Lợi nhuận Samsung Electronics giảm kỷ lục trong vòng 8 năm

Google News

Samsung Electronics vừa thông báo lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 giảm tới 69% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Theo hãng tin Yonhap, ngày 31/1, Samsung Electronics thông báo lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn từ tháng 10-12/2022 giảm 69% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 4.300 tỷ won (3,49 tỷ USD).

Đây là mức lợi nhuận trước thuế tính theo quý thấp nhất của Samsung Electronics tính từ quý 3/2014. Doanh thu của Samsung Electronics giảm 8% xuống mức 70.460 tỷ won trong 3 tháng tính đến ngày 31/12/2022.

Mảng kinh doanh chip bán dẫn đóng góp 56% tổng lợi nhuận năm 2022, nhưng sụt giảm nghiêm trọng do người mua chíp bán dẫn cắt giảm chi phí trong bối cảnh hàng tồn kho ngày càng nhiều và nguồn cung dư thừa khiến giá chip giảm.

Loi nhuan Samsung Electronics giam ky luc trong vong 8 nam
Biểu tượng của Samsung Electronics - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, mảng sản xuất chip bán dẫn theo hợp đồng đặt trước của Samsung mang về doanh thu quý kỷ lục, lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước, nhờ mở rộng năng lực sản xuất, đa dạng hóa khách hàng và khu vực ứng dụng. Tuy nhiên, Samsung không công bố số liệu cụ thể.

Mảng bán hàng di động mang về doanh thu 26.900 tỷ won và lợi nhuận trước thuế 1.700 tỷ won trong quý 4/2022.

Tính cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Samsung Electronics giảm 16% so với năm trước xuống còn 43.370 tỷ won, dù doanh thu tăng 8,1% lên 302.230 tỷ won.

Phó Chủ tịch Samsung Han Jong-hee dự báo các thách thức kinh tế vĩ mô tiếp tục kéo dài trong cả năm 2023 khi kinh tế tiếp tục giảm tốc và bất ổn gia tăng do chuỗi cung ứng chịu nhiều nguy cơ hơn.

Theo nhà phân tích Lee Min-hee tại BNK Investment & Securities, tất cả các hoạt động của Samsung đang trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là sản xuất chip và điện thoại di động.

Theo công ty nghiên cứu công nghệ Gartner, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 giảm 10% so với năm trước đó khi các nhà sản xuất thiết bị điện tử bắt đầu xả kho chip bán dẫn tích trữ trước đó vì dự đoán nhu cầu tăng cao.

Trong nửa sau của năm 2022, người tiêu dùng cũng bắt đầu giảm chi tiêu, trong đó nhu cầu máy tính và điện thoại di động chịu ảnh hưởng mạnh nhất, sau đó các doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm chi phí do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái. Những điều này tác động tới triển vọng chung của ngành bán dẫn.

Minh Quang (t/h)

>> xem thêm

Bình luận(0)