Tại buổi diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) vừa diễn ra tại Hà Nội vừa qua, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá đã có một số ý kiến tham luận thú vị.
Bài tham luận xoay quanh thực trạng và giải pháp tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá, đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất cơ bản trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Trải qua quá trình phát triển của đất nước, kế thừa và phát huy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Luật Đất đai năm 2013 ra đời (có hiệu lực từ ngày 01/07/2014) đã cơ bản đáp ứng được các quyền của người sử dụng đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, hạn mức sử dụng đất, tạo điều kiện cho người sử dụng đất tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các mô hình sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp của đất nước.
|
Toàn cảnh diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững”. |
Tuy nhiên do điều kiện địa lý, tập quán canh tác và các yếu tố khách quan khác, quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp bị phân tán, chia nhỏ và manh mún; gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao cũng như trong công tác quản lý nhà nước.
Để giải quyết tình trạng này, tìm ra hướng đi để phát triển kinh tế nông nghiệp ổn định, bền vững; trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai thực hiện công tác đổi điền, dồn thửa nên hiện tại quỹ đất sản xuất nông nghiệp về cơ bản đã được dồn tập trung đến từng hộ. Sau khi thực hiện chương trình đổi điền dồn thửa, diện tích đất canh tác của các hộ đã được nâng lên rõ rệt, trung bình mỗi hộ chỉ còn một đến hai thửa đất sản nông nghiệp, tạo tiền để để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương thức tập trung, tích tụ đất đai.
Đồng thời xuất phát từ nhu cầu tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đối với các tổ chức, doanh nghiệp; phấn đấu giảm tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao sản lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp theo kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, toàn tỉnh; tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, góp phần thu hút lực lượng lớn lao động tại địa phương. Đảng bộ và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã cùng chung tay tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tích tụ, tập trung đất đai được tiếp cận nguồn lực đặc biệt này nhanh chóng, thuận lợi.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa. |
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá, từ năm 1992 đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành các văn bản như: Chỉ thị 07-CT/TU ngày 25/11/1992 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ nông dân tỉnh Thanh Hoá; Quyết định số 117 NN/UBTH ngày 29/01/1993 của UBND tỉnh về việc giao ruộng đất ổn định lâu dài và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến hộ nông dân tỉnh Thanh Hoá; Chỉ thị số 13 CT/TU ngày 03/9/1998 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về cuộc vận động thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện cho hộ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết định số 819/QĐ-UBND ngày 07/3/2019 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tham mưu xây dựng cơ chế chính sách để tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hơn 105 ha đất được dồn điền, dồn thửa
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá cho biết, tính đến thời điểm tháng 5/2012, toàn tỉnh có 411 xã thuộc 20 huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc đổi điền dồn thửa với tổng diện tích đã thực hiện đổi điền, dồn thửa là 105.123 ha; diện tích bình quân một thửa tăng từ 330m2 lên 1.500 m2, mỗi hộ giảm xuống còn khoảng 2 thửa đất. Sau thực hiện đổi điền, dồn thửa đã cấp được 252.406 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 148.221 hộ với diện tích 24.768 ha; diện tích công ích của 411 xã thuộc 20 huyện, thị xã, thành phố thực hiện đổi điền dồn thửa tăng lên 960 ha so với trước khi thực hiện đổi điền, dồn thửa.
Đạt nhiều kết quả thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá, tổng diện tích đất đã tập trung, tích tụ trên địa bàn tỉnh được 40.85,12 ha, tập trung chủ yếu tại 23/27 đơn vị huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, một số địa phương có truyền thống, phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp mạnh như: huyện Như Xuân: 714,32 ha, huyện Thọ Xuân: 768,25 ha, huyện Lang Chánh: 323,53 ha, huyện Hà Trung: 318,40 ha; một số huyện miền núi khó khăn cũng đã đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất sản xuất như: huyện Cẩm Thủy: 257,91 ha, huyện Thạch Thành: 189,58 ha, huyện Như Thanh: 110,32 ha. Trung bình diện tích đất đã tập trung, tích tụ trên toàn tỉnh đạt 151,31 ha/huyện.
Toàn tỉnh có 1.751 dự án, trung bình đạt 2,34 ha đất/01 dự án; cao nhất là huyện Lang Chánh: 80,88 ha đất/01 dự án, huyện Bá Thước: 50 ha đất/01 dự án, huyện Như Xuân: 11,91 ha đất/01 dự án, huyện Tĩnh Gia: 12,42 ha đất/01 dự án, huyện Triệu Sơn: 10,69 ha đất/01 dự án; địa phương thấp nhất là huyện Hoằng Hóa cũng đạt trung bình 0,5 ha đất/01 dự án.
Việc tích tụ, tập trung đất để sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở 6/9 loại đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai, đó là: Đất trồng lúa: 211,59 ha đất trồng cây hàng năm khác: 1.618,13 ha, đất trồng cây lâu năm: 622,95 ha, đất nuôi trồng thủy sản: 239,64 ha, đất rừng sản xuất: 109,10 ha và đất nông nghiệp khác: 1.283,75 ha.
Về phương thức tính tụ tập trung đất đai: Các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh sử dụng đất chủ yếu tập trung vào 04 hình thức sử dụng đất, đó là: Nhà nước thu hồi đất để cho thuê, các chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vồn bằng quyền sử dụng đất và thuê quyền sử dụng đất, cụ thể: Diện tích Nhà nước thu hồi đất để cho thuê là: 1.376,21 ha/671 dự án; diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất: 1.218,01 ha/359 dự án; diện tích nhận góp vồn bằng quyền sử dụng đất: 43,45 ha/28 dự án; diện tích thuê quyền sử dụng đất: 1.431,34 ha/742 dự án.
Việc tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy mọi tiềm năng và thế mạnh của các tổ chức, cá nhân đặc biệt hiệu quả trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng; phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các loại hình kinh tế ở nông thôn.
Góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng hợp lý; tạo công ăn việc làm, tập trung nhân lực, nâng cao năng suất từng bước tiến tới chuyên môn hoá, kỹ thuật cao.
Vẫn còn một số hạn chế
Bên cạnh những mặt tích cực, kết quả đạt được kể trên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại có liên quan đến việc tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá như: Bình quân đất nông nghiệp trên đầu người thấp, tỷ lệ dân sống dựa vào nông nghiệp cao, tư tưởng giữ đất sản xuất để đảm bảo an toàn lương thực cho gia đình; Quy hoạch phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện thực tế;
Công tác vận động hộ dân, nhóm hộ gom quỹ đất sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tích tụ đất đai còn hạn chế, người có đất vẫn còn tư tưởng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, thiếu hiểu biết về chính sách, khoa học kỹ thuật; sản xuất nông nghiệp hay gặp rủi ro, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, hạn hán, khí hậu, dịch bệnh; Việc nắm bắt khoa học kỹ thuật của người sản xuất còn hạn chế, sản xuất còn manh mún, thủ công và không theo tiêu chuẩn theo quy định; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, đầu ra của sản phẩm chưa có, phụ thuộc vào thị trường; lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thấp; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể từ các khó khăn, vướng mắc nêu trên có thể nêu ra các vấn đề bất cập trong việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vào thực tiễn liên quan đến công tác tích tụ, tập trung đất đai như: Hạn chế về hạn điền và thời gian sử dụng. Đối với hộ gia đình, cá nhân còn có những vướng mắc về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản không quá 10 lần hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 130 Luật Đất đai năm 2013. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp trong khu rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng nếu không sinh sống trong khu rừng theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013.
Việc nhận quyền sử dụng đất (nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất) đối với các dự án có nhu cầu tích tu, tập trung đất đai chủ yếu được thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật đất đai năm 2013. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định Điều 73 Luật đất đai năm 2013 trong thực tế để thực hiện các dự án phát sinh những khó khăn, bất cập nhất định do việc nhận quyền sử dụng đất chỉ thực hiện được nếu có sự thỏa thuận của tất cả các chủ sử dụng đất trong khu vực thực hiện dự án, chỉ cần một trường hợp không đồng ý sẽ dẫn đến toàn bộ dự án không thực hiện được hoặc làm chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng.
Việc thu hồi đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 64 trong thực tế thực hiện rất khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến việc nhận quyền sử dụng đất để tích tụ, tập trung đất đai.
Giải pháp thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
Tăng cường khuyến khích, hỗ trợ đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tích tụ đất đai bằng hình thức tuyên truyền, hỗ trợ vốn, điều tiết nguồn cung, cầu kèm theo cảnh báo dư thừa đối với sản phẩm đầu ra;
Tăng cường tập huấn, cập nhật kiến thức, khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm, phòng tránh rủi ro về dịch bệnh, thiên tai;
Tiếp tục thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa đối với các xã, phường, thị trấn; vận động các hộ gia đình không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp trả lại đất cho Nhà nước, tạo điều kiện đồng nhất về mô hình sản xuất, đồng nhất về phương thức sản xuất.
Về giải pháp chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả: Cần điều chỉnh luật đất đai theo hướng tăng hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; đồng thời bổ sung quy định về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí khi thực hiện khi thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất.
Để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai liên quan đến tích tụ, tập trung đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá đã đưa ra đề xuất một số đề xuất hướng đến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai góp phần thực hiện tích tụ đất đai, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn để Diễn đàn nghiên cứu, xem xét, cụ thể là:
Đưa dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn vào quy định được áp dụng hình thức thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013; việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn có thể được quy định cụ thể về quy mô, diện tích, lao động, ... Nội dung này sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn trong việc nhận quyền sử dụng đất (nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất) theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013; góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng.
Bỏ quy định hoặc tăng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân theo tại Điều 130 Luật Đất đai năm 2013. Nội dung này sẽ góp phần khuyến khích việc tích tụ tập trung đất đai trong của các hộ gia đình, cá nhân; phát huy tiềm lực của nền kinh tế.
Điều chỉnh quy định về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai trong trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất theo tại Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 (giữ nguyên quy định về đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng). Nội dung này sẽ cởi bỏ rào cản cho các tổ chức kinh tế chủ động hơn trong việc thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp.
Bổ sung quy định cụ thể về hình thức góp quyền sử dụng đất nông nghiệp, đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp (trình tự, hồ sơ, đối tượng áp dụng,...). Nội dung này sẽ tạo ra hành lang pháp lý linh hoạt trong việc nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
Đưa việc tích tụ đất đai, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn là một nội dung chuyên đề của quy hoạch sử dụng đất các cấp làm căn cứ để thực hiện. Nội dung này góp phần xây dựng định hướng của nhà nước trong chiến lược phát triển nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý cũng như tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, đầu tư thực hiện dự án tích tụ, tập trung đất đai.