Theo số liệu của Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới (WINA), Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ mỳ gói đứng thứ 3 toàn cầu sau Trung Quốc/Hong Kong và Indonesia, với hơn 7 tỷ gói mỳ ăn liền trong năm 2020. Tốc độ tăng tiêu thụ mỳ gói của Việt Nam xấp xỉ 30% trong năm ngoái.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 50 Công ty sản xuất mỳ ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Một số “ông lớn” sản xuất mỳ ăn liền nổi tiếng có thể kể đến như: Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer; sở hữu các dòng mì ăn liền như Omachi, Kokomi, Komi...), Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (thương hiệu mỳ Hảo Hảo), Công ty cổ phần Thực phẩm Colusa - Miliket (mỳ 2 con tôm), Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (Asia Foods; mỳ Gấu Đỏ), Công ty cổ phần Uniben (mỳ 3 miền), Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon)...
Theo dữ liệu thống kê của Retail Data, ngành hàng mỳ ăn liền của Việt Nam đang được chiếm lĩnh bởi 4 cái tên: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods.
Mỳ “Hảo Hảo” được lựa chọn nhiều ở thành thị
Được thành lập từ năm 1993 với 100% vốn Nhật Bản, đến nay, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) đã trở thành đại gia đầu ngành FMCG tại Việt Nam với thị phần ở mức khoảng 50%.
Sau 27 năm hình thành và phát triển, Acecook Việt Nam đã thành công đưa gói mỳ Hảo Hảo đến hơn 47 quốc gia trên thế giới. Tại khu vực thành thị Việt Nam, chỉ duy nhất “Hảo Hảo” là nhãn hiệu mỳ gói nằm trong top 10, nhưng lại được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.
|
Sản phẩm mỳ Hảo Hảo của Acecook Việt Nam ngày càng đa dạng. (Ảnh internet). |
Kết thúc năm 2019, doanh thu Acecook Việt Nam đạt 10.648 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 1.660 tỷ đồng. Trong năm 2020, doanh thu của ông lớn đến từ Nhật Bản này lên tới hơn 11.500 tỷ, gấp rưỡi doanh thu nhóm ngành thực phẩm tiện lợi của Masan Consum.
Báo cáo hồi tháng 6 của Facts & Factors cũng chỉ ra, Acecook Việt Nam là một trong 11 nhà sản xuất mỳ gói lớn nhất khu vực châu Á. Theo Nikkei, nhà sản xuất mỳ ăn liền Nhật Bản này đặt mục tiêu tăng doanh số bán mỳ ly (mỳ cốc hay mỳ hộp) tại Việt Nam lên khoảng 350 triệu khẩu phần vào năm 2022, tăng gấp đôi so với năm 2017.
Giữa đại dịch, “ông lớn” mỳ Omachi vẫn đạt lợi nhuận khủng
Tấn công vào phân khúc cao cấp hơn trên thị trường với các dòng sản phẩm Omachi và Kokomi, Masan Consumer cũng đã nhanh chóng chinh phục được các khách hàng khó tính, với những sản phẩm mỳ gói, mỳ hộp cao cấp, bún, miến, phở, cháo ăn liền có giá từ 5.900 đồng lên tới gần 15.000 - 29.000 đồng/gói.
Báo cáo thường niên năm 2020 cho thấy, doanh thu thuần của ngành hàng thực phẩm tiện lợi, trong đó có mỳ gói, đạt gần 6.900 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5% so với năm 2019. Trong đó, doanh số mỳ Omachi tăng 32% so với năm 2019, chiếm lĩnh phân khúc cao cấp với 45% thị phần. Omachi cũng trở thành nhãn hiệu bán chạy nhất tại kênh siêu thị và mỳ tô bán chạy nhất cả nước.
|
Mì Omachi. (Ảnh: Okfood). |
Nửa đầu năm 2021, Masan Consumer ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần hơn 2.000 tỷ đồng, tăng gần 8%. Trong đó, các sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu có kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể, đặc biệt các dòng sản phẩm mì gói hay snack khác được tiêu thụ mạnh giữa đại dịch.
Năm 2021, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu từ 27.000 đến 30.500 tỷ đồng, tăng từ 16% đến 31% so với thực hiện 2020. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dự kiến trong khoảng 5.000-5.500 tỷ đồng, tăng 11-22%.
Doanh thu thất thường của ông chủ mỳ Gấu Đỏ
Mặc dù không có kinh nghiệm dày dặn như Acecook hay nguồn lực mạnh mẽ như Masan Consumer, tuy nhiên hằng năm ông chủ mỳ Gấu Đỏ Asia Foods vẫn thu về mức lợi nhuận đáng nể với con số hàng trăm tỷ đồng.
Tuy vậy, trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng trăm nhãn hàng mỳ ăn liền trên cả nước, Gấu Đỏ dường như đã bắt đầu thấm mệt khi thương hiệu này mang lại cho Asia Foods mức lợi nhuận thất thường trong suốt 4 năm qua.
Năm 2019, Asia Foods thu lãi ròng 409 tỷ đồng, dù kết quả này đã gấp đôi năm 2017 nhưng vẫn thấp hơn một nửa so với con số 878 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018.
Những tên tuổi gạo cội “nép mình”
Là một trong những thương hiệu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam, mỳ ăn liền Miliket của Công ty cổ phần Thực phẩm Colusa - Miliket đã đi vào huyền thoại với việc định danh cho cả một dòng sản phẩm. Đến nay, thương hiệu từng nắm trong 90% thị phần mỳ cả nước này chỉ còn giữ được cho mình mức thị phần dưới 4%.
Dù vậy, với mục tiêu là sản phẩm giá rẻ nhất trên kệ hàng siêu thị, nhắm tới phân phối sỉ tại các cửa hàng bình dân và khu vực nông thôn, Miliket đã có vẻ như đã tìm cho mình được một góc nhỏ trên thị trường, “nép mình” vượt qua cơn bão mà những đại gia Acecook, Masan Consumer gây ra trên thị trường mỳ gói.
Từ năm 2016 đến năm 2019, Miliket vẫn tăng trưởng doanh thu từ 461-625 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về đều đặn ở mức 19-26 tỷ đồng.
Một tên tuổi gạo cội khác là Vifon cũng từng là ông hoàng trong những năm 70 của thế kỷ trước, đến nay Vifon lại đang phải chật vật dành lấy 2-3% thị phần ít ỏi với các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác trong ngành.
Tuy vậy, nhờ chiến lược kinh doanh, Vifon vẫn thu về mức lãi hàng chục tỷ đồng hàng năm. Từ con số 12 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2017, đến năm 2019, Vifon thu về 75 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty CP Uniben, đơn vị chủ quản của mỳ 3 Miền và Reeva bất ngờ công bố lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 ở mức 103 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với con số 1,3 tỷ đồng cùng kỷ năm 2019.
Kết quả kinh doanh này được Uniben đưa ra trong bối cảnh người dân có xu hướng tích trữ lương thực trong các đợt cách ly xã hội do dịch COVID-19 bùng phát.