Ngồi xe lăn vẫn vác gỗ, cưa cây
9h mỗi ngày, anh Thái Duy Đức (32 tuổi, ngụ tại tỉnh Lâm Đồng) lại tự mình đẩy chiếc xe lăn đến xưởng, bắt đầu một ngày làm chế tác gỗ lũa. Nếu không chứng kiến tận mắt, ít ai ngờ, vừa ngồi xe lăn anh Đức vừa có thể dùng 1 tay nhấc bổng khúc gỗ nặng gần 20kg.
Những ngày đầu làm nghề, khi đôi tay chưa đủ mạnh, anh phải đặt khúc gỗ dưới đất, và cúi gập người xuống để chế tác, cứ vài phút, Đức phải ngẩng lên do choáng váng. Tuy vậy, vì muốn tự mình tìm kế sinh nhai cho gia đình, không thể mãi sống phụ thuộc vào người khác, anh vẫn cắn răng chịu đựng.
Năm 2018, từ một khúc "củi khô" được một người bạn tặng, anh Đức tập tành vào nghề chế tác và buôn bán gỗ lũa. "3 năm sau tai nạn, tôi mới có một suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp nên tôi phải cố gắng theo đuổi nó đến cùng", anh Đức kể.
Lúc đó, nhiều người cho rằng công việc chế tác gỗ lũa không phù hợp với Đức. Bởi, công việc đòi hỏi thể lực tốt vì phải thường khuân vác, cưa... những khúc gỗ lớn và phải làm việc trong môi trường có nhiều bụi gỗ độc hại. Đối với một người bình thường đây đã là công việc khó khăn, huống gì người khuyết tật.
|
Dù ngồi xe lăn, anh Đức vẫn tự mình vác gỗ, cưa cây khiến nhiều người cảm phục (Ảnh: NVCC) |
Gia đình và hàng xóm đều khuyên anh Đức an phận, phụ gia đình chăm sóc đàn bò và đừng tự hành hạ bản thân bằng những cục gỗ vô tri. Mỗi lần nghe vậy, anh chỉ biết cười trừ rồi tìm mọi cách để vượt lên.
Nhận thấy căn bệnh chấn thương tủy sống không cho phép mình cúi gập người trong khoảng thời gian dài, anh liền đóng một chiếc bàn vừa tầm với xe lăn để có thể ngồi thẳng và "sáng tác" ngay trên đấy.
Mỗi ngày anh đều luyện tập cho đôi tay có sức hơn để quen với việc cầm nắm vật nặng. Nhờ thế, anh có thể tự mình vác từng khúc gỗ và cầm cưa chắc tay hơn, đảm bảo an toàn trong quá trình chế tác.
"Có loại lũa tôi chỉ cần làm sạch và giữ nguyên dáng gốc. Nhưng có khúc tôi phải dùng cưa cắt và ghép nối bằng keo chuyên dụng để tạo thành dáng ưng ý", anh chia sẻ về công việc hằng ngày của mình.
|
Ông chủ 9X bên cạnh những khúc gỗ lũa trong sân nhà (Ảnh: NVCC) |
Năm đầu, anh Đức chuyên làm về gỗ lũa thiên nhiên trưng bày, ghép với hoa lan,... Mấy năm gần đây, nhận thấy phong trào chơi gỗ lũa trong các hồ thủy sinh tăng mạnh nên anh chuyển hướng. Công việc thuận lợi, khách hàng ngày một đông, đã giúp anh mỗi tháng có thể tự mình kiếm được 20-30 triệu đồng/tháng.
Nhiều người đặt anh làm số lượng lớn nhưng anh đều từ chối. Anh chia sẻ, người chế tác gỗ lũa cũng giống như người nghệ sĩ, làm việc phụ thuộc nhiều vào cảm xúc. Anh muốn mỗi sản phẩm của mình sẽ mang một giá trị nghệ thuật riêng. Hơn nữa, anh biết sức khỏe bản thân không kham nổi.
Trên trang cá nhân, anh không "gắn mác" người khuyết tật hay ngồi xe lăn để kêu gọi sự thương cảm nhằm bán hàng. Ông chủ 9X tâm niệm, cố gắng làm ra những sản phẩm tốt, thẩm mỹ thì khách hàng sẽ tin tưởng và ủng hộ mình.
Nghị lực sau đôi lần muốn… kết thúc
Hiện tại anh Đức sống tích cực, luôn nỗ lực vượt qua mọi rào cản nhưng ít ai biết, bản thân anh từng trải qua sự đau đớn ra sao. Vốn là một người bình thường, khỏe mạnh, nhưng chỉ sau một tai nạn anh đã vĩnh viễn mất đi đôi chân.
Năm 2015, cú trượt ngã từ giàn giáo công trình đã khiến cuộc đời anh Đức về sau phải gắn liền với xe lăn. Chấn thương tủy sống làm anh mất cảm giác từ phần bụng xuống chân, vệ sinh mất kiểm soát.
"Có những ngày tôi cảm thấy mình thật vô dụng, chỉ ngồi xe lăn, rồi nằm trên giường, ngay cả việc tiểu tiện cũng không thể tự mình làm được", anh Đức kể về lý do khiến anh đôi lần tuyệt thực để "kết thúc".
Phải mất gần 2 năm anh mới có thể thoát khỏi "cú sốc" đó. Chính tình yêu với cô gái Bùi Thị Chinh (30 tuổi) đã giúp cho người đàn ông tật nguyền thêm yêu cuộc sống, vượt qua những cơn đau "thấu tận xương tủy".
Lúc mới cưới vợ về, hai vợ chồng phụ mẹ anh chăm sóc trang trại bò sữa. Cuộc sống bình dị cứ thế trôi qua mỗi ngày trong ngôi nhà nhỏ. Nhưng vào năm 2018, anh chuyển hướng sang khởi nghiệp từ gỗ lũa, trở thành ông chủ trên xe lăn.
|
Anh Đức hạnh phúc bên con gái đầu lòng (Ảnh: NVCC) |
"Công việc chế tác gỗ lũa đã giúp tôi quên đi mọi đau đớn, thậm chí tôi có thể lo được cho gia đình, là một người trụ cột gia đình đúng nghĩa. Tôi cảm thấy "khoảng cách" được thu hẹp lại và chẳng còn mặc cảm là người khuyết tật nữa", anh Đức nói.
Không chỉ thế, vượt qua bao khó khăn, vợ chồng anh Đức, chị Chinh vừa chào đón cô công chúa nhỏ sau 3 lần thụ tinh ống nghiệm. Có thể nói, từ lúc có vợ con, có công việc, cuộc sống của anh dường như mỗi ngày thêm ý nghĩa.
Anh Đức tâm sự chính tai nạn năm 2015 đã làm thay đổi cuộc đời mình. Tuy vậy, nếu không gặp biến cố, anh cũng chỉ mãi là một anh công nhân làm thuê, là một thanh niên đua đòi, rơi vào tệ nạn. Anh chưa từng nghĩ mình sẽ là một ông chủ, biết yêu thương, biết chia sẻ, biết nỗ lực từng ngày và có trách nhiệm với cuộc sống, với gia đình như bây giờ.