Hô biến thịt lợn nái thành thịt lợn rừng
Tin tức trên VOV, chiều 28/4, Công an huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận kiểm tra, phát hiện chiếc ô tô tải mang biển số 60C-256.49 do ông Lý Minh Lành, trú tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chở hơn 500kg thịt lợn nái tái nhợt, da màu vàng, có nước nhờn đến giao hàng tại nhà ông Nguyễn Văn Tuấn ở thị trấn Phú Long. Số hàng này không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
Khai báo với cơ quan chức năng, chủ hàng là ông Lê Phước Hòa, trú tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc thừa nhận đã
làm giả thịt lợn rừng bằng thịt lợn nái già.
Lợn nái sau khi mổ được khò da chuyển sang màu vàng. Sau đó, công nhân trong lò dùng kim châm lỗ chân lông da lợn nái giống như da lợn rừng, rồi mang đi tiêu thụ.
Thịt lợn rừng giả được bán với giá cao cho các quán nhậu tại thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.
Kiểm tra tại nhà ông Nguyễn Văn Tuấn, cơ quan chức năng còn
phát hiện hơn 350kg thịt lợn rừng giả đang để ngổn ngang dưới nền nhà và trong tủ cấp đông.
Công an và các cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Bắc đã lập biên bản, hoàn tất hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.
|
Lợn nái sau khi mổ được khò da chuyển sang màu vàng. Sau đó, công nhân trong lò dùng kim châm lỗ chân lông da lợn nái giống như da lợn rừng, rồi mang đi tiêu thụ. (Ảnh: Báo Công an TPHCM). |
Trước đó, theo tin tức trên báo Bình Thuận Online, ngày 18/9/2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt quả tang một đường dây chuyên “biến” thịt lợn nái già thành lợn rừng.
Vào thời gian trên, khi ông Nguyễn Văn Hiển (trú tại khu E, P.Thanh Hải, TP Phan Thiết), đang nhận “hàng” tại nhà từ một chiếc xe tải mang biển số 54M-3854 thì bị lực lượng công an bắt quả tang. Sau đó, tài xế xe và chiếc xe tang vật được đưa về trụ sở Công an P.Thanh Hải để điều tra làm rõ. Qua lời khai ban đầu, tài xế Lý Minh Lành (30 tuổi, ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) thừa nhận, thấy nhiều người mua thịt lợn rừng với giá cao nên đã mua lợn nái già về giết mổ rồi dùng đèn khò, khò cho da chuyển sang màu vàng để giả lợn rừng. Lượng thịt lợn rừng giả này được ông Lành chở ra Bình Thuận bán cho ông Nguyễn Văn Hiển với giá khoảng 40.000 đồng/kg.
Việc mua bán giữa ông Lành và ông Hiển đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Cứ khoảng 2-3 ngày, ông Lành cấp “hàng” cho ông Hiển một lần. Còn theo ông Hiển, thì sau khi mua thịt sẽ quảng cáo là lợn rừng rồi bán lại với giá 110.000-130.000 đồng/kg(tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Phan Thiết). Kiểm tra trên chiếc xe tải, lực lượng chức năng đã thu giữ 114 kg thịt lợn. Toàn bộ số thịt này có da màu vàng, thịt ngả màu nhạt, có dấu hiệu biến đổi màu sắc, không được tươi như thịt lợn thông thường.
Theo một cán bộ Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh, thì số thịt trên không có giấy kiểm dịch và ông Lành cũng không có giấy phép giết mổ tại nhà. Một cán bộ Thanh tra chuyên ngành, Chi cục Thú y Bình Thuận cho biết, số thịt heo trên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa ra tiêu thụ trên thị trường, người tiêu dùng ăn loại thịt này sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Lực lượng chức năng đã quyết định tiêu hủy toàn bộ số thịt trên, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ việc.
Dấu hiệu nhận biết thịt lợn rừng chuẩn
Đặc điểm bên ngoài: Lợn rừng chuẩn có da và lớp lông rất dày, mõm dài cứng để đào đất tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra chúng còn có cặp nanh hàm dưới rất dài, chìa ra khỏi mồm và hơi cong.
Bên cạnh đó, lợn rừng có tai nhọn bé, các lỗ chân lông khá sát nhau, hốc mắt to, chân thon hơn so với khửu gối, đầu móng guốc thon và nhọn.
Đặc điểm lớp da và thịt: Thịt lợn rừng có da khá dày và cứng. Lớp thịt nạc gần như dính liền vào với da vì lớp mỡ ở giữa rất ít hoặc không có. Da lợn rừng chuẩn thì sần sùi, không bóng và trơn láng như da của lợn nhà nuôi hoặc lợn lai.
|
Thịt lợn rừng chuẩn. (Ảnh minh họa). |
Màu sắc: Thịt lợn rừng có màu sắc nhạt hơn, không có màu đỏ thẫm như thịt lợn nhà và có mùi hôi khá đặc trưng.
Hương vị của thịt lợn rừng: Thịt lợn rừng dù chế biến thế nào thì thịt vẫn giữ được vị ngọt đậm đà đặc trưng, không ra nhiều nước, săn hơn hẳn so với các thịt lợn lai, tự nuôi khác.
Bì lợn rừng dày và khô, phải cho vào chế biến trong vòng 15 - 25 phút thì thịt mới giòn và ăn được. Còn thịt lợn lai, lợn nuôi nhà thường có nhiều mỡ, thịt mềm và bì mềm, không giòn như thịt lợn rừng.
Ngoài ra để nhận biết thịt lợn rừng chuẩn, người nội trợ nên kiểm tra bằng cách bứt thử lỗ chân lông ở trên bì lợn xem ba lông ấy là thật hay giả. Vì lợn rừng thật thường có ba sợi lông chụm vào một chỗ, một số cơ sở thường làm giả thịt lợn rừng bằng cách bắn thêm lông vào.
Bên cạnh đó, để tránh mua phải thịt lợn rừng giả, người tiêu dùng nên chọn mua lợn rừng tại những cơ sở uy tín, đáng tin cậy, có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh… Không nên mua ở những địa điểm không rõ nguồn gốc, xuất xứ của thịt lợn.