Tình hình thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Hà Tĩnh.
Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, Hà Tĩnh đã thu hồi 273 khu đất do vi phạm pháp luật đất đai, không còn nhu cầu sử dụng, xin trả lại đất…để giao về cho địa phương. Trong đó, có 258,83ha thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, 29,25ha thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai và 89,52ha thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Việc thu hồi đất của các tổ chức không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không còn nhu cầu sử dụng, thu hồi vì mục tiêu phát triển KT-XH quốc phòng an ninh…Các quỹ đất sau khi thu hồi giao cho chính quyền địa phương hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, lập phương án quy hoạch sử dụng đất phù hợp, tổ chức bán đấu giá tăng nguồn thu từ đất.
Sau khi thu hồi đất một số tổ chức do vướng mắc việc xử lý tài sản trên đất nên một số khu đất chậm bàn giao về cho chính quyền địa phương hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý theo quy định đặc biệt là liên quan đến việc xử lý tài sản công theo Luật Quản lý tài sản công năm 2017.
|
Ảnh minh họa. |
Việc thẩm định, đánh giá năng lực của nhà đầu tư đang còn thực hiện mang tính hình thức, vì vậy tình trạng chậm đầu tư, kéo dài thời gian đầu tư sau khi được giao đất còn xẩy ra; việc đấu giá đất để sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh thực hiện được ít do tình hình sản xuất kinh doanh nói chung thời gian qua gặp khó khăn, doanh nghiệp không có điều kiện để trả tiền thuê đất một lần; phần lớn quỹ đất quy hoạch chưa được giải phóng mặt bằng nên việc đưa đất vào đấu giá không thực hiện được; việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất của các chủ sử dụng đất còn chưa được thường xuyên.
Đối với các trường hợp được giao đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP nhưng nay không còn nhu cầu sử dụng (già yếu, đã chuyển đi khỏi địa phương …) tuy vậy, pháp luật đất đai chưa có quy định giải quyết các trường hợp này đã làm phát sinh nhiều vướng mắc tại các địa phương, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất.
Thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND ngày 3/11/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 02/10/2018 về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó đã quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch về quyền lợi của người có đất bị thu hồi, khắc phục một cách có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội. Các ngành, địa phương đã chủ động thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác bồi thường GPMB. Quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã bám sát vào các chế độ chính sách, thực hiện đúng quy trình, công khai minh bạch được đại đa số nhân dân đồng tình cao.
Những tồn tại và nguyên nhân chủ yếu
Công tác GPMB và xây dựng cơ bản có những thời điểm chưa kịp tiến độ theo kế hoạch đề ra. Quá trình bàn giao đất GPMB theo cam kết sau khi đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ của một số bộ phận nhân dân nhìn chung còn chậm, tính chất chấp hành chính sách pháp luật còn hạn chế, sự phối hợp giữa các chính quyền huyện, xã với chủ đầu tư chưa nhịp nhàng, chặt chẽ; việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường thiếu sự nhất quán giữa các địa phương;
Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước những năm qua có nhiều lần thay đổi nên việc áp dụng tại các địa phương thiếu nhất quán, rất khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, chính sách mới chỉ dừng ở việc bồi thường giá trị sử dụng đất và các tài sản bị thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác, về thu nhập, về kinh tế như lợi thế từ vị trí kinh doanh, đánh bắt cá, từ sản phẩm rừng… chưa được tính đến. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và dự báo về nhu cầu tái định cư không được đặt ra đúng với vai trò nên càng làm cho công tác bố trí tái định cư đôi lúc còn lúng túng;
Việc xác minh nguồn gốc đất đai, xác định đối tượng phạm vi được bồi thường, hỗ trợ áp dụng chính sách bồi thường đất đai, tài sản đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu là thiếu các thông tin về đất đai tài sản do thiếu các hồ sơ, giấy tờ chứng minh;
Theo quy định tại Điều 92 Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định (số 43/2014/NĐ-CP và số 47/2014/NĐ-CP) của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đề cập đến vấn đề các tài sản, vật kiến trúc hình thành trên đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng nhà, công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi (như nhà bảo vệ, nhà nghỉ công nhân, chuồng trại, đào kênh tiêu thoát nước, đào đắp bờ bao để giữ nước, xây dựng hàng rào bảo vệ; các hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy, hải sản, đất sản xuất muối) trên đất nông nghiệp đủ điều kiện được bồi thường về đất nên khi tổ chức thực hiện bồi thường các địa phương còn lúng túng và gặp khó khăn.
Các quy định về thời điểm để xác định tài sản (nhà, công trình) hợp pháp và xác định việc sử dụng đất hợp pháp không trùng nhau (ví dụ Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định mốc là 01/7/2004 nhưng Điều 31 Nghị định này lại quy định nhà ở hoàn thành xây dựng trước (sau) ngày 01/7/2006 (theo Luật Nhà ở). Như vậy sẽ rất khó khăn cho việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp có thời điểm hình thành thửa đất và xây dựng nhà trong khoảng 01/7/2004 đến 01/7/2006.
Việc xác minh nguồn gốc đất đai, xác định đối tượng phạm vi được bồi thường, hỗ trợ áp dụng chính sách bồi thường đất đai, tài sản đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu là thiếu các thông tin về đất đai tài sản do thiếu các hồ sơ, giấy tờ chứng minh;
Kiến nghị và đề xuất
Quy định cụ thể đối với Khoản 3 Điều 68 Luật Đất đai năm 2013 về hoạt động của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đã thu hồi.
Nghiên cứu, bổ sung nội dung theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với phần giá trị mà người sử dụng đất đã đầu tư làm tăng độ màu mỡ của đất nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh và việc này thực hiện trong nhiều năm đối với loại đất nông nghiệp.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 5, Khoản 6, Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính Phủ theo hướng tiếp cận đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng tại địa phương như sau:
* Quy định đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất:
+ Là hộ gia đình, cá nhân mà tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp (kể cả các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do nhận giao khoán của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc tập đoàn sản xuất nông nghiệp hoặc hợp tác xã nông nghiệp);
+ Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngưng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất.
Về điều chỉnh các quy định phù hợp
Quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:Việc quy định như hiện nay đang tính toán hỗ trợ trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi; diện tích được tính hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất. Việc quy định này chưa thực sự công bằng về đối tượng được hỗ trợ. Ví dụ: Hộ bị thu hồi 1.000 m2 đất, có 5 khẩu nhưng giá trị tính hỗ trợ vẫn bằng hộ khác có 1.000 m2 đất nhưng có 2 khẩu) ở đây đối tượng hỗ trợ là khẩu nhưng đang tính từ diện tích thu hồi. Sở đề xuất theo hướng:
Tiếp cận theo hướng hỗ trợ cho các khẩu trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ không quá bao nhiêu tiền trên khẩu, quy định theo Khung vùng, miền, thành phố, đô thị, nông thôn (chia các mức tối đa, tối thiểu); cụ thể giao cho các địa phương quy định.
Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Nghị định quy định chi tiết về Luật Đất đai, đảm bảo thống nhất và đồng bộ giữa Luật Đất đai và các pháp luật khác (Điểm 1, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 và Điểm g, Khoản 1, Điều 48, Luật Đầu tư 2014; Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 109 Bộ Luật Dân sự 2005; Điều 168 Bộ Luật Dân sự và Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013);
Đề nghị xem xét rà soát các nội dung còn mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 14/02/2014 của Chính phủ về an toàn lưới điện và Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cụ thể:
Tại Điều 18 Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 14/02/2014 của Chính phủ có đề cập mức bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình được tồn tại trong HLAT đường dây dẫn điện cao áp trên không, nhà nước không thu hồi đất, không làm chuyển mục đích sử dụng thì được xem xét hỗ trợ không quá 70% giá trị bồi thường theo quy định tuy nhiên tại Điều 10 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ đề cập không rõ nội dung này;
Tại Điều 20 Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 14/02/2014 của Chính phủ đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt ngoài HLAT nhưng giữa hai đường dây từ 500KV trở lên có quy định việc bồi thường hỗ trợ còn tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ không quy định việc bồi thường, hỗ trợ.