năm nay, Sacombank đã đấu giá thành công KCN Phong Phú và thu được 20% số tiền đấu giá, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025. Ngoài ra, ngân hàng dự kiến sẽ hoàn thành phương án xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê, từ đó có đủ điều kiện để tiến hành chia cổ tức.
Đánh giá về quá trình xử lý nợ xấu của Sacombank, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng những thành tựu nhất định trên đã cho thấy quyết tâm cao của ban lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh đề án tái cơ cấu trước đó chưa tính đến những khó khăn của thị trường trong nhiều năm qua (như Covid-19, căng thẳng địa chính trị hay nợ xấu chung của thị trường tăng lên…).
Theo ông Huân, việc Sacombank từ ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao xuống mức thấp, thậm chí có thể thấp hơn 3% trong khi tỷ lệ toàn ngành trên 3%, là một thành quả rất đáng ghi nhận. “Nếu xử lý nợ tốt, Sacombank có thể mở ra thời kỳ mới, thời kỳ cổ đông sẽ hưởng lợi từ kết quả lợi nhuận của ngân hàng”, ông Huân nói.