Trong bối cảnh sự lan truyền nhanh chóng của virus Corona, một loạt các tập đoàn toàn cầu về điện thoại di động, máy tính và các thiết bị điện tử khác đang đối diện khả năng sản xuất bị đình trệ vì gián đoạn nguồn cung ứng do không có người làm việc.
|
Ảnh minh họa. |
Thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty cho nhân viên ở nhà đến ngày 9-2. Thượng Hải và Quảng Đông cũng ra mệnh lệnh tương tự. Tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh ra lệnh các công ty đóng cửa cho đến ngày 13-2. Và 31 tỉnh thành khác của Trung Quốc cũng yêu cầu kéo dài ngày nghỉ Tết.
Trung Quốc vốn là công xưởng thế giới, nơi lắp ráp hầu hết các thiết bị điện tử, máy tính,... cho các tập đoàn đa quốc gia và sau đó chuyển hàng đi khắp toàn cầu. Nhưng với việc các nhà máy đóng cửa kéo dài đang đe dọa cạn kiệt nguồn cung.
Đặc biệt, sự gián đoạn này tác động đến ngay hãng điện thoại lớn toàn cầu là Apple đã có kế hoạch đưa iPhone thế hệ mới nhất ra mắt vào tháng 3 này. Khả năng giao hàng đến tay khách hàng sẽ chậm lại sau khi ra mắt. Đặc biệt, khi Apple đã tuyên bố đóng toàn bộ các cửa hàng tại Trung Quốc.
Theo Nikkei, gã khổng lồ Apple đặt rất nhiều nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc, mà mỗi địa điểm sử dụng từ 700 ngàn cho đến 1 triệu công nhân. CEO Apple Tim Cook cũng cho biết một số nhà máy sản xuất hàng Apple sẽ chỉ hoạt động trở lại sau ngày 10-2 theo khuyến nghị của chính phủ Trung Quốc.
Không chỉ mỗi Apple, mà cả hãng xe Honda và ông trùm điện lạnh Daikin (Nhật) cũng đang đối diện với tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng vì các nhà máy đặt tại Vũ Hán đã phải đóng cửa, và lệnh mở cửa trở lại tùy thuộc vào chính quyền địa phương Trung Quốc.
Với người Nhật, hiệu ứng này không hề đơn giản khi theo số liệu Tổ chức thương mại Nhật Bản (Jetro), Nhật nhập khẩu phụ tùng xe hơi đến 347 tỉ Yên Nhật. Con số này lớn gấp 10 lần so với con số trong năm 2002-2003, thời gian diễn ra đại dịch SARS.