Tốc độ đô thị hóa cao cũng như quỹ đất tại các khu đô thị ngày càng khan hiếm đã thúc đẩy nhu cầu xây dựng nhà cao tầng, lắp đặt thang máy gia đình ngày càng nhiều. Nhiều hộ gia đình sẵn sàng chi hàng trăm, thậm chí hàng cả tỉ đồng để sử dụng tiện ích này.
Chi trăm triệu để lắp thang máy
Chị Đỗ Tuyết (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết hơn một tháng nay gia đình chị đang cùng đơn vị thi công bàn bạc lên phương án xây dựng, cải tạo nhà ở để lắp đặt thang máy dành cho nhà phố 4 tầng.
“Diện tích không lớn chỉ 5x20 m2 lại có 4 tầng, bố mẹ tôi tuổi đã cao nên gia đình tôi quyết định làm thang máy trong nhà”- chị Tuyết nói và cho biết theo tính toán sơ bộ gia đình chị sẽ tốn từ 400 triệu – 450 triệu cho việc lắp đặt thang máy.
Không chỉ chị Tuyết, theo Hiệp hội thang máy Việt Nam, nhu cầu lắp đặt và sử dụng thang máy trong nhà riêng tại Việt Nam ngày một tăng cao. Ước tính mỗi năm nước ta lắp đặt mới trên 10.000 thang máy lớn nhỏ.
Ở góc độ đơn vị tư vấn và thiết kế nhà ở, kiến trúc sư Lương Thanh Trung, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Life Home, nhìn nhận không chỉ tại TP.HCM, nhu cầu lắp đặt thang máy trong nhà riêng đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều tỉnh thành phố khác.
Ông Trung cho rằng việc lắp đặt thang máy trong nhà ở riêng lẻ là một nhu cầu bình thường và cần thiết trong cuộc sống đô thị, giúp di chuyển nhanh, phù hợp với nhiều đối tượng. Chưa kể, thang máy còn được xem là yếu tố kiến trúc góp phần tạo nên điểm nhấn cho ngôi nhà.
“Cùng với dung lượng thị trường thang máy ngày càng đa dạng, cung ứng được cho từng mục đích sử dụng khác nhau, giá thành hợp lý, dễ thi công, bảo dưỡng, độ an toàn cao, tôi cho rằng xu hướng lắp đặt thang máy sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai và trở nên phổ biến đối với từng gia đình”- ông Trung nói.
Lựa chọn, sử dụng thang máy đúng mục đích
Theo kiến trúc sư Lương Thanh Trung, việc sử dụng thang máy liên quan trực tiếp đến an toàn cho người dùng. Do đó, việc lắp đặt cần phải có sự khảo sát kỹ lưỡng của đơn vị chuyên môn.
|
Lắp đặt thang máy gia đình cần có sự khảo sát kỹ lưỡng của đơn vị chuyên môn. Ảnh: THANH TRUNG |
Gia chủ cần phải xác định rõ mục đích đầu tư thang máy để lựa chọn loại hình thang máy, hay tư vấn thiết kế phù hợp như lắp đặt để di chuyển trong nhà cao tầng, dành cho người cao tuổi hay sử dụng cho mục đích vận chuyển hàng hóa (đối với mô hình làm nhà kho)…
Việc lắp đặt thang máy cũng cần phải có sự khảo sát kỹ lưỡng của các đơn vị có chuyên môn để tránh ảnh hưởng tới kết cấu nhà ở.
Đơn cử như đối với loại hình nhà có trước, thang máy có sau, chủ nhà cần thuê các đơn vị chuyên môn chuyên lắp đặt thang máy dành cho gia đình đến khảo sát lại hiện trạng để có sự tư vấn cụ thể về loại thang, giá cả cũng như kỹ thuật thi công.
Sau khi xác định được hiện trạng, chủ nhà tìm đơn vị xây dựng có kinh nghiệm khảo sát và kết hợp với bên lắp đặt thang máy để tìm hiểu kỹ kết cấu nhà, sàn nhà, mái nhà... xem xét khả năng chịu lực của nhà hiện trạng, các phương án thi công cũng như mức độ ảnh hưởng sẽ xảy trong quá trình thi công.
Tiếp đến, cần liên hệ với điện lực địa phương để cung cấp dòng điện 3 pha phục vụ cho việc lắp đặt thang máy. Sau đó mới thực hiện việc chốt hợp đồng với các bên thi công, thang máy để bàn giao mặt bằng và phối hợp giám sát công trình với 2 đơn vị thi công.
“Nguyên tắc khi sử dụng thang máy ưu tiên tính an toàn đầu tiên rồi đến kích thước, công năng và xuất xứ của thang máy, sau cùng mới tính tới tính thẩm mỹ. Thông thường, thang máy gia đình sẽ dùng loại khung thép hình chịu lực, thép chữ I hoặc chữ H, dày 100 đến 150 mm, ốp kính cường lực 100mm bên ngoài, thường dùng loại thang 320 kg” - kiến trúc sư Trung chia sẻ.
Khảo sát thị trường cho thấy tùy vào trọng tải, số điểm dừng, thiết bị nội thất bên trong, nguồn gốc xuất xứ mà giá các thang máy dành cho hộ gia đình giao động từ 280.000 đồng đến gần 1 tỉ đồng.