LHHVN tổ chức Diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững”

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 20/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững”.

Phát biểu tại diễn đàn, TS.Phạm Xuân Phương - Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai tập trung vào việc làm rõ khái niệm về đất lâm nghiệp, đất rừng, đất rừng tín ngưỡng; các quy định về giao đất, giao rừng; cho thuê đất, cho thuê rừng; chuyển đổi giữa các loại đất rừng; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người được giao đất, giao rừng; được thuê đất, được thuê rừng và một số nội dung khác.
TS Pham Xuân Phương kiến nghị, cần tiến hành rà soát một cách chi tiết giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện 2 luật này; phát hiện những bất cập về các quy định giữa 2 luật này.
Đồng thời, cần tổ chức nghiên cứu, tham vấn tại một số địa phương có rừng, đại diện cho các vùng sinh thái của Việt Nam trên cơ sở đã có kết quả rà soát văn bản; Xây dựng Báo cáo kết quả rà soát và khảo sát thực tế về những bất cập giữa 2 luật; Đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp.
Theo ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong quá trình thực thi Luật Đất đai, ngoài những kết quả đạt được nhằm tăng cường quản lý đất đai nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế.
Nâng cao điều kiện cuộc sống, đảm bảo an ninh Quốc phòng, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, làm phát sinh nhiều vấn đề nóng. Tình trạng sử dụng lãng phí, tình trạng tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc thu hồi, cấp, giao, cho thuê đất còn khá phổ biến gây thất thoát lớn.
LHHVN to chuc Dien dan “Sua doi chinh sach dat dai de phat trien ben vung”
Diễn đàn "Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững". 
Cũng theo ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, vấn đề bồi thường về đất khi thu hồi cần xem xét các điểm: Đền bù “theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định” quy định tại Điều 74 khoản 2 Luật Đất đai (thường là thấp hơn nhiều so với giá thị trường) cho các dự án phát tiển kinh tế- đặc biệt là dự án nhà ở, công trình sản xuất kinh doanh – để chủ đầu tư được giao đất là chưa phù hợp.
Nhiều đại biểu nêu quan điểm, tại Khoản 3 Điều 74 quy định việc bồi thường phải đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai kịp thời và đúng quy định của phát luật đã không được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ở nhiều địa phương đã triển khai thực hiện mang tính áp đặt, không công khai minh bạc nhất là giá đền bù.
Một điều đáng lưu ý là việc thu hồi đất đối với các chủ hộ, gia đình có “sổ đỏ”, “sổ hồng” có nhà ở gắn với đất ở. Thực tế các chủ hộ này có đủ các quyền sở hữu: Chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp. Vì thế, nên chăng thay vì áp dụng hình thức thu hồi mà cần phải chuyển sang hình thức trưng mua, góp vốn.
LHHVN to chuc Dien dan “Sua doi chinh sach dat dai de phat trien ben vung”-Hinh-2
PCT kiêm TTK LHHVN Phạm Văn Tân phát biểu khai mạc diễn đàn "Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững".
Một vấn đề khác liên quan đến nhà tái định cư khi thu hồi đất đang có sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng năm 2014. Trong khi Luật Xây dựng quy định không lập dự án và làm nhà tái định cư đối với các đô thị Loại II trở lên (mà thực hiện hình thức đền bù theo giá thị trường để dân tự chọn hình thức tái định cư: mua nhà, mua căn hộ, thuê…) thì Luật Đất đai vẫn quy định phải có nhà tái định cư khi thu hồi đất (điều này chỉ đúng với đô thị loại III, IV, miền núi theo phương thức giao đất, giao khu nhà tái định cư theo dự án).
Vì vậy, nhiều địa phương đô thị loại II, I, đặc biệt vẫn làm nhiều nhà tái định cư, không phù hợp, để lãng phí mà người dân thì không muốn vào ở (do không đồng bộ, chất lượng quản lý chưa tốt, cơ sở hạ tầng không đảm bảo…)
Bên cạnh đó, tại các dự án BT, giá công trình là giá giao cho chủ đầu tư lập nên rồi thẩm định, phê duyệt, xét duyệt, không đấu thầu. Trong khi giao đất lại không đấu giá mà lại giao giá chủ yếu dựa trên khung giá do UBND cấp tỉnh ban hành dẫn đến Nhà nước thiệt cả 2 đầu, nhà đầu tư lợi cả hai đầu. Đồng thời, cơ chế xin cho đã tạo điều kiện cho tham ô, tham nhũng có cơ hội nảy sinh.
Tại diễn đàn, rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tham góp những ý kiến hữu ích về những vấn đề còn tồn tại cần được sửa đổi của các văn bản pháp luật về đất đai hiện hành. Được biết, sau diễn đàn này, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị gửi tới Ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013.
>>> Xem thêm video: Phương pháp giảm cân an toàn do liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Nguồn: VTC 1.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)